DODUC
Tôi gặp Trần Hòa Bình cách đây gần hai mươi năm tại 19 Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi làm việc của ban biên tập Nhà xuất bản Văn hóa. Lần ấy Bình đi cùng bạn thơ là Châu Hồng Thủy. Anh gầy và đen, chỉ cái đầu dường như to hơn, tóc bỏ trôi lớp xớp như tóc trẻ trâu. Cuộc sống lúc ấy nhọc nhằn nhưng đám văn nghệ đã hội ngộ thì bao giờ cũng ầm ĩ. Mọi người bàn nhiều đến tập truyện thơ Chàng Khum Cọ rất hay của anh viết cho thiếu nhi. Những năm ấy, người ta biết đến Trần Hòa Bình- nhà thơ trong lứa các tác giả đi ra từ cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ đang trưởng thành,như là một thế lực mới trên thi trường hậu chiến.
Con tôi vào học trường báo chí tuyên huấn.Một hôm nó hỏi bố xin một bức tranh biếu thày nhân kết thúc năm học. Nó bảo thày biết bố đấy. Hỏi ra mới biết đó là Trần Hòa Bình. Lúc ấy mới biết thêm là anh thích vẽ, và đáng ra đã đi học vẽ. Tôi in bức tranh khắc gỗ “Bạn già” để tặng anh. Hà Nội những năm cuối thế kỉ 20, nói ra thì tội, nhưng con người chỉ cắm cúi lo miếng ăn, ai biết phận nấy, nên dù biết nhau, quí nhau nhưng cũng ít khi gặp nhau dãi dề. Cuộc sống đầy những lo toan. Vậy mà có một người yêu tranh, tìm đến tranh khi đang đói xanh mặt cũng là hiếm lắm.
Một hôm gặp bạn làm thơ trẻ là Chu Hồng Tiến trong quán nước, hỏi chuyện mới biết lúc này Trần Hòa Bình đang là phó tổng biên tập của tạp chí Gia Đình, trụ sở đóng ở phố Triệu Việt Vương, ngay cạnh nơi tôi làm việc. Tôi mò ngay sang chào anh và từ đấy anh kéo tôi làm cộng tác viên cho Tạp chí, ở mục cửa sổ. Làm việc với nhau một thời gian, tôi nhận ra rằng Trần Hòa Bình rất có sức lôi cuốn đối với bạn bè, nhất là lớp trẻ. Tuy vào vai phó tổng biên tập, nhưng cũng ít thấy anh ở tòa soạn, chỉ gặp gỡ trên điện thoại là chính, trừ khi đó là ngày báo lên trang. Anh đi lại như gió, thoắt đây, thoắt kia. Rồi còn công việc, lúc nào cũng bừa bộn việc này việc kia, nơi này nơi kia. Hình như lúc nào trước mặt anh cũng toàn là những việc làm ngay. Cũng là mẫu người tham công tiếc việc, lại pha chút ham chơi,nên hộ khẩu luôn ở ngoài đường. Vậy dù là số đào hoa không thiếu bến đáp nhưng cuộc sống dịch chuyển liên tục đối lập với tất cả mọi sự níu kéo bó buộc.Tôi bảo :việc người thì sáng/ việc mình thì quáng, chuyên gia gỡ rối ạ. Bình cười hiền hậu: nào việc của mình có lúc nào ngồi để tính đâu!
Năm ngoái đột ngột nghe tin anh xin từ nhiệm chức Phó tổng biên tập tạp chí Gia Đình, tôi hoàn toàn bất ngờ. Bởi tôi biết đây là một tập thể rất Gia đình. Anh gắn bó với tạp chí từ khi nó còn trứng nước. Hơn nữa trong tạp chí, Bình là người anh lớn, lứa đàn em cũng rất thân thiết chia sẻ hợp tác. Anh giải thích vắn tắt trong tin nhắn cho tôi rằng việc ra đi chỉ vì một lí do lãng xẹt.Cũng chẳng biết là thế nào nữa, anh không muốn nhắc lại câu chuyện chẳng có gì vui này. Nhưng tôi chắc nguyên nhân ra đi là một quyết định riêng tư, không phải là chuyện mâu thuẫn ở trong nội bộ tạp chí. Gặp tôi, anh bảo: em vẫn sẽ làm báo, cho một tạp chí khác bên Bộ đại học. Cũng không rõ là tạp chí nào.
