Tặng Lan Oanh, bạn tôi
Doduc
Cách đây trên mười năm, trong lần tào lao với họa sĩ Lưu Công Nhân ở Nhà triển lãm 29 Hàng Bài Hà Nội, được nghe ông bảo: “ Các cậu đang làm việc, thế là sướng. Công việc hằng ngày đã có thằng khác sắp đặt cho, cứ thế mà làm. Về hưu rồi, phải tự lên lịch cho mình, nếu không sẽ chẳng biết làm việc gì trong ngày. Mà không làm việc thì có khác gì con lợn hả cậu”.
Bạn tôi, một người làm công tác nghiên cứu nghệ thuật mail cho tôi: “ …Lâu lắm e mới cho phép mình đọc liền một lúc 3 cuốn sách của một tác giả trong một thời gian ngắn như thế. Bởi lẽ em phải lên kế hoạch đọc sách chuyên môn phục vụ công việc chứ không thể bố trí thời gian đọc sách khác. Có lẽ e sẽ phải cân đối lại cách đọc để bồi bổ tâm hồn và thư giãn cho đỡ khô cứng, căng thẳng của loại tư duy khoa học mà mình đang phải lăn lộn từ nhiều năm nay”(trích thư L.O).
Chuyện của họa sĩ Lưu Công Nhân đã xa trên mười năm, chuyện bạn tôi là chuyện mới đây. Lưu Công Nhân là một họa sĩ già say nghề, bạn tôi là người trẻ tuổi mải mê với nghiên cứu văn hóa. Chị bảo “ Rời việc này ra, em chẳng còn biết làm gì”. Nói nghe tội nghiệp, nhưng thực ra cả họa sĩ và chị bạn tôi đều là những lão nông tri điền trên thửa ruộng văn hóa nghệ thuật đó chứ. Có phải ai cũng có lòng say mê và trách nhiệm với công việc mình đang theo đuổi như họ đâu, có phải ai cũng làm được điều đó!.
Có nhà nghiên cứu làm việc theo giờ hành chính, có họa sĩ chỉ vẽ theo các đợt vận động. Có người mê mải làm việc khám phá giải tỏa cho hết năng lượng của mình. Lại có người chỉ đem giấy bút ra khi có người thuê. Lao động nghệ thuật và nghiên cứu với người này là sự xả thân. Nhưng với ai đó thì chỉ là thợ đóng đồ. Qua cách nghĩ và ứng xử với công việc, họ đã tự biến mình thành kẻ làm thuê làng nhàng. Chuyện đó là chuyện đời, rất đời thường, ở đâu cũng có.
Một bạn về hưu được mấy năm bảo với tôi “ sao mình ngu thế, giá về sớm hơn thì làm được bao nhiêu việc”. Tôi gật đầu bảo : “ đúng thế”. Nghe vậy, anh lại kể chuyện một quan chức ba lần sửa lý lịch để được kéo dài thời gian làm việc. Ông sợ về hưu sẽ chẳng biết làm gì, đã thế lại mất bao nhiêu tiêu chuẩn, toi luôn khoản phong bì hội họp. Hai hiện tượng đó tưởng có gì trái ngược nhưng thực ra lại hoàn toàn giống nhau ở chỗ ai cũng cần có việc làm và cần có thu hoạch. Khác nhau là ở chỗ người độc lập thì tự chủ, kẻ phụ thuộc thì thành ra gian dối mà thôi.
Cuộc sống như một dòng chảy và sự thay đổi là những khúc ngoặt. Chuyện đổi thay là thường tình lắm, sao đời lại phải đẻ ra chữ giá như. Chữ đó thoảng nghe tưởng không có chuyện gì, chỉ là sự đặt giả thuyết thôi. Nhưng ngẫm kỹ thì vô cùng tai hại. Nó sẽ là con rận lẩn trong cuộc đời mỗi con người, khiến người ta ngứa ngáy không yên với cái gì đang có, cho dù cái đang có nó đúng với tầm vóc của mình. Cũng chính từ đó sẽ khiến người ta gây ra lắm tai họa. Gía như …Đó là sự tính toán cái đã vuột khỏi vòng tay. Tính toán nhiều quá sẽ tự làm thâm đen cuộc đời mình. Khi sự tiếc nuối được biến thành thủ đoạn sống thì nguy hiểm vô cùng.
Sống thật dễ, mà cũng thật khó!