Kin lẩu và nhẩm lẩu

Doduc
Kin lẩu là đi uống rượu, là đi ăn cỗ thông thường. Vào mâm, chủ nhà nói vài lời mời. Chén đầu tiên thì mọi người cùng uống cạn. Sau đó thì tùy tửu lượng từng người. Giờ cũng có chút thay đổi trong chén rượu miền núi, thường là cái ly thủy tinh nhỏ, cỡ chén hạt mít vài chục phân khối cho mỗi người, nên hầu như chén đầu uống hết không còn là sự quan ngại của người tửu lượng thấp nữa.
Nhẩm lẩu có khác một chút. Nhẩm lẩu của người Tày người Thái giống như nhắm rượu theo cách nói của người Kinh. Nhẩm lẩu cũng gần với nghĩa nhậu lai rai. Nhà có chuyện hiếu hỉ ăn uống xong, vài người rủ nhau ngồi riêng một chỗ kéo dài buổi ăn cỗ sang không gian chỉ có rượu là chủ yếu, người ta ngồi trò chuyện tâm tình. Những cuộc nhẩm lẩu này ngồi vui với nhau, không cần nhiều thức nhắm. Có khi chỉ cần một bát canh là đủ, chuyện nhiều hơn uống. Nên nhẩm lấu ít khi xảy ra chuyện say lăn say lóc.
Những cuộc nhẩm lẩu của đám trung niên có lúc chuyển sang cuộc chơi “lày cỏ”. Lày cỏ , sái mạ, phát sọi là trò chơi với rượu. Mâm rượu đông mấy thì cũng chỉ có hai người chơi, còn mọi người xung quanh đóng vai trọng tài và hưởng ứng. Đám Lày cỏ bao giờ cũng làm cho cuộc vui dấy lên đỉnh cao vì tiếng hét ra con số như trò chơi oản tù tì. Bên thua bị phạt một thìa rượu, chỉ thìa rượu thôi mà vãn cuộc vẫn say lăn say lóc. Với tôi thì trong cơn nhẩm lẩu kéo dài thì lày cỏ, sái mạ hay phát sọi là trò chơi thu vị nhất, đơn giản nhưng vui và đẫm chất văn hóa.
Đó là những nét đẹp từng có của văn hóa rượu miền rừng.

Bây giờ trong các cuộc vui ở miền núi có tiệc tùng đã nẩy sinh thêm chén rượu “ giao lưu” không biết là nên khen hay chê. Uống được vài chén, người thích giao lưu rời mâm đến mâm khác, rót tiếp rượu nói vài lời giới thiệu về mình rồi sau đó cụng li với cả mâm, rồi ngửa cố làm cái ực, sau đó dốc chén cho mọi người nhìn thấy mình uống cạn, rồi ngửa tay vẫy mời mọi người cạn hết như mình. Khốn đốn cho những ai không uống được rượu bị thúc ép không uống cũng dở, đổ đi cũng dở! Khi thấy mọi người uống xong cả thì người mời vén tay áo chìa tay qua mâm, bắt tay từng người , miệng nói cảm ơn. Động tác các cánh tay chìa ra bắt , rung rung trên mâm cơm như rũ bụi trông thật ghê, nhưng không thấy ai dám mở lời chê trách. Tôi biết cái này mới có từ thời mở cửa, khi có sáng kiến làm ăn kí kết trên mâm rượu. Cái bắt tay như lời cam kết ấy giờ nhiễm sang những cuộc gặp gỡ thông thường, thành thứ giao lưu, có khi chỉ là làm quen, cũng có khi để người giao lưu có dịp kể về mình, giới thiệu mình.
Tôi nghĩ đó là cái mới rất dở trên mâm rượu thời mở cửa, đang phát triển khá mạnh ở miền núi giờ muốn gỡ bỏ không dễ, vì khá nhiều người quan niệm thế mới là nhiệt tình, thế mới là thiện chí…

