Những gì còn nhớ ( 29)

Tình yêu của Tạ Quang Bạo

Lâu lắm rồi, vào những năm những năm tám mươi của thế kỉ trước Tạ Quang Bao bày tượng thạch cao trong một triển lãm chung, bức tượng có tên “ Tình yêu”. Tượng diễn tả đôi tình nhân ngồi bên nhau,gần sát nhau, lưng thẳng đứ. Họ yêu nhau nhưng cả hai bên nhau đều tay duỗi thẳng đặt lên đùi, hai cặp đùi cũng duỗi song song phía trước, mắt cũng nhìn thẳng ra phía trước, khóe miệng chúm chím…Ngày nay bức tượng đó mà còn thì có thể đặt lại cái tên đầy đủ hơn là “Tình yêu thời bao cấp” thì thú vị biết bao.
Vâng, tình yêu thời bao cấp theo góc nhìn Tạ Quang Bạo là là như vậy. Nó phải được phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật, giữa nắng và gió. Thời ấy đến với người yêu, ngồi trong nhà phải mở rộng cửa, nói phải to đủ để phòng bên cạnh nghe thấy…Nếu cửa khép hờ, nói năng nhỏ nhẹ là dễ bị nghi là “có vấn đề” ngay.
Cách đây vài năm tôi hỏi lại, thì anh chỉ nhớ mang máng , nhưng chắc rằng anh không nhớ và ấn tượng bằng tôi. Một bức tượng với phong cách cổ điển nghiêm chỉnh nhưng đầy chất tự trào dù tác giả không cố ý.

Nói rông dài như vậy để nhìn ngược một chút thấy điểm xuất phát của Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo từ lúc đó nó đã báo hiệu hướng lớn mà anh đi sau này. Tượng của anh lúc đó còn sơ sài nhưng đã đăm đắm một cảm xúc về thân phận con người.
Tôi ngờ rằng điều đó hình thành dần cái gốc cho sự nghiệp nghệ thuật của anh tạo nên cái gốc thành công của người nghệ sĩ.

Sau đó là chiến tranh. Bẵng đi nhiều năm sau, anh trở thành nổi tiếng trong vài ba cột trụ của những nhóm làm tượng đài. Tạ Quang Bạo tượng đài, người ta biết đến anh với một loạt các tượng đài rải từ miền Bắc đến miền Trung.
Những quần thể tượng đài mọc lên khắp nơi, nếu không phải của anh thì cũng là những công trình anh góp mặt trong hội đồng duyệt…
Tôi đã có lần qua Liên xô vào năm1985, đã từng xem những cụm tượng đài hoành tráng sau chiến tranh kết thúc,những tượng kiểu như “công nông” của Mukhina từng làm biểu trưng cho hãng phim Goocki xô viết. Tượng đài ấy, nhân vật bề thế, một công nhân cầm búa, một nông dân với tay liềm gắn kết, đầu ngẩng cao đầu như đang bay, mắt quắc lên phóng tầm xa, đầy khí thế, hoặc tượng khác “ Mẹ tổ quốc” trên đồi Mamaep, người mẹ tay chống gươm, tay bồng con, gương mặt ánh lên dõi xa. Đẹp, nhưng có cái gì đó cồn thức lên gân lên cốt. Tiếp theo là Trung Quốc cũng đầy những khóm tượng thực như tranh cổ động rừng rực khí thế. Những tượng đài trầm lắng hầu như vắng bóng. Tất nhiên cùng khối xã hội chủ nghĩa thì không thể không ảnh hưởng nhau. Tượng đài của ta cũng đều tạo hình theo hướng đó, cũng giơ chân giơ tay khí thế lẫm liệt với những khối khái quát mang tính hình tượng.
Tượng đài của Tạ Quang bạo có nhiều cụm tượng đẹp nhưng cũng không thoát ra ngoài cái công thức đó. Mấy năm qua, trong giới có nhiều lời bàn về tượng đài với không ít ý kiến móc họng. Nhưng tôi cho rằng, rằng tượng đài là làm theo ý chí của tuyên huấn, có phần công thức, sáng tạo của nhà điêu khắc bị khiêm tốn hóa đi nhiều cho hợp vị..

