Trước đây và bây giờ, cây đa xóm Chùa luôn là điểm nghỉ chân cho hai chiều khác lên chợ Phú Minh và phố Mụ. Dưới gốc đa vào những trưa hè, bọn trẻ chăn trâu thường hay tụ bạ leo trèo hái quả hoặc rình nấp săn chim nua bằng súng cao su khi đàn nua kéo về bu kín trên chùm quả đa.. Bởi vậy mà ngày hè gốc đa bao giờ cũng vui hơn vào mùa khác. Cạnh gốc đa ở nhiều nơi thường có miếu thờ Thần. Chẳng biết là thần gì nhưng khi vắng người , và nhất là buổi tối có việc đi qua ai cũng thấy rờn rợn. May mà cây đa xóm Chùa lại không có miếu. Rễ đa nổi bạnh trâu chạy uốn dài như con rồng chầu trước các cửa đền để lũ trẻ trong xóm cưỡi chơi, đùa nghịch suốt cả mùa hè.
Gốc đa không miếu, nhưng lại có một con người nửa âm nửa dương trú ngụ, đó là ông Đóm. Ông ở đây bao giờ chẳng ai biết. Gia tài có mỗi chiếc bị cói, chiếc bát và mấy cái ống bơ rỉ méo mó như con người ông.
Ông nhỏ con, chân tay khẳng khiu như tầm điếu cày, người sắt lại giống cái xác ướp. Ngày ngày ông dật dờ vào các ngõ xóm, ai có việc gì thì gọi. Phần lớn là các việc vặt. Còn những việc xốc vác thì ông không có sức. Không có việc, ông mò ra khu dộc cạnh đó bắt cua tìm mà ếch mà lươn. Ngày nước cạn, ông đi tát vét nhặt con đòng đong cân cấn. Có hôm lại thấy ông gật gù cái cần câu ếch. Ăn không hết ông đem bán trong xóm lấy vài hào lẻ giắt cạp quần làm lưng vốn. Cách đây mấy chục năm, ông còn thêm việc làm phúc, gíup chôn cất những đứa trẻ xấu số khi mới lọt lòng. Người làng nhờ ông vì tất thảy tin rằng nếu cha mẹ đứa bé đi làm việc ấy, vong linh nó không siêu thoát, lại lộn về quấy quả. Xong việc ông được cảm ơn bằng chai rượu. Ông nhận rượu rồi âm thầm đi ra không nói mà cũng chẳng gật đầu dù chỉ một lần.. Sau này khi xã có trạm y tế, việc rủi ro khi sinh nở ít bị xảy ra nên ông Đóm không còn phải đi những chuyến làm phúc ấy nữa. Đó là những việc bây giờ chẳng mấy ai biết. Ông sống yên lặng dưới túp lều nhỏ dưới gốc đa làm chàng Thạch Sanh không có búa. Trưa hè, lũ trẻ trâu hay náo loạn phá cả giấc ngủ, ông cũng thây kệ. Mặc bố chúng nó có mồm thì gào, có hơi thì kêu chán thôi. Khuôn mặt già nua tóm tém của ông luôn đọng niềm vô cảm. Bên mắt chột sâu hóm, tụt hẳn vào trong hốc tối. Con mắt còn lại thì mờ đục như mắt thạch sùng ngủ ngày, sùm sụp mịt mờ sau làn nước mỏng hấp háy trong kẽ mắt. Mà đó là nơi duy nhất thông báo sự sống còn trong con người ông.
Nhìn ông mà xét đoán, cảm giác đó là loại con cầu tự, quen sống nuông chiều từ bé, ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời, bị lâm vào cảnh tứ cố vô thân nên vác xác ra gửi gốc đa chờ ngày về cõi.
Nhưng hóa ra không phải thế.
Mãi rồi người ta cũng mò ra được tông tích ông do một cụ già nhất trong xóm kể lại. Chuyện cũng không thật rõ ràng, đôi chỗ đầu ngô mình sở, nhưng chắp nối lại cũng mang máng hiểu được rằng thuở thanh niên Đóm cũng là người khỏe mạnh, giỏi trai, nhanh nhẹn và tháo vát.
Chừng năm sáu mươi năm về trước, vùng rừng rậm giáp biên này cư dân thưa thớt, cả xã chỉ mươi chục mái nhà tõe ra giữa các khoảng đồi. Lâu lâu, vào ban đêm hổ thường mò về xé rào vác đi thớt lợn. Chủ nhà biết đấy nhưng chỉ biết đóng chặt cửa. Đám chó săn quen hung hăng trước lũ chồn cáo, đánh hơi thấy mùi hổ thì sợ rúm tứ túc, nằm bẹp dí, rên ư ử như đến ngày tận số. Thêm vào đó, đám lục lâm thảo khấu bịt mặt đôi lúc lại mò về. Chúng xuất kì bất ý khiến mọi nhà khiếp sợ, để mặc chúng bắt gà, xúc gạo. Khách qua đường mà gặp bọn ấy thì vội quăng tay nải, nằm phủ phục như thày tế đình, xin chúng để cho mạng sống. Bởi cái thời thế ấy mà cha Đóm phải nghĩ ngay đến chuyện mướn thày Tàu về dạy võ cho con mình, trước để phòng thân, sau là giữ nhà. Dù nhà nghèo cũng phải cố.
