ĐỖ ĐỨC
Con trâu là đầu cơ nghiệp. Trâu gắn bó với nông thôn Việt Nam từ bao đời nay, nên không phải thuận miệng mà người ta nói ra câu này. Có con trâu là có sức kéo, giải phóng sức lao động trên đồng. Buổi sáng, một lực điền với một con trâu mộng, làm cật lực có thể cày lật tới bốn sào đất. Còn làng nhàng thì sào rưỡi hai sào. Không có trâu, lại không có người kéo cày, Chỉ dùng tay cuốc thì sào đất mất bốn công chưa xong. Cho nên ruộng sâu trâu nái một thời để đánh giá chỗ dựa tin cậy vững chắc ở thôn quê Việt.
Ba việc lớn can hệ đến sự thay đổi cơ bản con người cuộc sống ở nông thôn : làm nhà-cưới vợ- tậu trâu đã thành một tiêu chí mang tính tổng kết về hoạch định để có tính bền vững của một gia đình thôn quê. Ba việc đó phải gắn kết cùng nhau, thiếu đi một trong ba việc là chưa thể là hoàn hảo. Ước mơ đó thật nhỏ nhưng đã tồn tại kéo dài cả trăm năm nghìn năm với nông thôn Việt Nam.
Còn nhớ cách đây vài chục năm thôi, sau vụ gặt tháng mười, thu gom rơm rạ xong là mọi nhà rậm rịch bắc vai trâu đi cày đổ ải. Cánh đồng ngày đầu đông vui như trảy hội. Đất ruộng còn chưa khô hẳn được xá cày lật lên dẻo quánh một màu nâu. Đợi nắng cho hoai oải, ăn tết xong là bắt nước vào vụ chiêm. Con trâu chịu thương chịu khó đi vào ca dao thật ấm tình người:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa tròn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Tôi đã đọc những câu ca dao ấy trong sách tập đọc từ thuở đến trường và còn cặn kẽ nhớ đến ngày hôm nay. Đọc sách, học bài trên lưng trâu là việc kép trong buổi dong trâu đi gặm cỏ.
Tuổi thơ của rất nhiều đứa trẻ thành đạt ngày hôm nay đã từng mài đít trên lưng trâu, trong đó có cả những người có vị thế cao của đất nước. Tôi cũng là một trong những đứa trẻ ấy, cất cánh từ lưng trâu,nhưng tầm bay thì thấp hơn nhiều. Những câu văn xuôi thuộc lòng trong bài cách trí: Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ, đầu tôi đội nón mê tay cầm cành tre vắt vẻo trên lưng trâu…chúng tôi thuộc vanh vách. Nhưng đa phần tuổi thơ nông thôn xưa không mấy có ước mơ hoài bão gì, phần lớn yên phận với con trâu kéo cày vì lũy tre đã che chắn mất tầm nhìn từ bao đời nay, nên cũng chẳng ai nhận ra bi kịch nghèo đói nữa. Một cuộc sống hạn chế đến tối đa các nhu cầu ăn ở sinh hoạt cho mỗi con người, luôn lấy con trâu làm chỗ dựa để mà yên tâm ngày đủ hai bữa rau muống tương cà. Đó cũng là hạnh phúc cao nhất của nông thôn ta xưa khi mà mọi kĩ thuật canh tác chưa có khoa học chen vào.
Nhà tôi có đến ba con trâu. Một trâu đực thiến kéo cày, một trâu nái và một con trâu tháu sắp vào vực cày. Ba con trâu mất hẳn một công chăn dắt. Bù lại ngoài sức kéo chúng còn cung cấp phân bón. Phân trâu ủ với cây chó đẻ băm nát, đánh đống ở góc bờ ủ cho thật hoai mục, đến khi đổ ải mới đem quãi. Phân bón tự chế trên nền tảng phân trâu ấy là món thuốc bổ duy nhất cho đất. Phân bắc ủ gio chỉ đủ để trồng rau làm vườn. Có con trâu thì yên trí sẽ một cuộc sống bảo đảm. Như thế đủ thấy vai trò của trâu thật lớn nhường nào trong mỗi gia đình nông dân và nói rộng ra là của nông thôn miền Bắc.
Bốn mươi năm sau từ ngày tôi thoát li ra thành phố, nay trở về thì ruộng đồng đã dần vắng bóng trâu. Dù hợp đồng nay đã lỏng lẻo, nhưng trâu chưa bỏ được trách nhiệm kéo cày. Trên đồng máy cày tay và cả loại máy cày có bánh hơi đã len lỏi, đôi chỗ đã đuổi trâu lên bờ vì con trâu máy chạy dầu khỏe hơn nhanh hơn trâu cày. Cái chuồng trâu nhà tôi, đến bây giờ mẹ đã dỡ bỏ vì nhà chỉ còn vài sào đất năm phần trăm. Vào vụ, mướn ít tiền đã có cày máy làm cho nhoắng cái là xong. Con trâu trong nhà tôi chỉ còn nằm trong kí ức.
Còn nhớ từ xa xưa, chưa bao giờ người nông dân đem thịt trâu cày. Con trâu già hết sức kéo phải có Uỷ ban xã giám định mới được giết mổ. Bắt trộm trâu cày để thịt không tù mọt gông thì cũng bị người đời rủa xả, Cho nên một thời chỉ có trâu già hoặc trâu bị chết rét mới được phép đem làm thịt. Một con trâu nằm xuống là bao nhiêu giọt nước mắt rơi. Chẳng như hôm nay, người ta chọn trâu béo để làm thành những món đặc sản mà chẳng cần nghĩ gì.
Bây giờ trâu đã dần xa người nông dân vì tất cả những gì nêu trên. Cũng buồn và nhớ một dĩ vãng. Nhưng không phải vì thế mà níu kéo con trâu để giữ lại cả trăm năm nhọc nhằn của trâu và người. Thế là đủ quá rồi. Nhưng tôi cứ thầm hỏi sao chưa thấy ai nghĩ đến chuyện dựng một tượng trâu thật to ở cả các thành phố lớn (vì quá khứ phố cũng là dân nhà quê cả thôi). Con trâu đáng được đặt một tượng đài to nhất mới phải lẽ vì trâu đã từng là đầu cơ nghiệp. Còn trong tôi, trâu còn to hơn mọi tượng đài. Không biết nghĩ thế có gì sái quá không?20/12/2008