Suy ngẫm trên Cao nguyên đá

ĐỖ ĐỨC

Trên đỉnh núi lưng đèo người Mèo ca hát, Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng…Câu hát véo von cùng ngón đàn ngọt của tay cung văn láu cá khi hầu giá đồng cô bé vùng cao đã theo tôi mãi từ Bảo Hà, Lao Cai sang đất Hà giang. Lời ca ấy gã cung văn đã khéo lựa ở trong những sáng tác mới, đưa vào giá đồng cho hợp cảnh. Nhất là khi cô đồng nhảy chân sáo hòa được cùng nhịp với lời hát thì cung văn dễ được cô ban cho lộc lớn lộc bé đậm đà. Đó là đặc tính dân gian mạnh mẽ của cánh cung văn theo nghiệp hầu bóng luôn luôn đi sát tinh thần thời cuộc.Với những cung văn như thế, các giá đồng bao giờ cũng trở nên sống động.
Thực ra thì chẳng có chuyện trên lưng đèo người Mèo ca hát bao giờ. Cuộc đối mặt khốc liệt với thiên nhiên của người Mèo đã chẳng thể để lại lời ca đẹp như sự tưởng tượng của anh chàng nhạc sĩ giàu tinh thần lạc quan cách mạng vẽ ra cách đây vài chục năm. Người Mèo sống hướng nội, âm thầm trong cả niềm vui và nỗi buồn. Họ chẳng bao giờ phô trương, cũng như không quen than vãn. Luôn là sự chấp nhận đối đầu với mọi thách thức. Đôi khi sự đối thoại với rượu lại nói lên nhiều điều hơn cả. Khi giọt rượu làm mềm môi, cũng là lúc cái lý được bộc lộ mạch lạc và rắn rỏi. Đó là điều tôi đọc được trong đời sống người Mông từ lâu khi tiếp cận cùng họ.
Cách Mèo Vạc 5 km đi từ Yên Minh đi lên, gia đình Lầu Mí Chạ ở Ha Súa, Tà Lủng, nằm giữa nương ngô, cách sườn dốc con lộ chừng ba chục mét. Chạ nói tiếng Kinh chưa thạo, còn vợ Chạ, Sầu Thị Thá gầy nhom. Tay bế con nhỏ, chị lặng lẽ chào khách bằng một cái nhìn đề phòng và dò hỏi. Tôi định giới thiệu cách xếp đá làm tường rào khéo léo của người Mông với mấy người bạn từ Pháp sang, cho họ ngạc nhiên với đại diện chính yếu của cao nguyên đá. Tuy vậy mối quan tâm của mọi người lại được chuyển hướng ngay sau khi chúng tôi bước vào trong căn nhà ẩm thấp, vách thưng xộc xệch bằng ván xẻ tối om. Đó là chất lượng cuộc sống quá thấp. Nó giống như bát canh luễnh loãng chỉ có chút muối trắng nhàn nhạt thả xuống. Nhà Lầu Mí Chạ có 4 đứa con gái. Anh đọc cho nghe tên từng đứa: Lầu thị Mỵ, Lầu thị Thọ, Lầu thị Dí, Lầu thị Dếnh. Còn tuổi thì gần như cách nhau ba năm đôi. Hai chiếc giường chân cọc được chôn ngay xuống nền ở hai góc nhà. Tất cả bừa bộn và nhơm nhớp hơi ẩm và mùi mốc. Nền nhà ngang bằng với đất vườn, có mưa là nước tự chảy vào, nên luôn ướt nhoét và đầy rác rưởi. Không bàn ăn, không ghế ngồi, không ấm chén, không bát đũa, lại không thấy cả đèn dầu, thì còn nói chi đến giấy với vở loa nhạc. Và cuối cùng hình như không có cả tiếng nói trò chuyện giữa vợ chồng con cái. Trong nhà có thừa dăm bảy cái không. Ở một góc nhà, nồi mèn mén không vung, vài ba nhát xúc nham nhở trên mặt nồi như lời thông báo nhanh: ai cần thì cứ tự nhiên!. Nghe Chạ bảo nồi đó là dành ăn trong cả tuần. Bên cạnh là bát đậu đỏ nấu với muối, ăn bỏ dở, còn lõng bõng chút nước. Đó là món thức ăn duy nhất dùng cho 6 nhân khẩu trong nhà. Vợ chồng Chạ bằng tuổi nhau, cùng 33 mà đã từng ấy con. Cuộc sống thế thì làm sao mà cất lời ca lên được.
