Những câu chuyện về Azit Nê -xin (1)

Tôi gặp Azit Nê- xin

doduc
Cách đây mấy năm một nghệ sĩ nhiếp ảnh đứng tuổi khoe với tôi: “mình có chữ kí của Azit Nêxin”. Miệng nói tay lục túi ông phập phồng mở cuốn sổ cho tôi nhìn ghé chừng mươi giây rồi từ gập lại như sợ tôi sờ vào thì cuốn sổ sẽ mòn đi í! Sau đấy ông nhìn xéo tôi : “Vất vả lắm mới có được chữ kí của Nêxin vì phải dựa vào cái máy ảnh mới có cớ tiếp cận. Phóng viên mà”.
Tên tuổi Nêxin ầm vang thế giới lâu rồi nhưng vào Việt Nam muộn, chẳng biết do ai dám rinh về …Khi nhà nhiếp ảnh kia khoe tôi chữ kí nhà văn thì tôi mới chỉ đọc trước đó vài truyện đăng trên tờ Văn Nghệ, chắc là đợt ông sang thăm Việt Nam cách đây trên chục năm. Ông viết hay thật, cứ nhẹ xơi xơi, các nhân vật cứ như lũ nghếch cả lượt, cứ dối trá chân thành và cả tin về những lời dối trá đó. Đọc truyện nào cũng phải mỉm cười Tôi nghiệm ra cứ cái gì đọc ra mà công chúng hể hả là có chuyện dính líu đến cái xấu cái kém của xã hội hoặc cánh quan chức mà họ không bao giờ dám nói ra. May có ông nhà văn thổ Nhĩ Kì này nói hộ, sướng! Được thoát cái bí bách, được cười hể hả là được giải tỏa.
Tôi đang có ý ganh tị với nhà nhiếp ảnh về vận may ông được diện kiến Nêxin thì bất chợt Nêxin xuất hiện ngay trước mặt tôi như thần đèn, thật hơn cả chữ kí của ông ở cuốn sổ nhà nhiếp ảnh. Ông xoa xoa bộ ria mỉm cười với tôi: “Biết cậu em nghĩ gì rồi, ông nhiếp ảnh nói thế cho ra vẻ bí hiểm chứ thực ra tôi luôn ở cạnh các bạn. Lúc nào chẳng ở cạnh các bạn như những câu chuyện xung quanh các bạn ấy. Nói rồi ông kéo tay tôi đi, bỏ lại nhà nhiếp ảnh ngơ ngác với cuốn sổ có chữ kí trang trọng của ông.
Hóa ra ông khá thạo đường đất và con người xứ sở mình. Ông kéo tôi vào ngay trường phổ thông trung học cạnh nhà. Hôm nay là ngày tổng kết cuối năm, thày hiệu trưởng oang oang đọc bản thành tích bất hủ, quên luôn 2/3 số học sinh yếu kém và già nửa giáo sinh đè học sinh dạy thêm kiếm tiền mà trò vẫn dốt. Bản báo cáo đọc xong toàn những kết quả hay ho. Cả đám trò dốt, thày bất hảo đồng thanh vỗ tay bồm bộp y như họ đang có thành tích thật. Ai cũng hể hả trường mình nhất Quận vì được nhận cờ thi đua xuất sắc. Ông lẩm bẩm “ Xem ra còn hơn cả ở Thổ Nhĩ Kì”. Tôi há hốc mồm suýt ngất: nơi đây tôi hiểu đến từng trò từng thày. Chẳng là từ ngày về hưu không có việc gì làm, tôi mở quán nước ở ngay trước cổng trường, nên mọi chuyện trong trường từ thày chưa ra thày, trò không ra trò tôi đều thuộc từng người như một cán bộ tổ chức giữ hồ sơ của trường.
Sau sự việc đó ông kéo tôi ra quán nước kể chuyện mới đây ông vào một nhà ở thủ đô ta. Ông chồng nhà ấy toàn đi với gái non, khi vợ biết chuyện khóc lóc kể tội thì ông í bảo “ Không, anh quí em mà, anh coi bọn nó như khoai sắn nên mới ăn hàng ngày. Em như củ sâm lạng cao hổ cốt, chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt, còn thường thì phải cất giữ. Cô vợ được an ủi thì hởi lòng hởi dạ, mặt tươi như hoa cất tiếng cười giải tỏa cơn giận, thẽ thọt bảo anh chồng “Anh iu ưi, có thế chứ! vắng anh, mấy thằng choai đến tán tỉnh, em phá đời chúng rồi, em cho chúng bại hoại để trả thù cho anh vì tội dám nhòm ngó củ sâm, lạng cao của anh đấy”. Anh chồng nghe ra sững người, nhưng chợt hiểu chuyện , bảo: “ Được được. Nhưng thế thì vất vả quá, sau này anh sẽ để mắt đến củ sâm của anh luôn, không cho chúng mạo phạm để em phải vất vả”. Vợ bảo: “Thế cũng được anh nhé, ở nhà ăn sâm đi, ăn khoai sắn dễ đau bụng lắm”. Kể đến đây Nêxin mủm mỉm: “ Xem ra còn hay hơn cả chuyện ở nước Thổ !
Tôi nghĩ bụng Nêxin giỏi thật, ông luôn mang theo trong mỗi câu chuyện của mình những nụ cười mủm mỉm. Chỉ mủm mỉm thôi, nhưng luôn là nụ cười bất tận liên quốc gia, rải ngập mặt quả đất, xuyên thời đại để bóc mẽ tất cả những thói hư tật xấu của người đời bằng câu chuyện của một kẻ thật thà nhất trần gian như người phụ nữ xã hội, con cái chúng ta giỏi thật v.v….. Một trong điểm mấu chốt trong chuyện của Azit Nêxin là các nhân vật của ông chấp nhận cái thật thà của sự nói dối nhiệt thành và sự nhiệt thành nói dối đã trở thành một lối sống trần gian. Đọc xong thì hóa chẳng phải chuyện ở Thổ Nhĩ Kì, mà ở ta cũng y chang vậy, chấp nhận dối trá để yên thân,và cuối cùng lại cả tin luôn vào sự dối trá là thật.
Như biết suy nghĩ của tôi, ông kéo sụp chiếc mũ cátkest ói với tôi: “Còn khối chuyện tày đình ở đủ tầm xã hội tại các cuộc họp hành vận động. Ai cũng giơ tay biểu quyết nhưng hỏi biểu quyết gì đều không biết. Ở nước anh có thế không? Ở nước Thổ tôi thì đầy.
Ông vén tay xem đồng hồ: “ Thôi thế đã nhé, tôi phải ra sân bay, ngày mai là ngày nói dối của tôi rồi, tôi phải về để trò chuyện với dân tộc tôi”. Nói rồi ông biến mất vào dòng người tấp nập trên phố Hàng Đào.
Tôi ngẩn ngơ một mình và chợt nhớ ra: Mai đúng là ngày mồng một tháng tư. 22/2/2009