Doduc
Nói luôn đây, đó là số nhà 65 trên đường Nguyễn Thái Học. Cái biệt thự cổ thời pháp sau hòa bình lập lại thành một chung cư cho nhiều họa sĩ danh tiếng: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư nghiêm, Trần Đông Lương, Mai văn Hiến, Văn Giáo, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Văn Lí, Huỳnh Văn Gấm. Các nhà văn như Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Thanh Hương… tầng trệt có nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Trong số đó có người chỉ ở thời gian ngắn rồi chuyển đi nơi khác như họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, nhà văn nguyễn đình Thi. Mấy chục năm trước tôi đã vài lần theo bạn bè leo lên tầng ba diện kiến Nguyễn Sáng. Mỗi lần nghe tiến lộc cộc đầu cầu thang, họa sĩ Văn Giáo thường hé cửa xem khách nhà ai rồi lại sập cái đoành…
Nhìn qua của sổ tầng ba xuống mặt phố, có lần Nguyễn Sáng nói với tôi, nếu Hà Nội dẹp hàng rong quán cóc thì không còn Hà Nội nữa. Nó sẽ là cái thành phố chết.
Căn phòng nhỏ hoen khoảng mười hai mét vuông có một giường, một kệ đặt bát hương bám trên tường như cái tổ tò vò, Nguyễn sáng để tấm ảnh thờ vợ và cụm chân hương to ú hụ.
Thế này thì vẽ ở đâu? Một căn phòng là chỗ ăn ngủ, vừa chỗ tiếp khách , xưởng sáng tác… Hoàng Đình Tài, họa sĩ, có thể coi là truyền nhân số một của Nguyễn Sáng kể lại là ông Sáng thường rải giấy xuống nền nhà rồi lấy phấn vạch ngang vạch dọc làm phác thảo. Bây giờ trong tay Hoàng Đình Tài còn khá nhiều những phác thảo nhỏ của Nguyễn Sáng , trong đó có những chú mèo. Có lần tôi gặp Văn Đa, Quang Thọ cùng Nguyễn Sáng ở căn phòng bé tẹo đó. Thấy cả ba ông ngồi như trời yên biển lặng, ai cũng kiệm lời, không học thuật, không tranh luận, chỉ nhìn nhau bên chai rượu trắng là đủ. Nếu có lúc nào có một trong ba lên tiếng thì cũng chỉ là dăm ba từ vu vơ cốt phá đi cái tĩnh lặng của không gian. Mọi người hay tụ hội vì quí trọng Nguyễn Sáng, thương Nguyễn Sáng hoặc có thể cũng chẳng vì lí do gì mà chỉ ghé qua nhìn thấy mặt nhau thôi.
Cũng trên gác ba này, tôi đã một lần vào xem họa sĩ Vũ trung Lương vẽ chân dung vợ Đại sứ Nhật bằng tay trái vì tay phải bị liệt sau một lần tai biến. Sự kiên nhẫn tập luyện với viên phấn màu, tay ông đã sống lại xúc cảm trên từng nhát bút. Tôi chỉ còn nhớ ấn tượng về màu trên tranh Vũ trung Lương, nó thanh khiết thoảng hương trời toát ra từ bảng màu nhẹ như những làn gió thơm.
Dưới nhà có vài lần tôi đến gặp họa sĩ Mai văn Hiến đặt ông vẽ tranh chuyện, tranh biếm. Ông ít nói nhưng khi bàn về rượu thì chớ ai chen ngang mà mang họa. Ông kể ra đủ thứ li, cao lùn , li miệng loe, li miệng vụm, li nào thì rượu ấy, chỉ nghe đã say lử rồi. Ông đúng là một trong số người sành rượu nhất Hà thành. Bên ngoài cùng là nhà điêu khắc họa sĩ Song văn, người để lại tượng Bác Hồ trên đất Mèo Vạc Hà Giang và nổi tiếng cả việc làm bếp lò than bán cho thủ tuớng.
Mấy chục năm qua, nhà 65 vẫn còn đấy xuống cấp và nham nhở. Ngoài họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm còn sống đã chuyển đi nơi khác, còn lại là con cháu các nghệ sĩ kế thừa. Mỗi lần tôi đi qua, ghé mắt nhìn lên cấy tháp ngà mốc mác xuống cấp lại nhớ các ông. Lại như thấy các ông vẫn đang ở đó lặng lẽ với công việc của mình trong những căn phòng tò vò vừa chật chội vừa thiếu sáng, thiếu khí và thiếu ăn. Một dấu tích kỉ niệm về các tinh hoa nghệ thuật của đất nước bây giờ cô liêu và rơi vào lãng quên, dù biệt thự số 65 đường Nguyễn Thái Học đã thành con số lưu giữ một phần lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam trong đó.
Nhưng tôi bất chợt bừng tỉnh khi nhìn tầng dưới cùng, gian nhà trước đây của nhà điêu khắc Song Văn xuất hiện một tổ hợp chép tranh lối bờ hồ với những thợ vẽ trẻ hoanh, ngày ngày lầm lũi tạo ra những giá trị bờ hồ do một chủ gallery trẻ điều hành. Trông chúng mệt mỏi như những bé đánh giầy đường phố. Nhìn những bức tranh chép, dấu ấn bờ hồ nhưng màu đã vượt qua tầm dã thú sang dã man, ra lò hàng ngày trên mảnh đất chứa đầy lịch sử sang trọng của nghệ thuật tạo hình thấy lòng đau thắt. Nghĩ về nền mĩ thuật nước nhà như đang bị chế giễu ở ngay giữa Từ đường của nó..
5/3/2011