Đóm vốn nhanh nhẹn lại sáng dạ nên chỉ sau vài ba tháng đã tập ngang ngửa với thày. Cũng dễ hiểu, Đóm tuổi hai mươi đang sức lớn, thày dạy võ thì đã già , Sức vóc lại loẻo khoẻo. Những thế võ thày truyền cho, Đóm đưa hết vào bụng. Có buổi tập quyền, Đòm đi động tác nhẹ nhàng mà đã nghe thấy tiếng gió vuốt như dao chém, khiến thày phải móm mém cười tán thưởng. Buổi tập cuối cùng là bài đánh đối kháng, thày dùng chiêu túy quyền dật dờ chống đỡ không lại, đành cụp dù. Đóm thầm nghĩ thầy đã nhão hết gân cốt. Hôm ấy cũng là ngày thày võ thú nhận là đã cạn vốn, xin nhận công và cáo biệt vào ngày hôm sau.
Cha Đóm cẩn thận bày bữa thịnh soạn. Chẳng được như mọi khi, thày uống được có vài chén đã kêu say, đòi đi nằm, vùi mình vào giấc ngủ sớm hơn mọi khi. Riêng Đóm lại trằn trọc không sao chợp mắt được. Trong đầu anh ta lởn vởn ba chục lạng bạc, bố giấu ở đâu không biết, đem ra trả công cho thày như giao kèo… Đóm nảy ra ý xấu muốn cướp lại số bạc mà anh cho là nó quá lớn so với những gì thày đã truyền dạy.
Vào khoảng cuối canh tư, lúc thày khoác tay nải cắp ô vái chào cha Đóm để từ biệt thì Đóm đã nhanh chân lẻn ra sau nhà, bịt mặt chọn đường tắt đón lõng ông.
Chuyện sau này được kể lại rằng cuộc đối đầu trong sương mù xảy ra chóng vánh đến không ngờ. Đóm vừa nhảy ra, chưa kịp xuống tấn vào thế để ra đòn thì ông thày Tàu đã ngả người dẻo như cái lá lúa. Chiếc ô trong tay ông huơ lên một đường vòng cung, chỉ chưa đầy một giây, nhằm mắt trái của Đóm ra đòn nhanh như tia chớp. Bị bất ngờ, Đóm rũ người buông dao, ôm mặt thét lên một tiếng đau đớn thảm thiết rồi lăn xuống vệ đường. Ông thày cũng không thèm dừng lại xem đối thủ là ai, xốc lay nải lặng lẽ rút cán ô đi thẳng.
Chính miếng đòn hiểm phòng thân của ông thày võ đã là bài học đầu tiên và cũng là lời nhắn bảo cuối cùng cho Đóm về cái nghiệp chướng võ biền và cả với những ai chưa hội đủ tâm đức ở đời mà đã định ti toe. Sau trận ra ràng gẫy cánh bởi miếng đòn hiểm ác mất đi con mắt trái, nằm dưỡng thương phục thuốc đến mấy tháng trời, đêm nằm vắt tay lên trán Đóm mới dần hiểu ra rằng để giữ được thân mình khi còn thiếu tâm đức thì võ thuật cũng trở nên vô dụng. Đóm thật sự ân hận. Nên sau ngày bố qua đời, Đóm đã hun lửa lên mái nhà, bỏ đến gốc đa xóm Chùa dựng lều sống liêu tiêu bằng để thứ việc trong làng ngoài xóm chỉ để đổi lấy bữa ăn và làm những việc phúc đức. Không vợ con, không nhà cửa, Đóm sống như để sám hối cho cái lỗi lầm của mình.
Năm tháng qua đi, xóm Chùa đã nhân lên vài chục nóc nhà, cây đa xóm Chùa vươn cao dần lên, mở thêm tán rộng. Chỉ có Đóm cứ quắt queo dần đi theo năm tháng. Ông ẩn mình âm thầm dưới bóng đa không còn nhớ tên nhớ tuổi. Người xóm chùa nhớ đến Đóm cũng như nhớ đến cây đa. Cũng như vậy Đóm cũng giống cây đa, biết tất cả mà lại như chẳng quen ai. Chuyện về ông để lại như một huyền thoại, khiến không ai nỡ hỏi kĩ. Với lại, ai mà đi xác minh một huyền thoại bao giờ!- 2002