Những gì còn nhớ (22)

Người Thày số Một

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ in khuôn mặt thày.

Da sáng, chân mày hơi xếch, mắt tinh anh toát ra vẻ thông thái hiền từ của một trí thức ngăn nắp!
Thày ưa mặc đồ sáng. Rất ít khi thấy thày trong bộ y phục màu tối.
Khóa Mười tại chức bọn tôi ( 1976-1980), có một thời gian thày làm chủ nhiệm.
Chúng tôi may mắn được học thày. Thày nằm trong số những giảng viên cuối cùng được đào tạo từ thời trường Mĩ thuật Đông Dương( khoá 7, 1932-1937)
Có thời gian Thày dạy hình họa (vẽ nghiên cứu cơ thể người) , còn môn môn giải phẫu thì thày dạy suốt khóa học. Thày gọi ra tên các cơ trên cơ thể người như một bác sĩ y khoa!
Không biết các bạn tôi tiếp thu thế nào, còn kiên thức giải phẫu thày trao cho đến nay thì quên sạch, mặc dù thày giảng dạy cặn kẽ. Chỉ tại mình không có hứng. Có lẽ đó là lí do để sau này mình đi sâu vào phong cảnh mà ít vẽ người!
Chỉ sau một thời gian ngày hội lớp, thằng Đài lớp trưởng phát hiện ra thày có phong cách nhà binh: Thày vào lớp, đang đi ngang trên bục, bỗng dừng đột ngột như nốt lặng trong canh quan họ, thày đứng chụm chân và xoay luôn một góc 90 độ hướng xuống lớp học rồi mới đặt giáo án lên bàn trong khi đám trò già tại chức sột soạt mở vở ghi chép.
Nó còn thách mọi người: Đố đứa nào dám đo chuẩn xác độ dài ria mép thày, tao bảo đảm chỉ một phân rưỡi, không có cái nào dài hơn.
Quả tình gần 5 năm bên thày ai cũng nhận ra bộ ria mép của thày luôn được xen tỉa cẩn thận luôn giữ nguyên số đo!
Tôi muốn gọi thày là ông giáo hơn là một họa sĩ vì tính cách nghiêm cẩn của người thày mẫu mực y như một giáo viên phổ thông.Thày ít khi cười, nói với sinh viên bao giờ cũng lựa từ chuẩn xác. Vì thế mà giữa thày và trò luôn có một khoảng cách không bao giờ bị phá vỡ.
Đám trò chúng tôi kể cả thằng Đài lớp trưởng xé rào từ ngành công an đi học vẽ, tính nết tếu táo nhất lớp cũng chỉ dám đùa sau lưng khi chè thuốc ở quán nước, chứ trước mặt thày thì vía bố cũng chẳng dám!
Ấy thế mà theo lời kể của Đỗ Xuân Doãn lớp họa sĩ đàn anh thì có lần đám trò đã làm cho thày phát hoảng. Giờ thày lên lớp, một bọn vô công rồi nghề đã khiêng chiếc xe đạp Thống Nhất màu cánh chả của thày sơn đỏ lựng. Xuống lớp thày không trông thấy xe màu xanh của mình mới hốt hoảng đi báo công an. Thấy thày hấp tấp đi rồi, chúng mới xám mặt, bê vội chiếc xe vào nhà tắm công cộng rửa thật sạch rồi mang ra chỗ cũ. Thày đi báo về lại thấy chiếc xe mình còn đấy, ha ha!
Đúng là nhất quỉ nhì ma, thứ ba học trò!
Năm 1981 thày về hưu, Tôi nhớ khi đó nhà nước chưa có qui định phong học hàm. Sau này trên một số văn bản ghi Giao sư- Nhà giáo Nhân dân chắc là truy phong.
Tôi đã may mắn được xem những kí họa thày vẽ ở Nhật từ trước Cách mạng, những con gà, những bông hoa phù dung, nét vẽ sinh động tươi tắn và ấm áp lạ thường. Sau này ít thấy trên các tranh vẽ của thày. Tôi ngầm nhớ lại nhà thơ Xuân Diệu trước cách mạng hồn thơ bay bổng, còn sau này hiếm lắm. Xem tranh thày Nhị cũng cho tôi cảm giác như vậy.
Lúc học thì không nhớ, nhưng sau khi ra trường, mỗi lần gặp,thày đều đứng thẳng bắt tay và chào “ đồng chí”. Tôi ngỡ ngàng vì sự trịnh trọng thái quá của thày. Mặc dầu biết đó chỉ là thói quen tự nhiên thôi.
Tôi biết láng máng thày từng đi theo kháng chiến làm công tác tuyên truyền, vẽ khá nhiều truyền đơn địch vận. Sau này về thành trong chuyến giảm biên, nhưng phải có giấy cam kết không hợp tác với địch (lạ là ở ta cái gì cũng cam kết, nhất là những cái không quản được thì cam kết đẻ nắm đằng chuôi, thói láu vặt đáng ghét). Những định kiến chính trị có lẽ là nguyên nhân để thày sống khép mình vào khuôn khổ. Thày không bao giờ nói chuyện chính trị như đám sinh viên tại chức hổ lốn như chúng tôi. Cả một  thời, những ai bỏ vùng kháng chiến vào thành đều bị ngầm coi như kẻ dinh tê phản bội, không cần biết trước đó họ đã cống hiến thế nào.
Thày chưa từng có một triển lãm cá nhân nào cho đến lúc mất.
Mãi gần cuối đời, thày có một lần bày một số kí họa thày vẽ từ hồi trẻ. Phòng trưng bày khiêm tốn ở tầng trệt biệt thự của Bảo Đại số 51Trần Hưng Đạo, thuộc quản lí của Liên hiệp Hội Văn Học nghệ thuật Việt Nam. Bày có tính chất nội bộ!
Lần ấy tôi cũng bất ngờ về sự giữ gìn các bức vẽ của thày. Nó sạch sẽ tinh tươm như vừa mới vẽ xong dù bức vẽ đã  sáu bảy chục tuổi.
Có một lần tôi thăm nhà thày ở phố Cửa Nam, thấy có bức sơn dầu to. Tôi hỏi sao triển lãm không thấy thày mang ra, thì thày bảo: “ Triển lãm chung, mình mang tranh to ra bày sao tiện. Còn để chỗ cho người khác bày với chứ”. Tôi giật mình về suy nghĩ ấy. Chả bù cho các họa sĩ trẻ thời nay, đem bày tranh chọn bức to nhất ra dằn mặt đồng đội!
Tôi biết có lần Chủ tịch Hội Mĩ thuật Trần Khánh Chương gợi ý để Hội đứng ra tổ chức triển lãm cá nhân cho thày, nhưng thày cũng nhẹ nhàng từ chối: “ Còn bao nhiêu người khác như tôi chưa được bày, tôi bày sao tiện”.
Vào những năm cuối cùng, sau lần mổ dạ dày về, thày yếu lắm. Gặp Thày ở Bảo tàng mĩ thuật dự buổi triển lãm tranh của Nhật, thày đi phải có người dìu, Thày vẫn chào ” đồng chí” và bắt tay tôi. Tôi hỏi thành thật: Em thấy thày yếu mà thày còn cố ra? Thày nhẹ nhàng nói luôn: Từ nhật xa xôi người ta còn mang tranh sang cho mình xem được, còn mình từ nhà ra có bao xa mà không đi được là sao!
Thày sống mẫu mực và lặng lẽ cả đời cho đến ngày ra đi. Dù học thày ít , nhưng trong tâm khảm tôi vẫn luôn kính trọng coi thày Nhị là người thày số Một!
24/10/2013