Đến những phiên chợ huyện vào ngày chủ nhật ở vùng cao như Quản bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn, thì gần như một phẩn tư chợ dành cho hàng ăn uống. Một bác người Mông đến chợ, mua bát thắng cố, cái bánh ngô đem đi từ nhà , một bát rượu, tự một mình cũng là một Loại độc ẩm thú vị với chính mình. Chợ xép như Sà Phình, Ma Lé ở Hà Giang, lứa trung niên hay tụ hội với nhau uống sex, hầu như không cần món nhắm và cũng ít trò chuyện, uống như một thú thư giãn, như giết thời gian, những câu chuyện nhát gừng về mình cũng nhỏ nhẹ được kể rời rạc. Người Mông nhẩm lẩu không bao giờ ầm ĩ hò hét. Họ thường nói với nhau đủ nghe , và cũng nói ít. Họ vẫn biết là lời nói có hơi rượu thường không phải lời nói hay!
Những phiên chợ huyện, người bán rượu tập trung ở một góc chợ. Nếm rượu là cái thú trước khi mua. Có khi chỉ nếm qua dăm người bán, mua được lít rượu bỏ vào quẩy tấu đã say lăn đùng. Có khi hai ông bạn gặp nhau mua bát rượu mời nhau ngay bên người bán rượu. Uống rượu chồng bát, uống xong đếm bát trả tiền. Những cuộc đối ẩm như vậy khi kết thúc thường cả hai say đứ đừ.
Say thì tháo dép, bỏ mũ xếp ngay ngắn bên cạnh rồi nằm ngay trên đất, gối đầu lên cánh tay đánh giấc đến khi rã rượu thì về!
Với miền xuôi, khách đến mời trà, còn miền núi thì chén rượu mới là thứ mở đầu câu chuyện. Đến gia đình Mông, được mời rượu, chạm chén xong thì đã được coi như bạn bè. Vào câu chuyện trở nên cởi mở và dễ dàng hơn nhiều.

Chén rượu từ lâu trở thành phương tiện mở đầu cho các cuộc giao tiếp của con người với nhau, thành phương tiện phôt biến trong cộng đồng và dối nội đối ngoại nữa. Hay dở bên chén rượu có đủ cả, giống như ngày và đêm, chén rượu có những lợi thế đặc biệt nhưng cũng có những rủi ro đặc biệt
Chuyện về chén rượu thì vô cùng phong phú không thể kể một lúc mà hết được!
Tôi từng có những kỉ niệm khó quên về chén rượu ở rẻo cao.
Năm 1972 lên Cao Bằng, buổi tối được mấy giáo viên người Tày và Nùng mời “nhẩm lẩu. Vốn không uống được rượu, nhưng ngồi mâm thì không thể không uống, tôi cảm ơn và xin chén rượu và nói trước, chỉ xin nhận một chén. Uống chén rượu xong, tôi úp chén xuống mặt mâm. Thế là phạm luật. Với người Tày- Nùng thì đó là có ý chê chủ nhà hết rượu. Mấy thày giáo trẻ đè tôi ra, bịt mũi và đổ vào miệng cả một bi đông rượu. Lúc ấy sức trẻ cường tráng mà tôi say đến tận chiều tối hôm sau mới tỉnh. Nhớ đời!
Lại lần khác ở Mường So năm 1991, tại nhà bí thư đảng ủy Đèo thị Ly, tôi đã phải uống đến chén thứ 14 . Mỗi chén rượu là nhận một lời chúc của gia chủ đến cha mẹ anh em con cái…hú vía !
Những cuộc nhẩm lẩu như vậy thường say lăn lóc, nhưng gia chủ thì vui vì khách đã uống hết lòng
Và đáng nhớ nhất là lần đấu rượu ở chợ Đồng Văn với ba bác người Mông. Là người thắng cuộc chốc lát, nhưng rượu men lá đã quật ngã tôi ngay sau đó. 12/11/2015