Ngắm tàu xuôi
( Về họa sĩ Lê Trọng Lân)
Có những con người sống cạnh ta , hàng ngày vẫn giao tiếp vẫn trò chuyện nhưng ta không thể nào hiểu biết hết người ấy. Xung quanh luôn như có lớp sương mù bao phủ làm cho họ trở nên huyền hoặc.
Đó là Họa sĩ Lê Trọng Lân, bạn tôi.
Ở góc nhìn của tôi, Lê Trọng Lân là con người hiền hậu và nhân hậu. Tôi chưa từng bắt gặp ông cáu giận với bất cứ ai. Giữa đám đông ông luôn lặng lẽ kiệm lời, hoặc chỉ trả lời câu hỏi của ai đó nhỏ nhẹ có tính xã giao, hoặc mỉm cười mơ hồ khiến tôi có lúc nghĩ ông là cái bóng, còn thân ông luôn ẩn hiện lúc tỏ lúc mờ.
Năm 1975 tôi và ông cùng thi vào Đại học mĩ thuật Yết Kiêu. Ông đỗ, còn tôi trượt. Ông kịp vào học khóa 9 hàm thụ, còn tôi khóa mười, năm sau mới có chỗ.
Lần thi ấy, bài bố cục ông vẽ Bác Hồ với thiếu nhi. Hình họa vững chãi, bố cục mạch lạc, màu sắc tươi sang. Chắc điểm cao.
Tuy hai khóa học nhưng hàng năm thì tập trung cùng kì. Giờ giải lao có lúc tôi sang lớp ông ngó xem ông vẽ hình họa. Nhưng chưa bao giờ bao giờ thấy ông vẽ. Tay nắm 5 cây bút chì từ 2b đến 6b, gót đầu nhọn như đinh guốc, có ai lượn đến sau lưng là ông thu bút, chỉ có thể nói đôi ba câu chuyện,nên muốn học lỏm cũng không xong. Cắt nghĩa về hiện tượng này tôi nghĩ do thói quen của riêng từng người. Có người rất ghét khi làm việc bị ai đó quan sát, nhất là từ phía sau. Phải chăng Lân là tuýp người ấy?
Sinh viên hàm thụ học lực thường không đều như lứa chính khóa. Trong số này toàn là cán bộ có lòng yêu nghề lắm nên mới cày cục đi học nối lên cao. Đắm đuối với nghề thì càng kém càng thích trèo leo, chứ bằng cấp chưa phải là cái người đến trường quan tâm lắm. Lúc ấy bằng cấp chưa được coi là báu vật cần cho chức tước.
Từ những năm thứ nhất khóa hàm thụ 9, Lê Trọng Lân đã được mọi người chú ý tới hình họa. Những năm tiếp theo thì dần nổi tiếng. Đứng trước những hình họa nghiên cứu chuẩn xác của Lê Trọng Lân, thày khó tính như Lương Xuân Nhị cũng chỉ còn gật đầu và khích lệ. Ông là sinh viên duy nhất đại diện cho các thế hệ Yết Kiêu, hình họa được thày Nhị cho điểm 10!
Năm 1980, ra trường ông được giữ lại làm giảng viên hình họa. Cũng là người duy nhất trong đám lươm khươm hàm thụ, Lê trọng Lân được giữ lại trường làm Thày. Có lẽ không có người thứ hai!
Ông cũng đã lặng lẽ nghỉ hưu được mấy năm nay.
* * *
Còn đây là phần huyền hoặc tôi được thóc mách của vài người bạn trong giới .
Ông sinh ra trong một gia đình công chức thời Pháp. Cái tội duy nhất mà ông gánh chịu không phải do ông mà là bố ông “ xỏ nhầm giày”. Ông đã giỏi từ khi học vẽ từ cung thiếu nhi nhưng không thể vào trường vì lí lịch. Thời ấy cái lí lịch mà rây với chính quyền cũ là lôi thôi lắm. Chẳng có tội tình gì nhưng khi cán bộ tổ chức phân loại lí lịch dính tí vết chàm thì coi như tương lai đã bước vào hoàng hôn.
Ông cũng không được đi bộ đội.
Mãi đến khi lực lương thanh niên xung phong hao vơi đi trong chiến tranh mới đến lượt ông được ghé chân vào.
Bốn năm dưới đạn lửa làm lại lí lịch, may ông giữ được cái gáo mang về. Ông đi học trung cấp.
Bài thi ra trường sau đợt thực tập tại Đồng Mỏ , Chi Lăng, Lạng Sơn ông vẽ cảnh “ ngắm tàu xuôi”.
Bức tranh mô tả mấy em bẽ áo chàm đứng sau bờ rào ngắm nhìn đoàn tàu hỏa chui qua lườn núi Cai Kinh ,khói tàu và mây mù vẩn quện vào nhau, một không gian mơ màng đầy chất thơ huyền diệu. Các thày nhìn tranh trao đổi với nhau: “Thủ khoa của khóa học đây rồi”.
Nào dè sự đánh giá của giới chuyên môn khác với cách nhìn của người làm tổ chức. Vị làm công tác tổ chức sau khi nghe dư luận thì đâm ra chú ý vào bức tranh và phát hiện ra bức tranh “có vấn đề”, rằng ai giam hãm các em mà các em phải đứng sau rào ước mơ đi theo đoàn tàu…Rõ ràng có vấn đề tư tưởng.Sự suy luận về nội dung bức tranh qua góc nhìn lí lịch khiến ông suýt rớt cầu. Sau đấy tranh chỉ còn đủ điểm ra trường, nhưng ông cũng không được nhận bằng tốt nghiệp. Các thày chuyên môn chỉ cứu được đến thế.
Có lẽ đấy là nguyên nhân làm bài thi khi vào hàm thụ đại học ông đã vẽ “Bác Hồ với thiếu nhi” cho chắc ăn.
Và bài thi ra lại “Thiếu nhi với Bác Hồ” , đỗ đứ đừ luôn!
Đó cũng có thể là lí do mà sau này sáng tác của ông ì ạch. Lứa chúng tôi kì vọng ông thành tác giả lớn, nhưng ông đã chọn con đường bình dị cho yên thân chăng.
Con chim bị tên sợ cành cây cong, con người bị dìm ngộp thở trông thấy nước là sợ, con người suýt chết cháy thấy hòn than đã hoảng!.
Dù sau này môi trường có thay đổi thì ông vẫn nơm nớp. Có phải thế chăng hay là tinh thần sáng tạo đã thui chột luôn từ ngày “ Ngắm tàu xuôi”
Thời gian đã khép lại vòng đời của một tài năng khiêm tốn.
Tôi không muốn hỏi ông về cái quá khứ ông không muốn nhắc tới dù nó vẫn nóng rẫy.
Tôi muốn để nó trôi đi trong huyền hoặc bằng ghi nhận này để chúng ta cùng chiêm nghiệm.
Tôi mong ông thể tất cho những gì ông không vừa ý từ bài viết. Sự huyền hoặc thuộc về ông dù ông có muốn chối bỏ cũng không được. Đó là thứ tài sản dân gian đắp điếm mà thành: một phần là của ông, và một phần là của người đời đã từng yêu và nhớ ông!
10/10/2013- ngày kỉ niệm tiếp quản thủ đô.