Tuy không xa trung tâm huyện là bao,cũng không phải đơn côi góc núi, nhưng nhà Chạ vẫn không điện không đài. Nhiều con số không trong căn nhà có tường rào đá tưởng như bền vững lắm. Và con số không lớn nhất cản trở bước đi của họ có lẽ là không hiểu biết! Tại nhà Lầu Mí Chạ, món ăn được tính từ vài trăm đến nghìn đồng. Thiếu thốn từ giọt nước, từ chút ánh sáng, đến miếng ăn hàng ngày. Còn khi yếu bệnh thì đành phó mặc cho số trời.
Có người triết lý với tôi rằng ngu dốt và nghèo đói luôn là bạn đồng hành. Họ nghèo đói là do ngu dốt. Không chính xác lắm, cho đó là câu chuyện muôn thuở của con người. Nhưng ta hãy thử thả con người thông minh đó vào ngôi nhà Lầu Mí Chạ xem sao. Liệu có tồn tại được như Lầu Mí Chạ. Còn chuyện giàu có mà vẫn xếp hạng ngu lại cũng không là chuyện hiếm ở cuộc sống hiện nay. Cái nghèo đói của Lầu Mí Chạ chỉ một mình anh ta và các con anh ta thiệt, nhưng đem cái đầy đủ đến thừa mứa của kẻ tham nhũng ra so cùng Chạ, thì họ không thể xếp ngồi cùng chiếu với anh, nó còn thấp hèn hơn anh nhiều bậc. Vì nó còn dính tới tội ác chiếm đoạt. Còn Mí Chạ thì không.
Có tin cao nguyên đá Đồng Văn mới rồi được tỉnh Hà Giang mạnh dạn đề xuất xin công nhận là di sản đá thế giới. Chúng ta đang hướng tới hội nhập, quảng bá thương hiệu là cần thiết, nhưng liệu có bao nhiêu chủ nhân cao nguyên còn sống tăm tối như Chạ. Họ đã được khảo sát kỹ như khảo sát đá chưa.Tôi không nghĩ rằng người ta lại quảng bá cho du lịch lên Đồng Văn là chỉ để xem đá. Chúng ta nên tỉnh táo khi tung ra lời mời khách đến nhà, khi căn nhà chưa được sửa sang và dọn dẹp .
Mèo Vạc có Mã Pì Lèng từ lâu đáng mặt xếp hạng di sản thiên nhiên cấp quốc gia. Tôi dám chắc như vậy vì vẻ đẹp của Mã Pì Lèng đã thuyết phục được bất kỳ ai từng đặt chân đến. Nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa thấy ai đề xuất việc này. Đồng Văn có một phố cổ nghèo còn mươi chục mái nhà cũ nhưng chính quyền đã phải vịn vai nó với tiêu chí phố cổ để lấy đà xác lập vị thế du lịch.Thực ra, miền núi Hà Giang hướng về du lịch sinh thái cũng thừa tiềm năng. Vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên luôn chứa đầy huyền bí. Còn chút phố cổ, là gọi thế thôi, chẳng qua người dân nơi đây còn nghèo nên chưa có tiền để thay thế căn nhà cũ kỹ, nên mưa nắng chịu vậy chứ căn nhà có cổ gì lắm đâu. Mươi căn nhà đó hiện diện bên cả loạt nhà mới xây ngoài phố thì có khác gì vài chiếc răng sún ở trong hàm răng lành! Đừng có bày ra rồi ngộ nhận, rồi khi thấy không kết quả lại chẳng hiểu vì sao. Nên tiêu chí Phố cổ là thực sự không bền vững mà lại làm khó cho chính những nhà qui hoạch du lịch và những ai muốn cải thiện lại chỗ ở của mình. Mới đây đi ngang phố cổ tôi thấy đường đang được đổ đá hộc cao gần ngang nền nhà trong phố, chắc rồi để rải nhựa cho mới và bền vững. Vậy thì làm gì còn con đường nhỏ như trước lượn lờ cho cảm nhận một không gian xưa. Gía đừng đề cập đến chuyện phố cổ còn hơn.
