Doduc
Giữa đêm tối trời tháng 4/1954 tiếng máy bay ù ù trào qua trốc mái nhà, một quả pháo sáng bung ra xé toang đêm đen…Mẹ hoảng hốt dắt mấy anh em tôi lao ra khỏi nhà nhao xuống cái tăng-xê nép bên bờ ruộng ngay cổng nhà. Tăng xê long bong nước ngập lưng gióng chân. Mẹ rên rẩm: “Bao giờ hòa bình, ngày bữa cơm bữa cháo cũng sướng”.
Cái ước mong giản dị ấy của mẹ chỉ hơn tháng sau được đáp ứng. Tháng 5, giải phóng Điện Biên.
Được hai năm mọi người sống trong yên hàn. Nghỉ hè , bố cho về quê Bắc Ninh ở với ông nội, chơi với các em con ông chú bà cô. Nét cười rang rỡ trên gương mặt trẻ già. Hòa bình cho cảm giác dịu dàng như sau cơn no ngủ, dậy nhìn cái gì cũng phong quang. Mẹ nói đúng, khát vọng hòa bình, yên hàn bữa cơm bữa cháo cũng sướng
.
Yên hàn được trên 2 năm thì bung ra giảm tô giảm tức và cải cách ruộng đất. Chiến tranh với giặc ngoài kết thúc, vừa thở phào xong thì cuộc chiến tranh ruộng đất trong nội bộ đất nước khai hỏa bằng Đội cải cách. Thôn xóm đang yên hàn, đội cải cách về nhoáng cái nhìn ra giàu nghèo, người bị boc lột và kẻ bóc lột, thế là đang là bạn hóa thành thù. Người nghèo hèn nhất hôm nay ngồi lên bàn đấu tố nhũng nhà khá giả hơn. Ai có vài sào đất riêng là có nguy cơ được nâng thành địa chủ. Chỉ vài mẫu rượng riêng thôi là dễ bị xử bắn. Tội từ mồm các cố nông nhả ra như nọc rắn độc giết chết ngay chính hàng xóm mình, kể cả những người đã từng cưu mang mình. Ngày xưa đế quốc chia để trị thì chính sách ấy Đội cải cách nay lại dùng xáo trộn xóm làng, phá tan nền đạo lí tình làng nghĩa xóm bao nhiêu đời mới giành lại được. Thì ra chiến tranh chưa hẳn đã là khốc liệt nhất.
Từ cuộc sống tự do bước vào cuộc đời bị chăn dắt. Những chính sách quản lí con người chặt chẽ dần như sợi lạt giang đã luộc qua nước sôi, dẻo và chắc cứ vặn dần thít dần nhưng ít ai thấy ngay. Chủ yếu là làm theo chính sách , tổ chức xã hội thì đảng cử dân bầu, tư tưởng tự do phản biện được qui thành phản động, nên nó bị triệt tiêu dần để nuôi nấng cho cái chủ quan khinh xuất của giới lãnh đạo. Hầu như người dân không nhận ra ngay, và giới lãnh đạo cũng bị ngộ nhận vầ năng lực. Rồi cái tư tưởng” chính trị là thống soái” trong nhà trường thì có môn “ chính trị kinh tế học”. Nó lấy cái duy ý chí làm tên lính xung kích mặc dầu luôn mồm đề cao duy vật biện chứng. Lạ thay cả loạt những nhà nghiên cứu khoa học cuối cùng đều cúi đầu trước cái gậy “ chính trị làm thống soái”.
Hôm nay những người phản biện dũng cảm nhất đứng trước tòa với tội danh chống chế độ, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân cũng không khác địa chủ hôm qua bị bịt miệng trước Đội cải cách ruộng đất. Họ không có quyền biện minh, hoặc biện minh nhưng quan tòa không cần nghe, mà cứ kết tội theo ý muốn. Đó là thực tế bi thảm nhất.
Và hôm nay trên diễn đàn chính trị người ta vẫn hùng hồn cất cao “ quyết tâm chính trị”. Nó là cái quái thai gì nhỉ, lại xổ ra ở những cái mồm đầy quyền lực và trong hộc tủ của họ chứa đầy tiền và hành động thì liên tục vi hiến.
Trước tưởng chỉ có tiếng súng mới là chiến tranh. Nhưng xem ra cuộc chiến tranh không tiếng súng mới là kinh khủng nhất. Mẹ tôi không nhầm khi cầu mong hòa bình. Nhưng đó là hòa bình trong cái tự do. Còn hòa bình trong nút lạt buộc, hòa bình của đàn cừu dũi đầu đít nhau chuyển động trong sự kiểm soát sát sạt của chó ngao thì sao gọi là hòa bình được. Hòa bình mà không có tự do thì đó là hòa bình đã chết.
Đời đúng là chẳng biết đâu mà lần! 31/1/2012
1 comment for “Đời biết đâu mà lần (2)”