Rồi chuyện không vui ấy cũng dần dần hé lộ,hình như có qui định mới về quản lí báo chí từ trung ương, chức phó tổng phải là đảng viên, mà Bình thì không, nên được gợi ý rút. Lí do bày hàng là chức phó tổng không được kiêm nhiệm. Vì lâu nay làm tạp chí nhưng anh vẫn là giảng viên bên học viện báo chí tuyên huấn. Chẳng biết có đúng thế không, nhưng tôi cảm thấy việc này cũng gây cú sốc lớn đối với anh. Dù anh vẫn giữ thái độ tỉnh bơ như không có gì nhưng lòng anh đầy ưu phiền,. nó không khác gì một cuộc hủy hôn thú bằng cưỡng bức!
Thế là 14/7/2007 lại là lần cuối cùng tôi trò chuyện với Trần Hòa Bình qua điện thoại.
Còn nhớ năm 2006 tôi hẹn Bình lên nhà vẽ chân dung.Lên đã muộn, lại còn xách theo chai rượu.Thế là chủ khách cùng say, lúc bắt đầu vẽ thì mặt trời gác núi. Bức chân dung không thật như ý nhưng Bình vẫn đóng khung treo trang trọng tại nơi làm việc. Nhưng tôi vẫn hẹn vẽ một bức khác.
Hồi đầu năm nay tôi bất chợt nhận tin nhắn của Bình chia sẻ khi đọc bài viết của tôi giới thiệu cuốn tùy bút Thăm thẳm bóng người của Đỗ Chu trên tờ Văn Nghệ của Hội nhà văn khi đang trên đường đi công tác. Nói rằng anh thích bài viết vì có nhiều nhân xét xác đáng, hẹn khi về anh em sẽ gặp nhau chầu nhậu để chuyện được dài hơn. Rồi khi về lời hẹn cũng bị công việc cuốn đi mất.
Đến ngày giỗ vợ tôi, cánh làm báo tụ đầy hai mâm, chỉ thiếu Bình. Đang lúc vào mâm thì tin nhắn cáo lỗi của Bình từ Cao Bằng gửi về : Lỡ hẹn rồi, khi về sẽ lên thắp hương cho chị. Bữa ấy Trần Quốc Toàn từ Sài Gòn ra cũng hỏi thăm Bình, có ý chờ, rồi cũng đành lỗi hẹn. Cách đây mấy tháng, Bình gọi cho tôi khoe nhà xuất bản Kim Đồng in cho anh tập truyện thơ Con quay gỗ, trong đó có Chàng Khum Cọ mà tôi thích. Anh muốn tôi minh họa cho cuốn sách ấy để có tên chung làm kỉ niệm. Nhưng đề nghị ấy nhà xuất bản không nhớ, lại giao sách cho họa sĩ Lý thu Hà vẽ. Chị là người minh họa giỏi, vậy là tôi cũng yên tâm, định gọi báo cho anh biết, nhưng đã không kịp, và bây giờ thì không cần nữa rồi, Bình ơi!
Tôi cứ nghĩ mãi về cái tên cuốn sách của anh, sao lại là con quay gỗ, cái con quay nó chỉ thật sự sinh động khi ở sân chơi, chỉ vui ở chỗ cộng đồng.. Cái con quay gỗ hay là hình ảnh cuộc đời Trần Hòa Bình muốn tặng cho lớp trẻ?
Bây giờ là nỗi đau li biệt. Tôi vẫn nhớ anh khuôn người vạm vỡ, da hơi tái ửng màu đồng hun luôn luôn phảng phất nụ cười phúc hậu trên môi. Đôi mắt giấu sau cặp kính cận luôn ánh lên tia tinh quái của một tâm hồn nhạy cảm và đầy sôi nổi. Biết nói gì hơn lúc này,lặng lẽ tiễn Bình về nơi không còn buồn vui, không còn lo lắng, không còn mọi sự tính toán. Cõi niết bàn của anh chính là nơi tâm hồn bạn bè dành cho. Nơi ấy rộng và sâu lắng. Bình hãy sống bình yên nơi ấy, Bình ơi! 12h20/ 17/8/2008.