Cuộc tình nào rồi cũng kết thúc, hoặc chia tay hoặc đi đến kết hôn. Bốn mươi năm trước, noen là ngày cưới chúng tôi.
Noen bao giờ cũng là ngày rét buốt. Tôi nhớ đêm hôm ấy, từ phòng cưới (là hội trường của đoàn nghệ thuật Việt Bắc) về buồng tân hôn (và cũng là căn hộ cơ quan dành cho) có mấy bước chân, chúng tôi đi lẫn vào trong sương mù.
Đấy là những năm chiến tranh ác liệt. lễ cưới do công đoàn cơ quan đứng ra tổ chức. Tôi cũng complê cà vạt. Vợ tôi áo dài mượn của chị Oanh, công nhân nhà in, là vợ của ông Danh, tay vĩ cầm của dàn nhạc nơi vợ tôi công tác. Sau này khi con cái đã trưởng thành, câu chuyện ấy vẫn được nhắc lại để cảm ơn khi gặp chị Oanh ở Hà Nội.
Qùa cưới là những chiếc bát sứ Hải Dương (bát ăn thường là 5 chiếc, bát canh chỉ hai vì không phải dễ mua), bộ quần áo trẻ sơ sinh, đôi mùi soa, đôi gối mỏng, có khi chỉ là hai cái khăn mặt. Nhà thơ Lạc Dương tặng tập thơ tiếng Tày không đọc được. Mấy cái chậu cái xô tôn lá Liên xô của lứa anh chị được trịnh trọng bọc trong giấy điều. Còn phổ biến là chậu men Hải Phòng, thứ quà cưới thời thượng lúc đó. Nhận xong xếp lên cả chồng …Công đoàn hai cơ quan thì khỏe hơn, mỗi bên đều giấu kín món quà bí hiểm của mình. Nhưng rồi hóa ra chỉ là chiếc phích đựng nước sôi Rạng đông lít rưỡi, vỏ sắt tráng men có trang trí hoa. Trông dấm dớ thế mà thời ấy, chiếc phích là niềm khao khát của mỗi gia đình, khó mua hơn xe máy bây giờ. Ông chú Vịnh từ Bắc Giang lên dó dáy lục trong túi một lúc thòi ra được bốn đồng dúi vào tay vợ tôi kèm theo lời dặn” vợ chồng đoàn kết mà làm ăn con nhé”. Ông là thày lang, có chữ nghĩa mới nói được câu ấy chứ hai bên bố mẹ trong vai khách dự chỉ biết rưng rưng nhìn con.
Không có rượu. Khách dự cưới uống trà xanh đặc chát, hút thuốc lá Tam Đảo, ăn thứ kẹo nội rắn như sỏi và qui xốp cũng cứng quèo, nhai sái cả hàm.
Họa sĩ Sĩ Tốt nấp ở đâu đó, thình lình hiện ra với bánh pháo trong tay đi dọc giữa hai hàng quan khách cho nổ bùng bùng, hơi pháo khét lẹt, khói um lên như trong cơn hỏa hoạn. Mấy cô văn công trẻ Tồn, Hải Yến thất thần kêu ré lên, bịt thật chặt tai né tránh như đang bị ăn đòn. Nhưng rồi lát sau ai lại về chỗ nấy tiếp tục nhằn hạt bí, vui hỉ hả, khen kiểu mừng cưới lạ đời của ông họa sĩ có dáng đập như phó cối. Họa sĩ Trần Quốc Tiến kiêm nhà thơ xứ Huế, tóc xõa bồng bềnh trước trán đủng đỉnh đi lên tặng chiếc phông cưới đóng trục tre, vẽ bột màu lên bìa cứng, rồi đề thơ cốt lấy vận mà không để ý đến câu chuyện ngày cưới” Có một chàng họa sĩ/ Yêu điệu múa Tây nguyên/ hôm nay vui mở hội/ hát bài ca Đức- Điền”, làm sao cố ghép bằng được tên vợ chồng vào trong khổ thơ mới thấy yên tâm! Nhiếp ảnh Văn Nguyên lò dò với chiếc máy ảnh Đức Rôlây-phếch, phim 6×6, nhấm nháy chụp kỉ niệm cho được mươi tấm rồi khịt khịt mũi về chỗ, mắt thao láo ngó nghiêng bên phải bên trái.Phó tổng biên tập báo VNĐL, ông Trần Anh Tuấn tươi hơn mọi ngày vì được làm chủ hôn nên nói cười nhiều, trông càng vẩu hơn. Huy Hùng chống cằm, hí hoáy bứt râu, tay kia vê vê cái cái kẹo, không chịu ăn. Thái Dương vuốt vuốt mấy búp tóc lơ thơ gắng che cái đầu hói mãi không xong. Văn Chương nhấm nháy đôi mắt khỉ tranh thủ tán ghẹ mấy cô văn công ngồi cùng dãy ghế. Hữu Thuần phát huy cái chậm hàng ngày, tí táy bóc từng hạt bí như để giết thời gian. Không khí đầm ấm như buổi họp mặt gia đình.
Vậy mà chừng ấy Noen trôi qua, chưa lần nào vợ chồng tôi được đi đón chúa Giáng sinh ở nhà thờ kể cả khi đã về Hà Nội. Cũng chẳng biết vì sao.