Người Tày có tục lệ khi người cha sống trọn một hoa giáp ( 60 năm) thì sau đó con cái trong nhà sẽ làm một đại lễ Kì Yên (giải hạn), mừng cho cha đạt một chữ Thọ. Sáu mươi năm nhọc nhằn với một kiếp người vượt qua được, đó là có phúc lớn lắm.
Tinh thần của lễ Kỳ Yên là đem lễ vật về trời tạ tổ tiên, bởi tổ tiên đã ban phúc lành cho ông tuổi thọ. Buổi lễ ấy, mâm cỗ cúng trải ngay lên mặt sàn nhà. Thức cúng có nhiều thứ kể cả đồ mã tự chế của người Tày như cây tiền cây bạc. Nhưng đặc biệt trong mâm cúng có một con vịt. Hỏi ra thì biết đây là chuyến về trời của Pựt (thần linh), sẽ đi từ đầu nguồn đến cuối nước, đường xa muôn dặm nên con vịt sẽ là trợ thủ đắc lực. Vịt đi trên cạn, vượt sông hồ biển cả, không bao giờ bị ách tắc trên đường đi.
Có hai thày mo trong lễ cúng thay nhau hát. Một thày sau khi nhập đồng thì, bắt đầu hát kể. Lời hát bay theo nhịp xóc của chùm quả nhạc trên tay. Pựt kể rằng khi xưa loài người làm ăn khốn khó no đói quanh năm, vất vả khôn cùng. Người đi bắt con gà về cày thì gà không chịu, gà phóng vào rừng trở thành gà cỏ!. Bắt con mèo thắng ách thì mèo không đi. Ra roi thì mèo vọt vào rừng thành cáo bắt gà. Người bèn bắt chó, chó không chịu đi. Lại ra roi, chó tháo chạy vào rừng thành gấu chó. Bắt bò bắc vạy, bò cũng không chịu, thế là ” Bò tọt vào rừng hóa thành ra con nai”. Bắt con dê chưa kịp mắc ách nó đã lao lên núi hóa thành sơn dương. Bắt con lợn mắc ách, nó chui tiệt vào rừng thành con lợn lòi. Bắt ngựa cày thì ngựa vào núi hóa thành chó sói. Cuối cùng bắt con trâu thì trâu ta chịu kéo cày. Lúc ấy con chuột mới xui “ lấy dây về xiên mũi”. Từ đó trâu ra ruộng trước chủ, chủ chỉ biết vác cày theo sau. Để có có miếng ăn cũng phải trải bao gian nan chinh phục các loài, cuối cùng con người mới tìm ra phương cách…
Những buổi làm Pựt như thế, mọi người trong bản không kể trẻ già trai gái, đều tụ tập kín sàn, ngồi lân ra cả ngoài sàn trời lặng lẽ nghe lời hát kể…
Trên đường về trời, Pựt gặp lắm chuyện hay gặp nhiều chuyện dở. Pựt chứng kiến cảnh”…Trai góa vợ có chày có cối/ Lại không sàng không nia/ Soỏng rách không biết dặm/ Dậu thủng không biết đan/ Nhà bà góa không chày không cối/ Lại có sàng có nia/ Dậu thủng biết chêm sửa/ Mỗi người mỗi bịch thóc cũng chán/ Mỗi người khác căn nhà cũng buồn/ Ông góa với bà góa/ Lân la hóa vợ chồng”
Nhưng hay nhất là “Lên đến mường gái khéo/ nó khôn, khôn lắt léo/ khéo nó khéo đủ đường/ Giỏi nó giỏi mọi thứ/ Gái này may áo chồng không mượn/ May áo quan không mướn/ Tay vục nước thành hoa/ tay khỏa nước thành lúa” Còn xứ trai mường vụng thì” Đần nó đần đủ thứ/ Vụng nó vụng đủ đường/ đóng chuôi dao phải nhờ/ Tra cán rìu đi mướn”. Đã thế còn hoang phí :”Đóng con dao nén tám/Tra hái nhét nén ba/Ai muốn lấy thêm còn cho nữa”. Lại gặp gái xứ vụng “lao con thoi một năm/ chải mái tóc một ngày/ ( se) sợi vải to bằng bờ ruộng/ Dệt mặt vải thô như bờ rào bờ dậu/ Khâu áo chồng còn đi mướn/ Khâu áo Quan còn đi thuê” Việc khâu vá thì :” Lấy dây sắn về xâu/ Khâu hí ha hí húi/ Kim đâm liền vào tay…”. Lại còn có cô nàng xấu tính đến thê thảm:”Ăn hết ba gắp cá nướng/ không bỏ xương cho mèo/ vu cho mèo ăn vụng…” Chưa hết, có cô còn ” Ăn hết bốn quả mít/ Không bỏ xơ cho con/ Vu cho rắn ăn trộm”. Lại còn những cô có tật xấu như :“Ông vãi(*) đến đầu bản mắng gà/ Bà vãi đến đầu nhà mắng chó”. Hoặc vụng về đến khốn khổ :” Bước ra cửa xiêu nhà/ Ra ruộng làm nhà đổ”. Còn những cô gái nết na: “Nàng này đem hoa lên dâng cô/ Đem quả về dâng mẹ/…”.
