Từ một câu ca

doduc

Đang lan man trên mạng, chợt gặp câu hát khá phồn thực trong lễ hội Trò Trám: “Ước gì em hóa ra trâu / Anh hóa ra trạc xỏ nhau cả ngày”, thì một bạn tận bên Mĩ hỏi: “Trạc là cái gì vậy anh”. Câu hỏi lôi tuột tôi về quá khứ. Đó là những ngày ở tuổi thanh niên còn ở rừng cách nay trên nửa thế kỉ. Cái thời mà hằng năm vào cữ tháng 3 sau tết mẹ về dưới xuôi mua vải tấm ( buôn vải thời ấy gọi là buôn hàng tấm), loại vải dệt khung tay, khổ 40 phân, còn gọi là vải chúp bâu. Mẹ mua chuẩn bị sẵn để cuối năm may cho cả nhà mỗi người bộ quần áo mới ăn tết.

Vải ấy mỗi tấm dài chừng chục thước (6 mét), bốn góc mẹ đính vào bốn đoạn dây rồi đóng cọc trên sân căng vải phơi nắng sau mỗi lần dúng vải vào nước củ nâu để nhuộm. Dúng mấy chục lần, phơi mấy chục lần mới được tấm vải có màu nâu tươi. Ngấm nước củ nâu rồi còn nhuộm thêm vỏ só cho đậm màu hơn. Áo may cho bố có khi còn dấn thêm mấy nước lá sòi cho thêm đậm. Còn muốn thâm đen hơn thì dấn xuống bùn mấy lần nữa rồi đem giặt phơi khô. Vải ấy làm xong có màu đen tím, bền chắc như trải qua ngũ hành!

Miên man vậy là từ câu hỏi cái cái trạc trâu tết bằng dây nâu. Dây nâu có củ. Củ nâu to bằng vốc tay người lớn đem về xát cho nhỏ miến rồi ngâm lấy nước chát nhuộm vải. Vào rừng tìm dây nâu, cắt về cạo vỏ bện thừng làm trạc trâu thường có dịp thu hoạch thêm cả củ nâu về dùng dần!.

Còn cái cày nữa chứ. Phải có “thiếu”để mắc giữa vai trâu xuống ách nối với bắp cày.

Đôi thiếu cày thường lấy từ dây cóc, một lại dây to bằng ngón chân cái, trên vỏ lấm tấm gai như gai cóc. Đấy là lọai dây dai, làm thiếu tốt nhất. Còn một loại dây nữa làm thiếu cũng bền không kém đó là dây gắm. Dây gắm bây giờ cũng mất giống rồi.

Sau này người ta lấy chính da trâu cắt làm thiếu thì bền hơn cả dây rừng!

Một từ trạc trâu dẫn tôi tôi về quá khứ là thế.

Năm mươi năm xa nhà, nhiều cái mất hẳn không còn khi quê tôi mất rừng: đó là củ nâu, dây nâu làm trạc trâu. Đó là dây thiếu cày, gọi là thiếu cóc vì làm từ dây cóc. Đó là dây gắm làm thiếu cũng tốt và có quả gắm rang lân ăn rất bùi. Đó là vải nhuộm nâu, vỏ só và nước lá sòi. Vải sau khi nhuộm đủ lại nước củ, nước lá, nước vỏ còn nhấn bùn làm vải thâm!

Bây giờ, đến cái cày quen thuộc cả thời tuổi trẻ, tên gọi từng bộ phận một cũng mờ nhạt trong kí ức: hò cày (chỗ tay cầm), rốn cày ( chỗ chốt lắp bắp cày), rỏng rẻng là hai cái vòng sắt để nối bắp cày với cái ách cày, rồi láng cày giữ bắp cày cho thẳng, rồi cá cày để chốt bắp cày cao thấp, dùng điều chỉnh cày ăn nông sâu theo từng loại đất. Còn óng cày đan bằng dây mây nối giữ cổ trâu cho vai trâu khỏi tuột. Lại còn diệp cày đỡ đất cho đường cày trơn tru và mũi cày đúc bằng gang dũi đất… Một cỗ máy làm tay toàn là gỗ và tre với chút kim loại mà còn lắm bộ phận và tên gọi đến thế!

Một câu hát gợi cho tôi trở về cội nguồn, một câu hát để đọng lại cả nỗi buồn về sự mất mát rất nhiều tài nguyên thiên nhiên . Con người vì mưu sinh đôi khi chỉ còn nghĩ đến mình. Mưu sinh cá nhân còn đỡ hại nhưng làm giàu bằng những dự án phát triển của một tập đoàn (cao hơn mưu sinh), để thu lợi lớn thì tàn phá càng kinh khủng. Cái lợi thu về cho một nhóm người nhưng mất mát ở môi trường thiên nhiên thì thì chia cho mọi đầu người.

Có ai nghĩ thế cho cuộc sống không, hay chỉ cần sống ngắn ăn vội nuốt nhanh, rồi chết vì bội thực cũng được?19/2/2013.