Bên dòng sông một thuở

Sông Cầu nước chảy lơ thơ… Đó là giai điệu một thời ai cũng biết. Nhưng sông cầu có một làng Vân Hữu kề bên day dứt với một khoảnh khắc lịch sử thì chắc mấy ai đã biết. Các bạn cùng tôi trở lại với khoảnh khắc ấy, ít phút thôi…

Tôi đã từng ở cái làng ấy những năm sơ tán, đó là Vân Hữu, một làng xôi đỗ Tày-Nùng-Kinh xen nhau bám sát ven dòng sông Cầu. Những năm ấy, hợp tác xã nông nghiệp làm việc theo tiếng kẻng. Với cái nếp tập thể ấy, chẳng ai giàu nhưng cuộc sống vẫn có cái tình bao bọc xóm làng. Trai tráng thời chiến tranh phần lớn ở chiến trường, không A thì B hoặc C. Làng chỉ còn lại những trai hoi thấp bé nhẹ cân hoặc người khuyết tật, những người vợ đảm đang cưỡng bức, những ông bà già, và lớp trẻ loi choi. Tuy vậy hợp tác xã đã đâu có đủ đất cày bừa. Những hộ ven sông lựa những ngày vãn việc dùng sức thừa cùng các ông già bà cả và đám trẻ choai khai phá soi bãi ven sông. Dân Tày Nùng sống quen vùng bán sơn địa, ngoài lúa ruộng còn thêm hoa màu ven đồi, trồng lúa mố (lúa nương). Những soi mía lạc ven sông bừng bừng mọc lên thay cho lau lách cỏ rậm. Đường phên, đường cát từ hai ba đồng một cân nay tụt xuống còn đồng mốt đồng hai. Lạc đỗ giá chỉ còn ba bốn hào một bơ sữa bò. Với cái giá ấy, không chỉ người nua vui mà người bán cũng vui vì là khoản thu nhập thêm từ soi bãi hoang hóa mà thành. Có đôi ba nhà thu hoạch còn cao hơn mấy lần công điểm làm ở hợp tác xã. Vẫn là việc nhà nông, nhưng khai hoang phá rậm lại thành ra thứ nghề phụ được phất lên ở những con người không quen với cảnh nhàn rỗi chân tay. Nếu là bây giờ thì việc ấy được coi là năng động sáng tạo để khen ngợi thì lúc ấy lại chưa thể được hoan nghênh. Những gương tốt lam làm chịu khó ấy lại bị nhìn nhận một cách méo nó đi. Họ bị dò xét nghi ngại. Được mấy năm thì bỗng xuất hiện cái nghị quyết “chặt đuôi tư hữu” để chấn chỉnh các hợp tác xã trong tỉnh. Nghị quyết triển khai xong, không ai nói gì nhưng làng xóm thì buồn từ khói bếp buồn đi. Cái buồn vì mất đi một nguồn thu còn đau hơn thời nay mất phong bì. Nhất là soi bãi sau khi thu lại diện tích tự phát, hợp tác xã cũng không biết tổ chức sản xuất thế nào khi vì nó là thứ ruộng chưa thành thửa, soi chưa thành bãi, chỉ là những thẹo những vỉa trăm miếng như mảnh giấy lề.. Lại nữa tất cả đều chưa nằm trong sổ sách ruộng đất của hợp tác xã. Giữa khi xã huyện chưa bàn được cách xử lí như thế nào với những đám soi bãi được thu hồi thì lau lách cỏ dại không chờ nghị quyết, nó tranh thủ mọc lên một cách siêu dại, lại còn xanh tốt ngùn ngụt vì đất còn nhiều màu. Bàn đi tính lại chẳng biết làm gì với thứ ruộng không ra thửa, soi không ra bãi ấy thì tất cả đã xanh rì lại ngàn lau. Cuối cùng tất cả lại yên vị trở về hoang hóa như mấy năm trước. Nhớ lần họp hành về chuyện ấy, có cán bộ huyện về hẳn hoi, hợp tác xã chong đèn ba dây, rồi cả đèn măng-xông sáng trưng khắp ba gian hội trường để cán bộ thuyết trình về sự cần thiết phải chặt cái đuôi tư hữu.
…Phải chặt đứt lìa nó để giành lại sức mạnh cho tập thể, cho hợp tác xã. Đây cũng là cuộc đấu tranh gian khổ “ai thắng ai” một mất một còn… Cả hội trường im phắc. Người thính tai đôi khi bất ngờ thấy tiếng gãi ngứa sồn sột, có lúc lại nẩy lên tiếng đét mạnh giận dữ của tay ai đó đập muỗi. Đâu đó lại có tiếng ngáy khào của người vô tâm đang lấn vào giấc ngủ.
