Chú em tôi
Chú em tôi người nhỏ, tính hiền hậu. Hồi chín mười tuổi có một thời gian bị ma ám. Chú không dám ở một mình, bám bố như cái ba lô của đám du lịch bui. Bố dưới bếp, chú dưới bếp. Bố lên nhà, chú theo lên. Cuối cùng chú được đưa về ông nội ở Bắc Ninh sống mấy năm trời để cho thoát cái ám ảnh ma rừng. Tuy vậy di chứng để lại là chú còi cọc, không lớn lên được, dù không thuộc diện người lùn, nhưng chú nhỏ thó. Năm đủ tuổi nghĩa vụ, chú bị đẩy đi khám, có 39 kg cả phụ tùng, bị đuổi về. Có lần vì nhà chưa có người đi lính, để khỏi nhà khác ganh tị, thiếu cân nhưng xã vẫn cho trúng tuyển. Được chuyển lên huyện, chú lại bị đuổi về vi không đạt ngưỡng trên 45 cân!
Vì thể chất yếu đuối như vậy, chú theo học chật vật, Mãi mới ngoi lên được lớp bảy. Và bị chặn tai cái barie cấp hai ấy luôn, bằng ba lần nhảy rơi sào!
Thế là chú ở lại nhà theo đuổi nghiệp cầm cày ( chứ không phải cầm ca!).
Người nhỏ, lành, ít nói. Toàn những thứ cần có ở đời thì chú lại thiếu hụt. Đổi lại chú là người cả tin thật thà số một trên trái đất này.Nhưng cái đó chỉ anh em trong nhà biết.
Chú lấy vợ muộn màng. Đời chú không có tình yêu. Hôn nhân là do sự kết nối của họ hàng ghép cho. Chú thành tự dưng có vợ mà không cần mất công tìm hiểu.Thím dâu í cũng vậy.
Lấy vợ muộn nhưng kết quả cao. Chỉ mấy năm vèo qua, chú có 5 con: bốn trai một gái. Người quê bảo đó là điệu múa “ sòn sòn đô sòn… sòn sòn đô rê” quen thuộc với các đội văn nghệ nghiệp dư thời ấy.
Chú lành, còn vợ chú lười. Thím có thể ngồi cả giờ dựa cột hóng nắng ở một tư thế mà không ai có thể bắt chước được. Còn chú không lúc nào ngơi tay việc trong im lặng. Qủa tình nhiều lần về nhà tôi chưa từng một lần nghe được vợ chồng chú chuyện trò. Cảm giác cái nghèo trùm lên gia đình chú từ tình cảm sống đến tiền bạc… Nhưng bù lại cứ tuần tự nhi tiến, các con cứ lớn dần lên trong vô thức. Vợ chồng chú không thấy bàn nhau công việc cũng như không bao giờ thấy cãi nhau, nhưng mọi việc rồi đều đâu vào đấy cả. Câu chuyện của vợ chồng chú chỉ có thể giải thích là chú thím hiểu nhau qua hành động. Tựa nhưng trong giấc mơ người ta nói với nhau rất nhiều nhưng không bao giờ thấy mở miệng không thấy âm thanh nhưng đều hiểu nhau hết như có đường truyền ngầm.
Nếu có ai đó nói: cuộc sống là một giấc mơ, thì đây cũng là một giấc mơ điển hình.
Các con chú lần lượt lớn. Nhà chẳng bao giờ đủ ăn nhưng không đứa nào sài đẹn. Đến tuổi đi học, học về đi chơi , có việc gì thì tự động làm, không làm cũng không bị chú thím bắt bẻ. Cuộc sống nhà chú thím đã có chủ nghĩa cộng sản từ bấy. Có thời gian hết gạo, con bé gái thứ hai mới 12 tuổi đã biết đi chợ buôn rau mua gạo về bỏ vào nồi nấu cho cả nhà ăn. Còn đường học hành thì bố mẹ không kiểm tra, không ai kèm cặp, không học thêm học nếm, không gì hết. Đám con chú trừ đứa đầu qua lớp 12, tốt nghiệp xong không thi đại học, ở nhà theo nghiệp ngắm đít trâu ngày mùa, còn đám dưới lả rả bỏ học tất khi hết lớp bảy.
