Đồng xưa

doduc
Tôi lại về thăm quê vào giữa những ngày lúa đang thì con gái. Cánh đồng xưa đây, Đồng Giữa với xóm họ đạo, đầm Sen , cánh Dộc, Đống mối, Đồng Trũng xóm Quẵng, xóm Chùa…những cái tên xưa quê còn nguyên đó
Xanh lắm, xanh ngan ngát, chỉ thiếu đàn én dệt thoi trên sóng lúa lả lướt trước nồm nam nữa thì giống hệt ngày xưa.
Cũng có cái khác thấy ngay là có ruộng nhưng không còn bờ. Bờ chỉ còn là con trạch nhỏ be nước phân cách hai thửa sát nhau. Một đường biên giới mong manh.
Ngày xưa ấy không xa, cũng mới chỉ trên bốn chục năm thôi. Ngày ấy cứ rối tối tôi đeo lên vai ba chục ống chúm đi theo bờ mương bờ ruộng, gài chặt ống giáp mép bờ, vét tí lòng bùn trước miệng ống. Sáng hôm sau dậy từ 4 giờ đi nhặt ống là đã có vài ba cân lươn…Sao cái thời ấy lươn sẵn thế.
Lại con mương ngoằn ngoèo nương theo thế trũng của đất, có chỗ thành vũng to, chỗ thắt lại, có những chỗ mương nước chui qua đống rễ si rễ vối, nước hoáy thành hố sâu lưng bụng…Những chỗ ấy là hang ổ cá trê cá rô. Đến đấy đặt cành câu chả mấy chốc được lưng giỏ.
Lại còn khúc mương lượn cạnh nhà nữa chứ…Cứ trưa trưa chị gái ra đãi cát lấy rổ hến nấu bầu. Cái ăn gần như chẳng phải đi mua. Giờ nhớ lại cái tủ thức phẩm thiên nhiên ấy có vẻ to hơn nhiều cái tủ lạnh thời nay. Mưa nắng bão bùng hay giá rét, chẳng cần chợ búa, cái tủ thực phẩm ấy luôn luôn đầy ắp. Cần mặn mòi thì đã có chum tương.
Ngày ấy con ếch nó cũng sung sướng. Chẳng mấy khi bị quấy đảo, trừ tháng Ba ngày ngả ải vụ chiêm, ếch ra chằm nhau, lại cao giọng gọi nhau ộp ộp mới bị lộ, mới bị bắt. Những tối ẩm trời, ra đường nhái nhảy rào rào dưới chân, cứ nghe tiếng bũm bũm là biết các chú đã an toàn dưới ruộng nước.
Ngày ấy vào vụ tháng Mười chúng tôi sung sướng đón muỗm đầu bờ: muỗm gỗ trắng mộc, muỗm xanh béo lẳn. Vì to béo nên chậm chạp nên hầu như khi cây lúa cuối cùng bị liềm hạ xưống thì đám dân cư muỗm trên rưộng đã bị bọn tôi tóm gọn cả.
Ngày ấy…
Ngày ấy không xa mà hóa thành xa lắm.
Bây giờ mương được nắn lại cho thẳng dòng chứ không chảy ầu ơ tự phát. Mương giờ là máng xi măng, nước không lững thững mà chảy như phi mã. Mối lần ngả ải, nước phóng vèo vèo như tên bắn. Ruộng no nước là mương khô liền. Con tôm cua cá trạch hết chỗ trú ẩn giờ không biết đi đâu. Con hến con lươn con ếch hoặc bị tiêu diệt hoặc cũng tha hương. Thì ra ruộng đồng chỉ có thế, khi gạn hết đất cho lúa tăng được chút lương thực thì thực phẩm thiên nhiên kia đương nhiên mất chỗ. Cái tủ thực phẩm thiên nhiên vô biên bị gạt bỏ thay bằng cái tủ gia đình nhỏ bé, tưởng như an toàn , nhưng thực ra chẳng bằng cái tủ năm xưa…
Những thay đổi ấy nhích từng ngày, từng tháng , từng năm…Tôi là người đi xa nên thấy ngay, còn ở nhà các chú em chả bao giờ để ý vì chuyện đổi thay nó gậm nhấm tí một nên chẳng thể biết.
Nhìn những con mương xi măng khô lạnh để đồng ruộng thêm hạt thóc lại nhớ đến cái tủ thực phẩm thiên nhiên lép kẹp do sáng kiến kiếm ăn của con người. Khi sáng kiến chinh phục được khai thác tối đa theo một hướng , đem lại tối đa hiệu quả tối đa cho hướng đó thì cũng là lúc nó cuỗm đi bao nhiêu thứ khác…giống như cái cây bị vặt trụi lá.
Nhưng ít ai để ý thấy điều đó.
Chữ “ cân bằng sinh thái” ai cũng biết nhưng hành vi thì luôn ở chiều phủ nhận mà không hề nhận ra. Bi kịch là thế. 10/5/2013