Ở Sủng Là tôi gặp Lầu thị Dín, người LôLô hoa. Chị đang ngồi bên góc cửa may bộ quần áo dân tộc chị. Những động tác cắt ghép khâu đột tạo hình trên tấm áo phức tạp được chị xử lý thật gọn gàng. Đây là việc làm tranh thủ khi rỗi việc nương rẫy . Bộ áo quần nữ làm xong trong vài ba tháng chị bán được chừng hai triệu, cũng có khi ít hơn. Nhưng tôi chắc khi du lịch đến Sủng Là thì những người Mông , người LôLô ở đây sẽ đãi khách bằng những sản phẩm văn hóa có chất lượng như những bộ áo váy làm.để dùng trong nhà. Sẽ không giàu, nhưng cuộc sống sẽ đáng mặt con người có tầm văn hóa chứ không chỉ là kẻ kiếm ăn tầm thường qua ngày đoạn tháng. Việc làm đồ thật hàng thật chính là thái độ văn hóa trong tiêu dùng. Việc này rất hay bị lợi dụng trong khi làm hàng cho du lịch, sẽ nhanh chóng làm hoen ố gương mặt văn hóa của cộng đồng, nên phải hết sức cảnh giác.
Ở đây tôi không có ý trách cứ gì vùng cao về sự thiếu hụt văn hóa. Sự thiếu hụt trầm trọng này mang tầm quốc gia đã từ rất lâu ở trong nhiều giới. Sự sai phạm do nhận thức sai gây ra bao chuyện đã từng leo đến cả hàng bộ trưởng khi quyết định công việc. Có thể lấy rất nhiều ví dụ từ các thành phố lớn đang diễn ra: khi một di tích được công nhận và được cấp tiền tu bổ thì cũng là lúc di tích bị đưa lên đoạn đầu đài. Người ta làm rất nhanh việc rải ngân, đập phá xây lại, chôn béng luôn di tích trong lớp sơn vôi lòe loẹt, rồi đánh kẻng mời dự lễ khánh thành! Ngôi nhà dinh thự Hoàng A Tưởng ở Bắc Hà (Lao Cai) là một ví dụ gần nhất về sự chôn vùi di sản trong bộ đồ mã sang trọng. Con đường tốn kém tiền bạc của huyện Đồng Văn chi cho phố cổ là đã bắt đầu cho việc chôn cất phố cổ rồi. Khi làm xong đường thì cũng là lúc phố cổ đi đời, vì con đường nhựa mới ấy chỉ là thứ bôi kem phấn, trát nước hoa, xa lạ ngay chính với phố cổ. Như vậy đấy, cái khả năng biến đồ thật thành của giả diễn ra triền miên ở nhiều nơi mà người có trách nhiệm lại cứ tưởng mình đang lập công to tát.Trong trường hợp này, nhiều khi người dân lại trở nên tinh tường đến mức quái. Ví dụ chuyện cái chảo thắng cố ở chợ Bắc Hà đang gây nức lòng các quan chức địa phương về kỉ lục to và nặng thì một ông già Mông lại thủng thẳng rằng cái chảo có to đến mấy thì cái bát ăn cũng vẫn chỉ to bằng vốc tay thôi. Câu nói ấy của ông già được một phóng viên tờ Thể thao –Văn hóa ghi lại bộc lộ một triết lý sâu sắc về thực chất cuộc sống. Trong tất cả mọi trường hợp, các trò đú theo thiên hạ đều bộc lộ ngay sự thiếu hụt thảm hại về văn hóa. Nhưng ông già người Mông kia thì không bao giờ mắc phải vì là người luôn sống thực.Ông chưa bao giờ là người biết adua.
Hãy sống tự nhiên như đá cao nguyên, hãy hoành tráng tự nhiên như Mã Pì Lèng, thu tụ mọi cái đẹp của trời đất. Đấy là sự bền vững trên chất lượng thật mà không cần bôi trét để giữ lại vẻ đẹp muôn đời của cao nguyên đá Đồng Văn. 17/6/2008

(*) Báo Nông thôn ngày nay-16/6/2008