Tìm cái gốc

Dodức

Tôi có một kỉ niệm ngày đầu vào nghề.
Học vẽ thường có thời gian thực tập đi kí họa tại chỗ vừa luyện tay, tập nhìn và sau này là lấy tài liệu làm tranh.
Thằng bạn cùng lớp có tính hài. Hôm ấy nó ngồi kí họa cô chủ nhà đang sàng gạo. Ông bố dặn thằng con: Mày ra xem chú ấy vẽ thế nào mà học lấy tí nghề. Thằng con nhanh nhẹn đến ngó sau lưng. Lúc sau nó chạy lên ghé tai bố: chú ấy vẽ từ đầu xuống. Bố vui vẻ , thì cứ ra xem tiếp đi. Thằng bạn tôi biết thế, nó rút tờ giấy thứ hai. Lần này nó chuyển chỗ, vẽ từ chân vẽ lên. Thằng bé ngó được một lúc, lại rối rít ra bẩm báo bố: Chú ấy vẽ từ chân lên bố ạ. Bố suỵt soạt, cứ xem tiếp đi rồi tính sau.. Đến lúc cô gái đứng lên sẩy, thì thằng bạn tôi vẽ từ giữa bụng . Lúc này thằng bé chẳng biết thế nào nữa, lại rối rít: chú ấy vẽ từ giữa bụng ra.
Chua hết, tờ kí họa thứ tư, thằng bạn tôi nhìn khái quát, nó khuyên cả hình cô chủ sẩy gạo vào một hình kỉ hà, rồi từ đó tỉa ra chân tay, thân người và mặt mũi. Chỉ một lúc mọi thứ đâu ra đấy. Ban đầu hình người như trong cái rọ- thằng con bảo thế, vậy mà sau đó một lúc mọi thứ tươm tất rõ ràng…
Ông bố ngẩn tò te. Thế thì biết đằng nào mà lần.

Thực ra vẽ nó quy tắc của nó, Có rất nhiều cách đi đến một cái hình hoàn chỉnh, nhưng quy tắc chỉ có một. Khi nắm được nguyên lý thì vẽ bắt đầu từ đâu không quan trọng, mà cái quan trọng là tác giả lột tả được cái cảm xúc truyền tới người xem.
Làm việc gì, cái quan trọng là nắm được cái gốc, cái cột lõi. Cái cây kia dù to bao nhiêu cũng xuất phát từ một hạt giống hoặc một mầm chồi nhỏ nhoi.

Lâu nay nghe Hà Nội cấm nói tục chửi bậy, Đà Nẵng Đà Nẵng thì ban hành bộ quy tắc ứng xử, “Xin chào”, “Xin lỗi”, “Xin mời”, “Cảm ơn”. Cả hai nơi đều đang cố gắng bắt sâu trên lá để hoàn thiện dần nghi thức ứng xử. Nhưng lịch sự đâu phải là chỉ biết cảm ơn xin lỗi là xong, hoặc là không nói tục chửi bậy chắc đâu đã lịch sự?. Tôi nghĩ các vị lãnh đạo đang có sự lầm lẫn giữa hiên tượng và bản chất.
Văn hóa là sản phẩm tổng hòa của rất nhiều yếu tố xã hội từ giáo dục học đường, đến quan hệ ứng xử,chấp hành luật pháp, sự gương mẫu của hệ thống chính quyền, và nhỏ hơn là tôn trọng nếp sống sinh hoạt, thói quen vùng miền. Bây giừ nó sa sút người ta tìm nguyên nhân đổ cho giáo dục, rồi đổ cho đủ mọi chỗ khác đó là sự bị động vì không nắm được gốc gác bản chất của văn hóa mà ra. Nên chuyện cấm nọ cấm lia, hay ban hành quy tắc này nọ là thứ đối phó, thấy đâu chữa đấy và làm cho có việc chứ không phải tìm vào cái gốc gác để sửa. Việc làm ấy chẳng khác gì thằng bé xem vẽ tranh để học. Cuối cùng nó không biết làm sao với bốn cách làm mà chú họa sĩ ấy vẫn cho được một kết quả.
Mọi việc phải nhìn từ gốc, chứ đừng bị động từ cái ngọn. 9/8/2015

http://www.tienphong.vn/van-nghe/tim-cai-goc-896830.tpo

  1 comment for “Tìm cái gốc

Comments are closed.