Bay lên Sảng Ma Sáo

doduc
Tôi đã là đứa con của núi rừng mà khi ngồi trước tấm bản đồ tại Bộ chỉ huy Biên phòng Lao Kai vẫn không thể không bị hút mắt theo các địa danh. Nào Pả Sa, Cốc Mỳ, Phu Luông, Sán Chải, Si Ma Cai, Tả gia Khâu, Tằng Loỏng, Mường Hum, Dền Sáng, Khảng Chu Văn, Ngải Thầu…Một Lao Kai với 10 huyện, một thị mà sao sa những cái tên nghe lạ đến ngẩn ngơ. Chuyến đi này nếu không định vị trước thì cũng khó có dịp nào đặt chân lên được xã Sảng Ma Sáo trên đất Bát Xát- Một chuyến đi khó quên bởi chăng đường bay lên như dây diều, loằng ngoằng quấn quanh các triền núi cao hùng vĩ của miền Tây. Vượt qua thị trấn Bát Xát là ghềnh dốc cheo leo. Nếu vào Na Rì ở Bắc Cạn, vượt đèo Áng Toòng, có nghĩa là kiến bò miệng chén thì đường lên Sảng Ma Sáo chẳng biết gọi là gì nữa. Chỉ thấy một bên núi, một bên vực trải dài như tiếng chiêng ngân không dứt. Đi như trong mơ, như đắm mình trong huyền thoại. Xe từ từ vào phố chợ Mường Hum san sát nhà và hàng quán như chợ huyện dưới xuôi. Dòng suối áp sát chân núi rỉ rả chảy trong bình yên, nước trong vắt lấp lánh như ngọc. Bước qua con cầu sắt bắc qua suối Mường Hum xe bắt đầu vượt dốc 15 độ ngoằn nghoèo theo sườn núi. Gió thốc bên sườn xe ràn rạt. Phía bên kia vực sâu là cả thớt núi hùng vĩ được cắt xén ra thành muôn vàn mảnh nương lớn nhỏ. Núi hấp trong không gian ngược sáng, chỉ có nắng rớt ven lên các bờ nương được đánh dấu bằng những hàng cây lô nhô xanh màu nõn chuối. Đường liên xã dân sinh mới mở ướt nhoét trong cơn mưa núi. Gặp chỗ lầy, xe rú ga, bánh sau ngoáy tít như say trong vũ điệu Di gan. Phía trên là bờ núi, phía sau là vực sâu. Độ an toàn tưởng sánh với trò leo dây trong rạp xiếc. Dưới thung trong ánh sáng mập mờ vài chấm đỏ như chân hương động đậy, nhìn kỹ đó là những người phụ nữ Mông đang cắm cúi xới cỏ ngô. Con người trong không gian kỳ vĩ ấy thật nhỏ bé mong manh! Với mật độ 35 người/km2 . dân số rẻo cao thật khiêm nhường, luôn bị mất hút trong màu xanh ngăn ngắt của núi rừng.
Xe cứ lần mò trong không gian huyền thoại thừa nắng gió nhưng thiếu an toàn như thế. Trong xe Nùng Chản Phìn, phó giám đốc sở văn hóa Lao Cai, người bản Tung Trung Phố lại rỉ rả kể chuyện cách phát hiện bọn người gây rối, truyền giáo trái phép ở Tả Thàng, ở Cao Sơn khi ông còn là phó chủ tịch huyện Mường Khương. Chuyện cách tiếp cận dân từ chén rượu, thiếu chén rượu không thể hiểu tâm hồn người Mông. Rượu đã là thứ văn hóa giao tiếp của người rẻo cao, đã thành hồn núi, ma bản…Câu chuyện có nhiều tình tiết ngộ nghĩnh, chân thành, khiến chúng tôi chốc lát quên đi cái rờn rợn khi xe đang bay trên lưng chừng núi, nâng dần độ cao. Cho đến khi bất ngờ cơn mưa núi ập đến, đường trở nên trơn nhẫy như đổ mỡ. Xe không dám nhúc nhích, chúng tôi đành đổ bộ bằng đôi chân, nhúc nhắc giữ thăng bằng như đang đi trong vũ trụ, ngửa mặt tiến sâu vào Sảng Ma Sáo.
Lúc này đã ở thế trời gần mà đất thì xa, những lớp lớp ruộng bậc thang dưới chân thung lũng thỉnh thoảng bắt ánh sáng trời lấp lánh như muôn vàn mảnh gương vỡ được rải ra khắp các triền núi đẹp như hoa.
