doduc
Những năm bao cấp việc tuyển cán bộ làm ngành xuất bản không khó như bây giờ. Cái chuẩn hóa duy nhất là lý lịch phải thuộc thành phần cơ bản, càng nghèo càng tốt. Vì đó là lực lượng nòng cốt của cách mạng.
Tôi nói thế là chuyện ở nhà xuất bản ở địa phương thôi. Cũng thời ấy, biên tập viên nhà xuất bản Văn học hay báo Văn Nghệ là những Xuân Diệu, Vũ Tú Nam, nguyên Hồng, Bùi Hiển, nguyễn Bính… Toàn là những đại thụ trong nền văn học nước nhà sau này.
Còn chuyện tôi đang nói là chuyện nhà xuất bản của một khu tự trị. Cùng đợt tôi về có một anh bên công an vũ trang giải ngũ yêu thơ văn và quen giám đốc, anh mới học hết lớp bảy. Làm biên tập một thời gian không được anh tình nguyện sang phát hành cho đỡ đau đầu. Một anh nữa nghe bảo lớp bốn, quen làm thơ tứ tuyệt, nhưng đọc lên mới như hò vè chứ chưa tới cấp ca dao. Việc anh khai trình độ lớp bốn cũng khó mà tin. Có khi anh hạ thấp văn hóa để nó cân bằng với lí lịch. Cái chuyện đó cũng tựa như ngày nay người ta mua bằng tiến sĩ cho tương đương với chức tước đang có ấy mà. Cũng chẳng rõ ở lính anh làm việc gì, nhưng khởi đầu chắc chắn là nông dân, có quê Thái Bình trong lí lịch hẳn hoi. Còn thành phần thì Cố nông. Bây giờ đám trẻ như con tôi nó không hiểu cố nông là cái gì, tôi chỉ tạm giải thích cho nó: cố nông là không có gì, là áo nhất manh, quần nhất mảnh, đi làm thuê không có tấc đất cắm dùi. Chúng bảo khổ nhỉ, thế mẹ bác ấy đẻ bác ở ngoài đường à, thì tôi chỉ biết ừ.
Vị thứ ba tôi biết là trung cấp thú y. Chắc chắn là anh không ăn gian lời khai vì khi kể chuyện hoạn lơn thiến trâu anh tỏ ra rất sành. Anh về nhà xuất bản cũng chỉ là chuyện tình cờ, là người cùng quê giám đốc và có nguyện vọng tha thiết làm việc bàn giấy. Anh bảo thiến trâu là nghề nguy hiểm, nếu sơ ý để nó đá trúng dái là toi đời. Anh đã một lần chết khiếp vì con trâu dữ vẩy cho một nhát ngang bạng mỡ, đi nắm viện nửa tháng, nên nhớ đời.
Anh này để nhiều ấn tượng cho tôi nhất. Là đến cơ quan chuyện nọ chuyện kia, cuối cùng bao giờ cũng trở lại chuyện nghề thạo nhất của anh là hoạn trâu hoạn lơn. Giống như Xuân Diệu đi đâu nói chuyện cũng kết thúc bằng câu “ tráng miệng một bài thơ tình” khiến cử tọa sướng rên lên, rào rào bằng tràng vỗ tay không dứt. Anh này thì không được thế, nhưng các cộng tác viên cũng không bao giờ sỗ sàng nhấc đít khỏi ghế khi anh còn dở dang câu chuyện. Họ tự nhủ dù không dính gì đến bản thảo nhưng bù lại cũng có thêm tí kiến thức triệt sản nhỡ đâu có lúc dùng đến.
Không làm việc cùng phòng nên không biết anh biên tập thế nào. Nhưng không thể phủ nhận sự tận tâm và trách nhiệm, dù đi đâu từ đám ma sang đám cưới anh đều ôm khư khư cái ca táp trong lõi chứa đầy bản thảo đang làm. Một lần vợ anh còn úp mở: Ăn cơm còn ấp cạnh mâm, để lúc đợi xới còn ghé mắt. Tối đến anh ấy thà ôm cặp chứ chẳng động tay đến tôi. Tôi cười cho đó là lời hờn dỗi của chị vợ quá yêu chồng mà thôi.
Thời buổi bắt vào chữ nghĩa thấy mọi người nói muốn thành danh thì phải chọn cho mình một cái biệt hiệu để nâng giấc cho tên mình. Nếu không bốn mùa ai cũng réo cái tên cúng cơm ra thì có khác gì bố cu mẹ đĩ ở quê. Nhà ở cạnh sông Tô Lịch, đêm nằm vắt óc rồi cũng có công quả: à, Tô Lịch nằm trên đất Nghĩa Đô. Thế là cái biệt danh Tô Linh Đô được ra đời. Anh khoái lắm có kém gì xuất nhập khẩu sách báo người ta trệch sang thành Sunhasaba, bên âm nhạc là Dihavina, thuốc là là Vinataba. Mọi người cười anh về cái biệt danh chẳng giống tây cũng chẳng giống ta. Anh không chấp, coi đó là chuyện ngứa ghẻ hờn ghen cả thôi.
Nói thật thì trình độ cán bộ biên tập nhà xuất bản thế là hơi kém. Nhưng những đứa con bao cấp để lại đâu có dễ đuổi. Những giám đốc trẻ sau này trình độ ngời ngời cũng phải nể. Chí ít đấy cũng là lớp lão làng, đi sau chỉ là tiếp nối thôi nhé. Đừng có đùa! Nên vẫn phải nhìn lớp đàn anh theo nguyên tắc kính nhi viễn chi cho đến lúc các thành phần cơ bản ấy về hưu mà vẫn không dám ho he gì!
Trước khi về hưu ít lâu, Tô Linh Đô không dưới vài lần thì thào vào tai giám đốc cho ghé cái chức phó ban it ngày. Gía kể trước đó vài năm thì may ra. Đằng này do thức tỉnh muộn, khi Bộ chủ quản đã ra quyết định về tiêu chuẩn trưởng phó ban, mà lại do Bộ duyệt, thứ trưởng kí quyết định nên giám đốc có thiện chí thì cũng bó tay.
Nhưng có cái giúp được, đó là anh cũng kịp kết nạp trước khi về hưu sáu tháng để chính thức từ cơ quan, về khu phố đỡ phiền
Mới đây gặp vợ anh hỏi han, mới biết anh vẫn chung thủy với cái cặp giữ từ khi về nghỉ không rời lúc nào.” Bây giờ đi đâu ông ấy cũng rước theo, vẫn bảo là bản thảo đọc cho ai đấy, vẫn đang sửa dở. Chẳng biết có thật thế không. Ở nhà vợ con có bao giờ dám mó vào thứ gì của ông ấy đâu”, chị bảo thế. 20/3/2009