NGƯỜI KHÔNG BIẾT XIN
(Viết về Họa sĩ Nguyễn Bích
Bây giờ thi họa sĩ nhiều như châu chấu, chứ thuở tôi mới vào nghề ít lắm. Ít đến nỗi chúng tôi kể tên vanh vách từng người ở khóa Đông Dương, khóa kháng chiến Tô Ngọc Vân trong và những khóa 1-2 – 3 sau hòa bình lập lại 1955.
Họa sĩ Nguyễn Bích tự học, chả khóa nào nhưng tôi cũng biết.
Biết ông là qua Bảo tàng mĩ thuật có tranh của ông. Bức tranh lụa “Gặp gỡ ” vẽ cảnh người lính gặp vợ đi dân công trên đường hành quân chiến dịch…
Ông chủ yếu vẽ lụa.
Mình cá trắm đậm, khuôn mặt đẹp phúc hậu, ông lại ít nói. Ông khoe ngày xưa ông từng là tay bôc- xơ.
Năm 1985, tôi được Hội chọn cho đi dự trại sáng tác ở Karatxnoida Liên xô. Ông lúc đó là chánh văn phòng .Thời gian hàng nửa tháng làm thủ tục chạy giấy tờ chỉ có ba lần ông trao đổi vắn tắt:
– Mua cho tớ bao A Lào để làm việc với ai thì có cái mời người ta.
– Cậu cầm theo một tranh khắc gỗ để đến nhà T.D.T tặng ông ấy. Nhờ người ta thì có tí quà cho nhanh.
Lần thứ ba thì ông lẩm bẩm như tự nói với mình: Ông Huy Cận chưa ra, mà giấy tờ thì phải ông ấy kí mới được. Chờ vậy thôi
Ông nói cực ít và câu cực ngắn. Nếu chỉ gặp vài lần dễ nghĩ ông là người khô khan.
Chuyến ấy chờ mõn chữ kí của ông Huy Cận mất gần một tuần, nghĩa là sang Liên Xô tôi chậm mất từng ấy thời gian.
Khi mời ông vẽ truyện tranh cho Nhà xuất bản., ông ngắn gọn: Mình sẽ vẽ. Tôi mừng quá, được họa sĩ vẽ truyện tranh Sát Thát nổi tiếng nhận lời hợp tác với nhà xuất bản thì còn gì vinh dự bằng.
Một buổi chiều hè muộn, nghe tiếng xe máy xịch đỗ ở cửa nhà, tôi ngó ra : “Ô, anh chị Nguyễn Bích”, tôi thốt lên.
Ông và vợ đi trên chiếc Honda 82. Tôi pha ấm trà. Ngồi được một lúc ông rút ra cái phong bì, trong để mấy chục đồng và bảo: Có tí quà cho các cháu. Tôi hơi bất ngờ “Gì vậy anh”. Ông vắn tắt: Mới nhận nhuận bút, có tí quà cho các cháu, mình theo đạo Phật uống nước không ai uống cả cặn.
Đó là lần đầu tiên ông vẽ truyện tranh cho Nhà xuất bản.
Mình cầm phong bì quà có mấy đồng mà rưng rưng cảm động, chỉ nhắc ông: ‘ Anh ơi, lần này em cầm và cảm ơn anh,nhưng lần sau thì thôi anh nhá. Nhuận bút nhà xuất bản thấp lắm dù xếp bậc cao nhất”
Thì nghe ông bảo : “Đức ơi, cậu nhớ mình vẫn là “ bộ đội cụ Hồ” đấy nhá.
Nhà ông khá nhiều bức tiểu họa đẹp vẽ mực nho trên giấy mà trông như những tranh sơn mài của tay nghề lão luyện mà không bán bao giờ.Ông không vẽ tranh bán. Một lần ông ghé tai tôi nói nhỏ: “ Câu đừng nói chuyện bán tranh gì nhá, không có nhà tôi, bà ấy lại sốt lên”. Nói rồi ông nheo nheo mắt như tự nói với mình: Đời cần gì nhiều tiền lắm đâu, có lương, vẽ truyện tranh , minh họa báo thế là thừa tiêu rồi”.
Cuốn truyện tranh cuối cùng ông vẽ cho nhà xuất bản là “ Thủ lĩnh Hoàng Đình Kinh”. Đó là Cai Kinh, người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Sách dày 64 trang, Nhuận bút 2000 cuốn có một triệu rưỡi. Trong khi đó cuốn truyện tranh màu bên Kim Đồng 32 trang ” Ai mua hành tôi” ông được trả 6 triệu.
Thấy tôi áy náy chuyện nhuận bút NXB bút thấp, ông bảo: “Vẽ được cuốn tranh truyện đẹp cho các cháu dân tộc xem là mình thấy hạnh phúc rồi. Mình có bao giờ thắc mắc tiền nong với Nhà xuất bản đâu”.Và ông nhắc lại “…mình vẫn là “ bộ đội cụ Hồ” đấy nhá”
Cái tình của ông với các cháu miền núi thật đẹp. Trong ông luôn đầy lòng trắc ẩn.
Trong giao tiếp , ông rất hài dù không bao giờ cười thành tiếng. Có lần ngồi bàn trà với anh em trong ban biên tập, ông nói vui: Các cậu có biết tại sao khi mổ người ta phải đánh thuốc mê không. Mọi người còn đang ngơ ngác thì ông tiếp: “Là để tránh góp ý của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân là thủ trưởng nữa quen chỉ đạo thì phải đánh thuốc mê sâu. Nêu bị chỉ đao thì bác sĩ sẽ mất tập trung”.
Ông đùa rằng kinh nghiệm làm minh họa báo thời kháng chiến, nếu truyện viết bị thương vào cánh tay thì vẽ băng bó đầu để người duyệt phát hiện ra lỗi nhanh, và mình sửa lại cũng nhanh, còn thủ trưởng thấy mình cũng có công phát hiện, hi hi.
Huy hiệu chiến sĩ Điện biên là tác phẩm của ông.
Nguyễn Bích ra đi ở tuổi 87 sau gần mười năm bệnh nặng nằm tại chỗ. Ông bị tim độ 3,khi đi cấp cứu tìm mãi không thấy y bạ. Ông không ốm vặt, chỉ ốm có một lần và dai dẳng gần 8 năm.
Một nghệ sĩ lớn, có đẳng cấp và đóng góp nhiều bằng những tác phẩm có giá trị Đặc biệt truyện tranh, cuốn Sát Thát nổi tiếng đưa ông lên hàng đầu truyện tranh Việt Nam.
Mấy năm trước đây, tôi hỏi người có trách nhiệm ở Hội sao anh Bích không được nhận giải thưởng lớn, nếu không Hồ chí Minh thì cũng giải thưởng Nhà nước chứ thì được câu trả lời ráo hoảnh: Tại gia đình không làm hồ sơ xin!
Vang đúng đời anh chỉ có cho. Anh Bích không biết đi xin bao giờ. Tại sao người nghệ sĩ phải đi xin xỏ nhỉ, khi đã cả một đời cống hiến?- 17/9/2013
1 comment for “Những gì còn nhớ ( 33)”