Đứng ở Mường Hum, ngửa mặt nhìn lên Sảng Ma Sáo kể như rơi mất mũ. Vậy mà “bay” lên gần Sảng Ma Sao những cánh đồng bậc thang bám trên triền núi cao ngất nước lại tràn bờ bởi chót vót trên đầu núi, chui vào trong mây rừng nguyên sinh hầu như còn nguyên vẹn luôn tụ mây giữ ẩm. Bất ngờ bắt gặp hai bên đường hàng dãy chục chiếc cối giã gạo bằng sức nước hì hụi buông chày. Điện lưới đã về bản nhưng kiếm đủ tiền mua một cái máy xay xát cũng không phải dễ ! Thói quen tận dụng sức thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên của bản thuần Mông Sàng Ma Sáo còn lưu nặng trong tâm thức mỗi người. Trước căn nhà bên đường , hai bà cháu người Mông đang cặm cụi thêu thổ cẩm bỗng chòi ra chú lợn Mu Lình (lợn khỉ), lông vàng hoe, lọai giống bản địa rất quí của Lao Cai. Nó cho cả tạ cân nặng sau một năm chăn thả, giống lợn thịt thơm, mỡ săn chắc. Nhưng ở đây “Mu Lình” cũng tựa như muôn vàn vốn quý khác , cứ rông dài với thời gian, chẳng ai biết nó giá trị đến mức nào, mà cũng chẳng biết giữ gìn, tận dụng… Muôn đời các vốn quý ấy chỉ đọng lai ở dạng tiềm năng.
Lên đến điểm chót Sảng Ma Sáo là nhà văn hóa bản mới xây xong, tấm mái đỏ otsnam còn đỏ hoe, lạ lẫm chưa ăn nhập với không gian làng bản. Sát bên dưới là phân hiệu phổ thông cơ sở của xã gồm bốn lớp, mỗi lớp trên chục em nói tiếng kinh chưa “thõi”. 3 cô giáo Thái Bình và thày Lý A Chơ người Mông cặm cuị bên các cháu trong ánh sáng lờ mờ tường vách, giống nhà giữ trẻ hơn là lớp học. Lớp xây khang trong nhưng tường lớp trống huyếch, không có hình ảnh gì trên tường để tạo lại sự giao lưu bằng hình ảnh với xã hội bên ngoài. Tôi gặp người phụ trách Nhà văn hóa bản, đảng viên Thào A Sèo người của bản Mà Mùa Sử, một anh niềm nở khoe “Nhà văn hóa là biểu diễn, dân các bản đến đông vui lắm”. Anh lại cười: “ Làm văn hóa lương tháng ba trăng nghình (ba trăm nghìn) nhưng nhà văn hóa họat động được thì mình thấy tự nghèo đi rồi đấy”/ “ Phải bỏ việc nhà đi vận động bà con, có hôm đi cả ngày chẳng gặp ai phải nhịn đói đấy”/ “Cũng có hôm mua được gói mì sợi đem đi, hôm ấy được no”. Anh cười hồn nhiên :” Theo Đảng thì phải cố thôi, mình có thiệt một tí cho dân bản vui là được rồi”. Tôi nhìn anh cảm thông, lại như thấy hình ảnh của những người đi làm cách mạng thuở ban đầu…
Chót vót trên cao Sảng Ma Sáo nhìn về hướng Mường Hum, trời lồng lộng, khí trời trong mát sạch không hạt bụi. Nhưng cuộc sống người dân nơi đây luôn nằm trên thế giới nghiêng: nhà nghiêng bên sườn đồi, đường nghiêng bên sườn núi, chân bước nghiêng để giữ lấy thăng bằng, cuộc sống nghiêng về gian nan vất vả, miếng ăn nghiêng về đạm bạc và thiếu thốn, tinh thần nghiêng về phía thiếu thông tin và đói văn hóa. Ở thế giới nghiêng này, con người đã tự giản lược đi rất nhiều nhu cầu sống để giữ được thăng bằng. Người đứng nghiêng mà giữ được thăng bằng Và luôn nở được nụ cười tươi như Thào A Sèo thật đáng quý. Anh như cột trụ mốc chỉ đường trên những khúc ngoặt quanh có đường đời. Bay lên thế giới nghiêng gặp một Thào A Sèo như thế khích lệ chúng tôi rất nhiều trong công việc, góp chút sức mình làm một cái gì cho văn hóa rẻo cao. Và những chuyến đi vào rừng sâu núi xa với chúng tôi luôn là sự thôi thúc, luôn là nỗi nhớ không bao giờ có thể phai quên.
Ngày 03. 05. 2005