(Tặng Tích Kì- người anh, người bạn vong niên
Doduc
Năm 2009 ở Paris tôi gặp một Việt kiều có cái tên nghe như tiếng đếm nhịp của chiếc kim đồng hồ: Tích Kì. Anh vừa thoát hiểm bởi căn bệnh hiểm nghèo. Bây giờ phổi chỉ còn một lá làm việc nên tiếng nói luôn lẫn trong hơi thở. Thế mà với dàn hợp xướng “Hợp ca quê hương “ do vợ chống anh góp phần sáng lập ra, anh vẫn đứng trong đội hình.
Tôi chẳng biết gì nhiều về anh. Những gì biết là do anh tự kể. Cái lí do từ một người lính cụ Hồ trong đoàn quân Tây Tiến mà cuối cùng lại dinh tê sang Pháp tôi lơ mơ hiểu là do vị thế gia đình anh thuộc hàng đối tượng của cách mạng, nếu nhỡ khi trót không được ưa thì nguy nên phải tính trước. Những người trí thức hay có tâm lí dự phòng. Vì tâm lí ấy mà thường bị đánh giá là tư tưởng dễ lung lay, thiếu kiên định… Tôi thấy anh có thoáng rùng mình khi nhớ về câu chuyện này.
Vào xem triển lãm ba lần bốn lượt, cuối cùng anh mua một bức tranh của tôi. Bức tranh vẽ tỉa trên giấy dó ngôi chùa Bích Động ở cố đô Hoa Lư. Ngắm tranh anh bảo: Cậu còn nhiều bức khác tuyệt chiêu, nhưng mình lấy bức này vì nhìn mái ngói chùa là man mác thấy ngay quê hương. Thì ra bên ngoài vẻ mặt phớn phơ , ăn nói hơi giếu đời vẫn đau đáu một tấm lòng về nguồn cội.
Trước ngày rời Kinh thành Ánh sáng, Tích Kì thăm tôi rồi đưa cho tấm hình của anh thời trai trẻ rồi bảo: “Đặt cậu vẽ cho một bức tranh, trong đó có mình giữa vùng sơn cước và thấp thoáng những thiếu nữ Thái với hình ảnh bản làng trong chiều mây phủ. Mà anh sẽ trả tiền thằng em đàng hoáng.” Tôi nói ngay, vì những điều anh nói, em sẽ vẽ tặng chứ không nhận tiền. Có ai lấy tiền của những kí ức đẻ sống bao giờ.
Thì ra trong lớp thứ hai tâm hồn anh vẫn tràn ngập tình cảm của người linh Tây tiến. Thời gian trôi đi, kí ức đọng lại. Anh từ khi rời đất nước trong chiến tranh chưa lần trở về quê hương nên vẫn sống đúng với tình cảm lãng mạn của người lính thủ đô thời ấy. Đó là bức tranh cuối cùng anh ngắm trên quê hương mình. Đến giờ vẫn thế.
Tôi đã vẽ anh, đầu mũ ca lô, trên mình trấn thủ, ngồi mơ hồ trong không gian xanh miền Tây ôm ghi ta phập phừng. Phía sau còn có con ngựa chiến đứng thõng, đầu hơi cúi…Lại có một đoàn quân đang đi lấp ló trong ngàn xanh. Nhịp bước hình như đang lắng vào hợp âm của cây đàn. Khẩu mút cơ tông treo lơ lửng trên chỗ thân cây anh ngồi tựa. Xa xa lẩn trong mây khói miền Tây bóng cô gái Thái xòe quạt chập chờn như ấn tượng có từ giấc mơ chìm dần vào mênh mông.
Một người bạn bảo tôi, anh vẽ Tích Kì thế á. Tích Kì đâu có biết đàn…Ha ha, thú vị đây. Thì ra cái nghề của mình mấy ai đã hiểu. Tôi bảo anh bạn rằng là tôi vẽ cái lãng mạn một thời của những người lính Thủ đô trong đoàn quân Tây tiến chứ đâu có vẽ anh ấy. Mà vẽ như vậy thì mới ra anh ấy. Hội họa là của tôi là như vậy.
Bức tranh kịp đến tay anh vào dịp kỉ niệm ngàn năm Thăng Long. Từ Paris anh hồ hởi viết:” Mình nhận được quà của cậu rồi, đang đi đóng khung, thích lắm, bức tranh sẽ ở vị trí trang trọng trong phòng khách của mình”. Anh vui như đứa trẻ được quà.
Mới đây lại nhận được thư thăm hỏi của anh. Bức thư ngắn với cách viết hơi tếu táo, nhưng phần cuối có mấy dòng lắng xuống: “Đức ơi, mình thương lắm, nhớ anh cả, biết rằng sớm muộn anh cả sẽ đi xa …thấy lòng đau lắm.”
Anh cả đây là chỉ tướng Giáp.
Biết dòng thư trên của anh là rất thật, bởi tôi hiểu trầm tích trong anh là hình ảnh đoàn quân Tây Tiến và dừng phim tại đó. Với anh đến bây giờ kỉ niệm cuối cùng bất biến. Cũng vì thế mà ai nói gì xấu về đất nước anh rất ghét, kẻ cả người thân. Anh không bao giờ muốn nghe..
4/3/2011