Đáp lại lời huấn thị của cán bộ huyện, chủ nhiệm hợp tác xã long trong xin tiếp thu ý kiến cấp trên, không quên lời cảm ơn long trọng và hứa quán triệt chủ trương đường lối. loáng thoáng xen trong lời chủ nhiệm, một lão nông người Nùng lẩm bẩm đủ cho ông bạn già bên cạnh nghe “ Lí thét dài như cái dây, mãi nghe không hiểu được một mẩu…”. Một cụ khác cục cằn hơn “ Lí thét lí thét cái con đầu bòi”. Sau cuộc họp đó, mọi chuyện lại in xưa. Lau cỏ trở về chiếm chỗ thì đường lên giá hai ba đồng một cân, lạc đỗ lại sáu bảy hào. Không ai vui cả, chỉ bực mình trong im lặng như nhà có tang vậy thôi .
Thế mà đã mấy mươi năm qua tôi lại mới có dịp quay lại Vân Hữu làng xưa ven dòng sông Cầu. Những xã viên già, cụ còn cụ mất. Cũng chẳng chuyện được là bao vì cụ khỏe thì ù tai, hỏi đông lại nói tây. Cụ kém mắt tai thính thì lại thính quá. Chẳng nhìn rõ mình là ai, lại ngỡ là gián điệp dò hỏi bí mật quốc gia. Có cụ quên lãng, hỏi lại chẳng nhớ chuyện gì. Còn ra toàn là những gương mặt lạ mới lớn. Nhưng xung quanh Vân Hữu, cuộc sống tự nó đã nói lên tất cả. Thời cái đuôi tư hữu ấy dù có khai phá nhiều thì những miếng soi ven sông cũng nhỏ nhoi đắp điếm bên nhau như cái áo vá của người nghèo trên tấm vải gai lau lách. Hôm nay soi bãi ngát mắt luôn. Những vườn mía, soi lạc chạy dài ven triền sông say như câu hát tuổi yêu đương. Vẫn đất ấy mà nay thấy nó to rộng ra. Cảnh vật đẹp hơn mọi lời ca ngợi. Một xã viên trung niên khoe: “Ruộng có ít thôi nhưng có khoảng vài mẫu soi đỗ lạc. Tôi mỉm cười, đùa một câu : Thế là địa chủ rồi còn gì, thì ông bảo địa chủ sao bằng được, chừng ấy mẫu soi nhà tôi thu tiền triệu mỗi năm, bằng mấy lần số thu của bố tôi ở thời hợp tác xã. Không so được. Tôi ngồi trò chuyện với chủ tịch xã, cái anh chàng chủ tịch trẻ măng chừng ngoài ba mươi nhưng không hỏi gì được nhiều hơn, lại còn được anh mời lại một cách thật thà “ Có lẽ phải nhờ chú cố vấn cho phần lịch sử làm ăn của xã cũng nên. Lịch sử Đảng bộ thì có rồi nhưng cái lịch sử cuộc sống cha ông mình làm ăn thế nào trên đất lại không có, chúng cháu lại cũng không biết hết”. Anh là lớp người mới cũng muốn hiểu kĩ cái thời lận đận của cha mẹ trong tấm áo cũ để ngắm mình trong trang phục của ngày hôm nay. Lai rai tôi ngồi đến nửa ngày nói về những câu chuyện bên dòng sông, những ẩn ức một thời của những người đã về cõi mà không kịp giải tỏa. Anh lặng lẽ ngồi nghe tựa như đang được xem một cuốn phim hấp dẫn. Rồi anh lẩm bẩm như tâm sự : thế mà có lúc cháu lại nghĩ cha ông mình kém nhậy bén, kém năng động trong làm ăn.
Tôi bước ra khỏi nhà, tản bộ về phía dòng sông. Cuộc sống quả như cây đời luôn vươn về phía trước. Dòng sông Cầu cũng không còn nguyên vẹn như xưa, cũng bên lở bên bồi nhưng soi bãi cứ bám kéo dài hai bên triền. Ngô mía lạc bời bời làm sáng giá dòng sông . Câu chuyện Vân hữu hôm qua và gương mặt Vân Hữu hôm nay không phải hiếm ở nhiều nơi trên đất nước ta. Sức người cần phải có quyết sách đúng để được khai phá luôn là chuyện thời sự của bất cứ giai đoạn nào của lịch sử. 15/11/2002