dongngan
Xứ Đồng Giữa là một họ đạo mấy chục nóc nhà ở lẻ tẻ nằm giữa cánh đồng giống như nắm ngô ném tóe trước sân. Tên Đồng Giữa không có trên văn bản hành chính. Người ta gọi tên theo thói quen của người dân, xóm đạo này nằm ở giữa cánh đồng. Còn tên trên văn bản hành chính là xóm Quang Trung, tên vị anh hùng dân tộc. Ở đây người bên Lương bên Giáo sống xen kẽ. Gọi bên Lương bên Giáo là cách chính quyền bảo khai để dễ cho việc quản lí xã hội thôi, còn dân thì có phân biệt gì ngoài việc người bên Giáo thì thờ chúa thắp nến, còn bên Lương thì hương đèn thờ tổ tiên. Còn có một cái khác nữa là bên Giáo sống có tổ chức khá chặt chẽ. Khi có việc gì chung của họ đạo thì mọi người tuân thủ tăm tắp sự phân công của ông Trùm. Bây giờ tôi còn nhớ được tên mấy ông bà ngang vai bố mẹ mình, nhưng phần lớn đã khuất núi. Đó là ông Thuận cụt tay và hỏng một bên mắt vì tai nạn ném mìn để bắt cá ở suối Tàu Bay. Cái dây cháy chậm để quá ngắn, mìn nổ trên tay, may mà không chết. Đó là ông Hùng mắt cá chày, hay sang nhà tôi mua sỉ rượu, mặt và mắt ông lúc nào cũng đỏ vì gần như ông uống rượu quanh năm. Đó là ông Mỹ lúc thì sang nhà tôi mua chai tương, lúc thì kiếm cút rượu. Đó là ông quản Dị có bốn người con thì ba là gái, chỉ có thằng Tiến chơi với tôi là con trai út. Tên ông là gì tôi không biết. Vùng quê tôi có một thói quen là người phụ nữ sau ngày cưới thường mất tên, người ta gọi theo tên chồng. Đến khi có con, người ta lấy tên con đầu lòng ra gọi. Người mẹ lúc này thì thành ra có hai tên, lúc người ta réo tên chồng, lúc người ta gọi theo tên con. Cái tai tội nghiệp phải dỏng lên để biết mà thưa gửi. Làng quê lúc có chuyện xung đột, chửi bới nhau thì người ta lại réo tên thật, gọi là tên cúng cơm ra để đay nghiến. Lúc ấy là quan hệ ngoại giao đã lâm vào ngõ cụt.
Ông quản, còn được gọi là ông Trùm( người đứng đầu họ đạo) cũng vậy, ông tên là gì chẳng ai biết, cũng chẳng ai tiện hỏi. Cái tên Dị là người trong xóm gọi ông theo con gái đầu lòng. Còn chị liền dưới là Ly . Ly-Dị, tên hai chị em nghe thật buồn cười, nhưng ông bà lại sống rất hòa thuận hết kiếp. Cả hai đều hiền lành phúc hậu. Đến khi cả hai ông bà về với Chúa mà trong xóm không ai biết tên thật. Lại một lần nữa, tên ông bà được chuyển gọi bằng tên thánh, cái tên để giáo dân nương tựa phần hồn. Đời một con người, cái tên thật chỉ có lúc chưa vợ chưa chồng. Còn sau hôn nhân, tiếp hai lần thay tên theo những đổi thay trong nhà thì tên thật bố mẹ đặt cho đã biến mất vĩnh viễn trên cõi đời.
Suốt ngày bé tôi không thấy ông bà Quản mắng con cái. Còn nói năng thì thấy không bao giờ cao giọng hơn khi cầu nguyện. Buổi sáng lúc còn nhọ mặt người, hai ông bà đã thức làm thành hai bè cao thấp rì rầm song hành đọc “kinh mừng mai,(ơ) lời ơn chúa…”. Tôi nghe trong lúc ngái ngủ thấy chập chờn một tâm thành đang được giãi bày trước đấng Cứu thế vừa sẽ sàng vừa nồng hậu thánh thiện. Giai điệu khúc thánh ca chập chờn gợn như sóng hình sin, như gió bay ngang mặt lúa, mang hơi mát ban mái rải đi khắp nơi . Ông bà sống được tuổi trời, đều gần tám mươi cả. Tôi còn nhớ không biết bao nhiêu lần sáng sớm bà sang xin nước đái của tôi về uống, bảo là nước đái trẻ con chữa được bệnh gì của phụ nữ. Có lần bà bưng bát nước đái trong veo còn bốc hơi nóng uống ngay trước mặt , khiến tôi nôn nao đến tận bây giờ!
Xứ đạo Đồng Giữa có một nhà thờ để ngắm nguyện giáo dân tự làm. Đây là vùng dân nghèo, chỉ lợp mái cọ tường trát vách đất, xoa vôi cát. Thế nhưng lúc ấy trông nó bề thế và trật tự.
Năm đôi lần, cha đạo xứ Yên Huy, mặc đồ đen đi bình bịch kinh lý qua đậy . Lúc ấy thấy bà con giáo dân cung kính rước đón đức cha về nhà thờ họ đạo. Thấy lời Đức cha phủ dụ các con chiên nghe cũng nhẹ nhàng như gió thoảng. Nhiều người tai nghễnh ngãng thì không nghe được gì. Nhưng tôi lại có cảm nhận hình như đức cha nói gì không quan trọng bằng sự hiện diện. Chỉ cần có mặt Người là đủ. Người theo thiên chúa nhận cảm đức tin chúa trời qua lời răn dạy ngắn gon, và hun đúc niềm tin bằng cầu nguyên, hay ngắm nguyện gì đấy với lòng chân thành để sống trọn trong kinh Phúc Âm, nghe thật huyền bí. Đến bây giờ tôi cũng không thể hiểu hết bề sâu tinh thần của họ đạo. Hình như tôn giáo nào cũng tạo ra sự huyền bí để tập hợp tín đồ.
Bố tôi bảo, ông Mỹ nhà nghèo thế mà có ổ trứng gà cũng mang ra kính cha. Tôi cũng không kịp hỏi liệu cha có nhận quà của con chiên rách không. Nhưng chuyện ấy cũng lâu rồi.
Xứ họ đạo Đồng Giữa bây giờ vẫn còn đấy. Cũng không phát triển lên là bao. Hôm mồng một tháng chín vừa qua về quê, cô em tôi báo tin bà Bảy, con gái thứ ba của ông quản Dị bị xe máy tông, chết cùng đứa cháu trai hai bốn tuổi vào đúng ngày rằm tháng bảy khi bà đi lễ ở xứ đạo Yên Huy về. Thế là lại mất thêm một người bạn thời thơ ấu kém tôi một tuổi mà từ lâu chưa hề gặp lại. Chỉ còn nhớ Bảy người thanh, da trắng, mắt sáng như mắt Đức mẹ Maria, mặt hơi lưỡi cày mà lại có duyên.
Người công giáo ở họ đạo Đồng Giữa quê tôi hiền như bột, đến hôm nay họ vẫn thế.4/9/2009