Những gì còn nhớ (15)

Họa sĩ Đại tá Huy Toàn

 

Tôi biết đến họa sĩ Huy Toàn ( Lê Huy Toàn) từ những minh họa trên tạp chí Văn nghệ quân đội. Bức minh họa gây ấn tượng lớn với tôi là hình ảnh người lính vắt chiếc khăn mặt đẫm mồ hôi trên đường hành quân. Nhìn bức minh họa đen trắng mà cảm thấy mắt người lính đang bị lóa nắng và cơ thể đang hầm hập trong không khí oi nồng đẫm mồ hôi, cái gian khổ hiện lên trong cử chỉ đờ đẫn mà tôi đọc ra từ bức minh họa ấy.
Tôi nhớ, nhưng chắc ông thì không thể nhớ.

Đời ông minh họa hàng nghìn bức, sao mà có thể nhớ!
Bức minh họa ấy cũng là một sự thôi thúc để tôi bước chân vào học Mĩ thuật

Đời ông vẽ hàng  ngàn minh họa. Đó là công việc của người gieo mạ chuyên cần.
Rồi gặp ông lúc nào, tôi cũng không nhớ được, chỉ biết ông là người số một vẽ truyện tranh về chiến tranh. Vũ khí quân trang và đặc biệt thì về súng đạn, tăng pháo, xe cộ, thứ nào ra thứ ấy. Đồ nào của Nga/ Tàu/Pháp / Mĩ không bao giờ ông lẫn lộn. Tư liệu của ông về vũ khí chiến tranh đầy ăm ắp không thiếu thứ gì, từ cái bi đông đến quả lựu đạn tự chế hay là vũ khí chiến lợi phẩm của các nước sổ tay ghi chép của ông dày đặc, không bao giờ sai lệch, người lính nào cũng có thể nhận ra ngay. Vị trí số một ấy không ai có thể tranh giành với ông.

Tôi từng nghe ở Liên xô hay một số nước châu Âu, thi vào đồ họa khó khăn vô cùng, không dễ như hội họa. Đồ họa là ngành ứng dụng, gắn liền với hoạt động xã hội, nên nó đòi hỏi nhiều tố chất mới hành nghề được. Là họa sĩ đồ họa không có quyền từ chối rằng cái này cái kia tôi không biết khi được đặt hàng. Họa sĩ đồ họa phải là anh chàng biết tuốt.
Không biết Huy Toàn được đào tạo thế nào mà về tư liệu tôi dám khẳng định rằng ông đạt được yêu cầu khắt khe ấy nếu ông ở Liên xô.
Đây này, tôi là người làm ở nhà xuất bản Dân tộc mà mãi năm 1991 mới thấy được bộ sắc phục Mèo-lô lô trên Dào San (phong thổ, Lai Châu). Vậy mà ông đã có trong sổ tay từ nảo nào rồi.
Phạm Tuân bay theo Gorobatco vào vũ trụ. Trong mười lăm ngày ông hoàn thành tập chuyện tranh 36 trang với hình ảnh con tàu và hoạt động của hai nhà du hành trong buồng lái với những tình tiết phức tạp, đó là chưa kể hình ảnh máy móc thiết bị ốc vít cánh cửa con tàu nhì nhằng đủ thứ… Và khi Phạm Tuân về mặt đất thì cũng là lúc sách in xong. Thật là một kỉ lục về vẽ và đặc biệt là tra cứu và lưu giữ tài liệu. Lúc ấy đâu đã có vi tính gâu-gồ như bây giờ.
Nhà xuất bản cần có bức tranh đủ mặt 54 dân tộc với sắc phục rõ ràng, ông cũng có ngay.Ông là người đầu tiên làm được cái việc khó khăn đó!

Trong đồ họa sách, ông là người đoạt nhiều đỉnh nhất. Ông là vua trên lĩnh vực tư liệu. Ông chưa bao giờ từ chối vẽ truyện tranh vì thiếu tư liệu!
Cùng với Lê Thanh Đức, họa sĩ Huy Toàn là người nghiêm cẩn về tiến độ làm việc. Hẹn một tuần hay nửa tháng lấy bản thảo là đúng ngày đó ông có. Không bao giờ ông trễ hẹn. Là họa sĩ nhưng ông làm việc với tác phong người lính trận trong suốt đời làm việc.
Tôi yêu ông ở thói quen làm việc với tác phong người lính, dù không đến mức làm bạn vong niên với ông như Nguyễn Bích hay Lê Thanh Đức nhưng bản thảo đặt hàng ông nhiều hơn. Với tôi, công việc là hàng đầu, tôi cần công việc hoàn hảo chứ không phải đặt hàng vì ông ấy là bạn thân.

Ông là lính Điện Biên. từng vẽ nhiều tranh về Điện Biên. Cuối đời ông tập trung vẽ nhiều về Điện Biên nhất, có bức to đến ba chục mét vuông,sơn mài hẳn hoi. Nhưng của đáng tội ông vẽ kiểu gì cũng ra tranh truyện, ra minh họa. Giải thưởng các đợt triển lãm xa lánh ông khiến ông càng bực dọc.
Ông là họa sĩ lớn nhất trong minh họa và vẽ truyện tranh về chiến tranh của quân đội. Không họa sĩ nào vượt qua ông.Với vai trò ấy, ông tác động đến xã hội không nhỏ. Hầu như ai là người đọc sách cũng không dưới vài lần đọc thấy tên ông. Tạp chí Văn nghệ quân đội đáng ra phải có một góc riêng về hồ sơ minh họa của Huy Toàn.

Ông mất vào tháng 9/2007 ở tuổi 77.
Tôi còn nhớ cách đây mấy năm, trong đợt xét tặng giải thưởng lớn, ông xin giải thưởng Hồ chí Minh,nhưng không được xét duyệt. Tôi nghĩ dù không có tác phẩm nổi bật nhưng cả sự nghiệp ông xứng đáng giải cao nhất vì sự cống hiến. Biết thế, tôi hỏi thì được câu trả lời ráo hoảnh: Xin giải nào, xét giải ấy.
Hu hu. 19/9/2013- 23h00

  1 comment for “Những gì còn nhớ (15)

Comments are closed.