Tuy sống cùng trong cái lò tạo hình, nhưng tôi không hiểu lắm về tượng đài, chỉ hiểu đại cương tượng đài của ta một thời làm theo cái khuôn chung, khái niệm chung và thành của chung là như thế.
Rồi mãi sau này đến nhà anh chơi tôi bị bất ngờ.
Một loạt tượng tròn bằng đá hoặc đúc đồng anh bày trong nhà khiến tôi há hốc mồm kinh ngạc.
Lấp lánh một không gian Tạ Quang Bạo trữ tình bằng đá trắng, đá hoa cương, cẩm thạch, đúc đồng chau chuốt từ những chi tiết nhỏ, chuyển động của khối trong mỗi tượng nhỏ của anh khiến tôi như bay vào một giấc mơ lãng mạn mà ở đó nhịp đập của cuộc sống hổn hển tỏa ra hơi thở thời đại. Tôi xem, tôi bị dắt đi trong cái không gian điêu khắc anh tạo ra. Đâu đó hơi thở của điêu khắc đình làng nhập hồn vào trong mái tóc, trong áng mây trang trí, trong cô tiên nữ được bóc ra từ chạm lộng. rồi bất ngờ thấy sự cộng hưởng từ Hăng ri Mo nhưng khối mềm và thực hơn. Tôi còn thấy cả Picaso hội họa lập thể ẩn trong tượng tròn của anh nữa. Tất cả đây chỉ là cảm giác khi xem gần trăm bức tượng của anh. Cả là một kho vàng cảm xúc của anh được bày đặt trên đá, trên đồng bằng những khối đa dạng tự hiện thực đến biểu hiện và trừu tượng.

Anh khai thác những vẻ đẹp cơ thể thiếu nữ theo nhiều chiều và có những cái nhìn cận cảnh như macro của ống kính máy ảnh, gây cho tôi cảm giác bàng hoàng. Ở đó thấy vẻ đẹp nhục dục của đàn bà nhưng lại đầy sự thanh thoát mềm mại nâng niu và trân trọng. Ai đó nói người tạc tượng là người biết vứt chỗ thừa của đá đi. Còn tôi, tôi nhận ra Tạ Quang Bạo đã biết gọt đá để lấy ra khối hình ngọc ngà thánh thiện nằm nguyên trong đá, bà đỡ đẻ kì tai. Và chỉ mỗi anh biết làm điều đó trong kí ức sống mà chẳng có khuôn mẫu nào để dập theo. Sự ảnh hưởng với một số tác giả lớn của thế giới nếu có thì nó giống như một phương tiện tốt nhất giúp cho anh thự hiện ý đồ của mình, mà anh không phải là cái bóng thảm hại núp sau họ. Nếu có thể nói anh đã làm cho họ giàu có lên vì có đồng minh.
Anh khai thác vẻ đẹp tình mẫu tử, khai thác hình tượng hạnh phúc lứa đôi không còn đơn giản như tượng đầu tay “hạnh phúc” nữa, mà hơn thế, anh để hạnh phúc tuôn chảy qua các khối, niềm hoan lạc tan ra trong đá rắn, mềm mại trữ tình như tiếng chiêng ngân không dứt trên từng bức tượng.
Hình tượng người phụ nữ hầu như quán xuyến trong nhiều tác phẩm tượng tròn của Tạ Quang Bạo. Vẫn đời thường thôi. Đó là thiếu nữ và bà mẹ ngồi , nằm, đứng, quì, bò, chải tóc, bế con, nựng con, cho con bú hoặc suy tư trăn trở, vẫn là đôi trai gái yêu nhau, nhưng anh đã tạo ra một loạt tiếng nói đầy lãng mạn đa chiều từ đó. Từ những khối đơn giản gần như như kỉ hà đến những tượng nhiều chi tiết rối rắm đảo chiều đến vân vi khiến người xem không hiểu suy tư nào đã cho anh tạo nên điều đó. Lạ thay có những bức tượng anh cho ta cảm nhận được gió lồng lộng, gió xôn xao, hoặc nắng chứa chan. Mạch sáng tác của anh được nối liền tạo nên bàn tình ca không đứt mạch, nó dài như suối nguồn lai láng mà lúc lên bổng xuống trầm theo nhịp đập trái tim người nghệ sĩ với bóng hình anh theo đuổi.

Nhìn dàn tượng anh còn đang cất giữ trong nhà thấy ngay hướng đi của người nghệ sĩ đã được định vị từ cảm xúc chân thành và da diết với con người vốn đã ở trong anh mà không cần ai cắt đặt định hướng hộ. Rõ nhất là hình tượng người phụ nữ, nó đeo đẳng sâu lắng suốt cuộc đời anh như một ám ảnh không dứt, khác hẳn với những tượng đài hoành tráng khô khan giữa nắng gió phong trần. Ở những tượng tròn này, tình yêu nơi anh day dứt và bất diệt. Tôi nhìn thấy đây mới chính là giá trị Tạ Quang Bạo mà ít được biết đến.

Một giá trị triết học về vẻ đẹp từ tượng tròn của Tạ Quang Bạo nhắc cho tôi thấy ngay rằng tượng của anh dù với cái nhìn cổ điển đến những cái trừu tượng anh đều gửi gắm được triết lí nhân sinh như nhau qua những khối nần nẫn nhục dục hoặc khô xác như bị vắt kiệt nước…Tất cả đều cung cấp cho người xem những cảm xúc nhiều chiều phong phú và đa nghĩa hướng tới nhân sinh.
Nói dài cũng bằng thừa. Chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngưỡng những bức tượng anh ở đây và chắc mọi người còn phát hiện thêm ra nhiều giá trị khác của anh mà bài viết này chưa kịp đề cập đến.
8/12/20