Không định hướng, không tầm nhìn năm năm mười năm như chính phủ. Mỗi lần về quê ngồi uống trà cùng chú, tôi hỏi đám con làm gì chú bảo không biết, hỏi đứa vắng mặt đi đâu cũng không biết. Cái gì về con cũng không biết. Hi hữu có lần chú nói: nghe bảo nó đi làm quặng ở đâu đấy, ai mà biết được…
Thôn quê khi đón đứa con lọt lòng, thường có câu “ Có đầu có đuôi, nuôi lâu cũng lớn”. Bây giờ nhớ lại, đầu tư về ăn uống của con một nhà trung lưu ở Hà Nội có thể nuôi được mười đứa con của chú ấy. Trước hết ngoài sữa mẹ chúng không bao giờ biết đến sữa nào khác, dù là sữa hộp hay sữa nước bình dân…thế mà chúng cứ lớn thồi thồi dù không mập mạp. Xưa nông thôn có câu “ ăn gio bọ trấu”, có nghĩa là bốc bải mất vệ sinh, là rất đúng với cảnh năm đứa con nhà chú. Chúng ăn bất cứ cái gì ăn được. Lạc sống khoai lang sống ăn tuốt, chỉ có khoai sọ, không ăn được và sắn thì sợ say không dám. Như vậy nhà chú cũng đỡ đi một phần củi lửa. Bây giờ ở Hà Nội, các mẹ khoe con các nuôi nấng hàng ngày để con phát triển toàn diện cứ như đang hoàn thiện một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nghe sốt cả ruột. Còn tổ chức sinh nhật nữa, thì như chuyện cung trăng. Vợ chồng chú em tôi không bao giờ biết sinh nhật con cái, cũng như chúng chẳng nhớ bố mẹ có sinh nhật không. chuyện sinh nhật cho con trẻ hay người lớn chưa bao giờ có ở nông thôn vùng tôi.
Chú có một thời được giao làm công an xã. Thực ra chỉ là cái chức bật mã ôn vớ vẩn thôi, nhưng được giao chú là việc rất chu tất.
Hồi ấy tôi đã rời nhà đi học. Hôm về thăm mẹ thấy bà lẩm bẩm: “Nó ngu lắm mày ạ. Ông bác họ thịt lợn nhà ông ấy bán, có đứa báo xã, chúng giao cho đi bắt, thế mà cũng cun cút đi bắt bác mình để phạt. Trong khi cả lũ chúng nó tránh mặt”.
Cái thật thà của chú là như thế. Chú bảo là làm nhiệm vụ xã giao, ai vi phạm cũng bắt cả.Tính chú ấy không giống em giai Dương Chí Dũng. Gía là em Dương Chí Dũng thì nhà nước đỡ tốn khối tiền đi rình bắt và Dương Chí Dũng cũng khỏi phải chạy lòng vòng cho đời mỏi mệt..
Nhưng cũng chỉ thời gian ngắn xã thay người khác. Tôi cũng chẳng hỏi lí do, nhưng rõ ràng công an gì chú ấy. Chỉ là thứ thiên lôi không búa thôi.
Trần đời chú chưa từng đọc một cuốn sách hay truyện tranh, còn nói gì đến thơ phú. Chú dứt tình với chữ nghĩa từ ngày buông bút cuối cấp hai và từ đấy không bao giờ ngó lại. Vói chú thì đó là những thứ xa lạ ngoài vũ trụ của mình. Có lẽ vậy mà chú thảnh thơi yên vị với việc lao động kiếm sống, rỗi thì đi nằm hoặc làm chén rượu rồi nằm khoèo.
Đám con chú ấy lớn lên vào thời ma túy lộng hành. Mấy thằng bạn trên quê cùng lứa, con cái lần lượt sa chân hút hít chết lả rả. Tôi mỗi lần qua nhà cảnh giác chú, chú bảo: “ Ồi dào, kệ, đứa nào ngu thì chết”. Nói xong lại ngồi ngậm tăm như chả có chuyện gì quan trọng. Thế mà lạ, cả bốn đứa không đứa nào vướng vào mà túy. Trong khi đó cùng lứa hầu như phân nửa dính nghiện, có nhà hai đứa nghiện tất.