Lại còn chốn vườn xuân xôn xao tình yêu:”Gái đẹp đi qua ngõ/ Phải mùi đàn bà liền sinh ốm/ Lên đến xứ kể chuyên tình yêu/ Chốn những người con gái con trai/ chốn trâu đực không chuồng/ Chốn trai tơ không vợ/ Chốn trâu đực không sẹo…” Cái xứ tình yêu ấy cứ thấy đầy ăm ắp mùa xuân !
Lại còn dạy nhau lẽ sống, dạy cách ứng xử: “ kẻ giàu chớ vội chê người nghèo/ Có việc họ đỡ đần/ Hổ bắt lợn giúp đuổi/ Kẻ nghèo hãy khoan chê người giàu có/ Có cái gì họ cho/…”
…Trong lời hát kể Pựt dạy người ta cách dạy dỗ con cái qua quan sát thiên nhiên :”Khỉ mẹ dạy khỉ con hái quả/ rái cá dạy rái cá lặn ao/ chó mẹ dạy chó con săn bắt/ rùa mẹ dạy rùa con lặn ruộng/ ba ba dạy ba ba lặn giếng/ ngọn cây đan ngọn cây dày tán/ lông chân buộc hàng rào gỗ nghiến”. Cách giết thịt :”giết gà giết vịt lấy cái gì về tra/ lấy cái lẹm về tra/…giết chó lấy cái gì về tra/ giết chó lấy cái đục về khảo/…mổ lợn lấy cái gì về mổ/ mổ lợn lấy ống lẹm về mổ”. Cách làm bánh trái :”Giã nhịp nhàng vung vẩy/ giã đung đua uốn mềm/ xôi chín thành dẻo thơm/ mới thành ra bánh dày chiếc đẹp/ …bánh dẻo mềm đuôi én/ bánh thơm gọt đuôi xòe”. Dạy cách trồng trọt cho đúng thời đúng vụ : “Tháng ba bắc nước về ruộng/ tháng tư người đua gieo mạ/ tháng Năm nhổ mạ đi cấy/ tháng bảy cây lúa ra đòng/ tháng chín cây lúa chắc đòng …” .Phải thế thì cây mới cho trái, lúa mới sây bông, dạy cách nghe ngóng các hiện tượng thiên nhiên để biết điềm lành, vận xui :”con bìm bịp khai xuân/ con bìm bịp kêu trước không tốt/ con mèo đen khai xuân/ con mèo đen kêu trước không tốt/ con chó đen khai xuân/ con chó đen sủa trước không tốt/ con gì về khai xuân mới phải/ trâu cà đen khai xuân/ con trâu đen kêu trước là tốt/ trâu cà đen khai xuân là phải”. Bao nhiêu câu chuyện đạo lí bao nhiêu câu chuyện oan khuất ở đời, tình cha mẹ, tình anh em, tình xóm giềng, sự tị hiềm, vì đâu sinh ra cái cái ác, vì đâu sinh ra ma quỉ , đều là từ sự bất công…. Hai thày đồng ngồi thâu đêm thấu ngày hát nối cả một trang sử dài. Đó là lịch sử sáng danh con người phải qua bao trải nghiệm, thử thách để đúc rút vào mấy vạn mấy ngàn câu cúng trong bài cúng tựa như một trường ca ”Tàng mừa pjá lệ đẳm”(**)(đường lên dâng lễ tổ). Lễ Kỳ Yên kéo dài ba ngày ba đêm, có nơi đến bảy ngày bảy đêm. Chỉ dừng cho thày đồng ăn xong bữa cơm, ngủ ngồi chút cho đỡ giấc lại hát tiếp cúng tiếp .
Pựt Kỳ Yên là phương cách cúng lễ rất dân gian. Người hát không có sách vở , câu hát cúng thày cúng nhớ nằm lòng. Người kế nghiệp thày Mo phải có căn, nghe đâu thuộc đấy, lại phải là người có phúc, vợ chồng con cái phải vẹn toàn mẫu mực. Lễ Kỳ Yên chính là một lớp học tổng hợp từ luân lí đạo đức, nhân nghĩa, lối sống tín ngưỡng, ứng xử cho mỗi con người, cho mọi lứa tuổi, cho hết thế hệ này sang thế hệ khác. Học làm người tử tế, chết mới về được đất Dương Châu nhà trời trọn vẹn.
Ngôi nhà sàn, nơi ở của một gia đình, cũng là một nơi giáo dưỡng tinh thần cộng đồng, lại như lớp học truyền dạy giáo lí qua những buổi cúng lễ. Nhận diện ra văn hóa trong tín ngưỡng luôn cần một quá trình nhận thức để tránh kì thị và tránh lạm dụng, luôn là điều tối cần thiết.2/11/2008
(Pựt”: một hình thức cúng lễ dân gian/ Pựt kì yên là một hình thức lẽ ta tổ tiên, cầu sự an lành cho người được làm ” pựtj”)
(*)ông vãi, chỉ bố mẹ đẻ cô gái.
(**)Tàng mừa pjía lệ đẳm”, NXB Văn hóa dân tộc- 2004
( Hoàng Hạc ghi và dịch theo lời hát của thày mo Lèo văn Phùng)