Nhà ba miệng ăn

doduc
Nhà ba miệng ăn, nhưng chỉ có một người.
Đó là tôi, cộng thêm Gấu và phanh ki
Gấu là con chó vàng cháu trên quê mang xuống cho, nuôi nó từ bé, nay đã trên chục tuổi, .
Phanh Ki là con mèo khoang, con gái tặng lại khi dó đi du học nước ngoài. Gấu thon thả kiểu chó săn phú Quốc, Phanh ki lại là lão béo trông phát ngất: 7 cân rưỡi!
Ba nhân khẩu chung một mái ấm, nhưng chỉ có tôi ra khỏi nhà hàng ngày, còn gấu và Phanh Ki thì không.
Gấu quản không gian ngoài nhà, sân vườn cổng và lối đi. Phanh Ki làm chúa tể trong ba tầng nhà.
Trước Gấu, nhà tôi mất ba con, ấy là khi phố thịt chó Nhật Tân phát đạt, khi mà Trần Mục, Tú béo, những thương hiệu nổi tiếng phân thân thành mấy cửa hàng, nghĩa là họ nhại nhau thương hiệu kiểu Tú béo thứ thiệt, Tú Béo xịn, Tú Béo chính hiệu… cũng may làng chó thời ấy thế mà hiền, họ nhường nhịn nhau, không hề có va chạm dao thớt. Với lại thuở ấy hàng chó nào cũng nườm nượp thực khách. Cứ ngày cuối tháng, hơn cây số đường thơm mùi khói mỡ giềng mẻ nào ngạt, khói quạt chả dày như sương mù Sapa, xe máy xếp dài cả cây số, làng nghề nhộn nhịp như chơ tết. Thực khách toàn cỡ mập mập trung niên, có khá nhiều dân kinh doanh, kéo đàn kéo lũ lên ăn chó giải đen, cái thời kinh tế tấp nập, tưởng một tấc đến giời như con tàu Vinashin rẽ sóng. Rồi bỗng dưng phố chó Nhật Tân sập cái đoành như sự ra đi đột ngột của Vinashin vậy. Chỉ có hai năm mà phố chó cả ngàn thực khách chú mục đã biến mát khỏi bản đồ ẩm thực Việt chứ không của riêng Hà Nội!.
Chính thời gian sầm uất của phố Chó nhà tôi bị lũ trộm câu mất ba con, Gấu lớn lên khi đế chế chó lụi tàn. Làng xóm mất một mối nguy bị rình rập, nó được yên thân!
Nhưng ba năm nay, Gấu tự nhiên chán đi chơi. Nó chỉ loanh quanh vườn nhà, cổng mở cũng mặc. Trước đây chỉ nghe tiếng kẹt cánh cổng là nó đã lao ra như tên bắn, gọi còn chán mới về. Giờ thì nó đứng đắn hiền lành hẳn, chắc vì thời trai trẻ đã qua. Bây giờ Gấu chỉ sủa nhẹ đánh tiếng mỗi khi tôi đi làm về. Và nhất là buổi sáng khi tôi đi ăn sáng về là nó hóng sát cánh cổng rít lên mừng vui vì thế nào cũng được gói xương. Hôm nào không có, nó buồn thiu, cụp đôi mắt buồn nhìn xuống đất có ý trách trông rất tội.
Nếu Gấu chỉ luẩn quẩn trong khuôn viên nhà vườn thì Phanh Ki lại chỉ kiểm soát ba tầng nhà. Phanh Ki luôn cảnh giác với khách đến nhà , Khách đến, thấy mùi lạ là nó lén chui vào chỗ khuất, lom lom nhìn ra, quan sát mọi động thái. Nhìn mắt nó là biết ngay nó căng thẳng thế nao! Không ai có thể động tay vuốt ve trừ chủ nhân. Nuôi trong nhà lâu năm, nhưng nó vẫn có cái tinh tường của loài sống hoang dã, cảnh giác mọi nơi mọi chỗ với thái độ đề phòng. Chỉ có tôi là nó mới sán đến nằm ệch dưới chân hiu hiu ngủ ngay mà cấm nghe thấy tiếng ngáy. Lúc lên cầu thang nó bừng tỉnh đuổi theo rồi chạy đón đầu rồi đứng nép một bên, nghiêng cái đầu đưa chân trước tát tát vào chân tôi như đùa với bạn của nó. Láo thế. Nhưng hay nhất là buổi sáng thức dậy mở cửa buồng thì Phanh Ki đã ngeo ngeo đứng chờ sẵn: nó đòi ăn. Tôi xuống cầu thang , Phanh Ki lẽo đẽo theo sau như tên lính cận vệ mẫn cán. Phải mở nắp hộp thức ăn dốc vào bát khi ấy nó mới nhả tôi ra, chúi đầu vào đánh chén!
Nếu hạch toán ra, một tháng Gấu ăn gạo nhiều hơn chủ nhân còn Phanh Ki ăn thức ăn sẵn từ siêu thị, tính ra cũng bằng nuôi một miệng ăn theo tiêu chuẩn thôn quê.Nhà có ba miệng ăn là thế.
Từ khi các con lớn lên ra ở riêng, đứa đi học, rồi lần lượt rời căn nhà như chim rời tổ, còn lại chỉ vật nuôi gắn bó với mình. Giờ tôi mới hiểu sao người Châu Âu quí chó mèo đến thế. Tình cảm của nó luôn kịp thời vá vào những cái hẫng hụt khi cuộc sống của con người có những đổi thay.
27/11/2015