Giờ nhà chú bốn thằng con, bốn cô con dâu đề huề. Thằng cả thì tôi dắt đi nhờ bạn dạy cho nghề sửa ti vi, nay sang làm điện lạnh, làm không hết việc. Thằng hai là thợ xây suốt năm. Nông thôn bây giờ xây xong nhà trên thì chắt bóp là thêm căn bếp, thành ra nó chẳng bao giờ thiếu việc làm. Thằng thú ba thì có mấy héc ta trồng cây cải tạo đất và làm thêm chè, cũng rủng rỉnh ngấp nghé phú nông. Nay mới nuôi thêm dàn dê vài chục con. Nghe nói bán toàn tiền là tiền.Còn thằng út mới lạ. Lúc bé láo như ranh, chửi nhau với anh cứ réo tên bố mẹ ra. Lại nẩy nói ra thói ăn cắp nữa chứ. Có lần nó lên trường học gần đấy ôm cả dàn máy vi tính về, vì tưởng là ti vi. Chú út em bố nó nó làm ở Hội đồng nhân dân xã suýt vạ lây vì cháu con cháu nhà mình ăn cắp mà không kịp thời báo cáo lên trên! Ắy vậy mà bây giờ nó khá nhất trong bốn anh em. Nó cưỡi xe máy đi buôn chợ nọ bán chợ kia ngày kiếm vài trăm như không. Mùa nào thức ấy, lúc buôn rau cà, khi thì đi buôn cau bán cho Tàu, càm quắp cả ba ba rắn rết ếch nhái cho bọn nhà hàng đặc sản. Khi thì thầu cả cá cả tép. Thôi thì cái gì buôn được là buôn, ôm đủ thứ. Nó bảo có hôm cháu còn làm cả xe ôm, cũng ra tiền bác ạ. Vợ nó chỉ việc ở nhà ôm hai con trông nhà và cơm nước. Hỏi mấy anh công chức có học, kiếm vài bằng có nuôi nổi vợ con như nó không. Còn xơi nhá! Túc tắc cái xe, mưa nghỉ nắng đi mà tháng dăm bảy triệu bỏ ra ngoài sau khi trừ xăng xe. Không còn tí dấu vết nào của chuyện ngày bé đi ăn cắp nữa.
Còn cô con gái lấy chồng xóm bên, trước quen chạy chợ buôn rau, sau là nghề máy khâu cắt áo cắt quần trong xóm lấy công bằng thóc. Nay đi lấy chồng nó bỏ nghề khâu sang nghề đồng nát. Cũng dõi tiền ra phết. Trước đạp xe đi rao mua ời ời, sau có vốn đi con xe máy thồ hàng mua. Giờ thì lập trạm thu mua tại nhà. Đám đồng nát khởi nghiệp thành vệ tinh cho nó, đem hàng đến. Đồng nát mà ra tấm ra miếng đàng hoàng. Cũng là một thứ thứ Công ty của đồng quê chứ đâu có xoàng!
Chẳng ai ngờ vợ chồng chú ở xó quê có vẻ cù lần, nuôi con thả cỏ mà có bốn thằng con đẹp giai và cô con gái đều trưởng thành khỏe mạnh giỏi giang như vậy. Chú út tôi có hai cô con gái học hết lớp mười hai, có bằng trung cấp mà nháo nhào ra tỉnh khác xin việc công ty làm 12 giờ một ngày mà lương bốn năm triệu. Đi đái quá giờ qui định là bị cắt tiền. Sao bằng mấy thằng con chú em giáp tôi đội trời đạp đất tự do, kiếm nhiều hơn hẳn mà không bị gò bó gì.
Cho đến bây giờ chú em mới khật khờ triết lý khi nhấp xong vài ba chén: “Bác thấy chưa, trời sinh voi, trời sinh có mà, có phúc thì có phận. Lo trước làm gì!”
Chú triết lý theo đúng phông nhà quê cổ điển mà có thực tế chứng minh hoàn toàn. Chả biết có phải thánh nhân đãi kẻ khù khờ không mà nhà chú ấy con cái coi như ổn nhất trong xóm, dù không có học hành bằng cấp. Một kết thúc có hậu như trong truyện cổ tích vậy! 6/5/2013