Còn nhớ căn hộ được phân ở trên Thái là cái chái hội trường nằm trên đỉnh đồi cao, hướng Bắc ,chừng 16 mét vuong. Mùa đông gió thốc thẳng vào cửa rét thâm tím.
Cuộc sống vất vả giết chết cảm xúc sống. Hầu như lúc nào cũng đầy mối lo, thiếu cái này cái kia, lương bổng thế nen muốn sắm gì chẳng khác nào múa tay trong bị. Lương tháng chỉ đủ mua thức ăn rau cỏ là hết. May mà lúc đó còn trẻ khỏe ít ốm đau không thì chết!
Chồng áo bông, vợ áo bông. Vỏ may vải chéo xanh công nhân. Không có chuyện ăn diện. Cũng có và người gia đình khá giả hình thức trội hơn một tí. Nhưng
Sau khi Khu tự trị Việt Bắc giải thể, chuyển sang cơ quan khác tôi theo cơ quan về Hà Nội và theo học Đại học hàm thụ tại trường Đại học mĩ thuật. Được phân một căn phòng 9 mét vuông, hộ độc thân tại khu văn công Cầu giấy, Bộ văn hóa. Ăn ngủ tiếp khách bếp gọn lỏn trong đó. Vợ con vẫn ở lại trên Thái.
Vắng nhà một thời gian thì nhận ngay được tin nhắn xuống: Bốn con gà nuôi lấy trứng cho con ăn bị dịch, toi hết rồi.
Thế là cụt một nguồn đạm.
Tháng tôi về Thái một lần. Ở Cầu Giấy lúc ấy có cái chợ xanh bên dòng sông Tô. Chợ có nhiều cá. Trước khi về, tôi thường ra chợ mua một hai cân cá trê làm sạch kho tương cho khô rồi đem về cho mẹ con, cũng ăn được vài ngày. Vợ chồng thương nhau cũng chỉ thế thôi. Tôi còn nhớ một kỉ niệm về tấm áo len nhà tôi đan cho. Từ lúc có dự định đén khi thành áo là 3 năm. Tôi đã ghi lại câu chuyện đó bằng một entry sau:
Rét Nàng Bân
Doduc
Tưởng đã quên đi cái rét Nàng Bân. Trong mấy năm qua khi vào cữ này trời đều nóng.
Năm nay thì rét Nàng Bân lại về.
Tôi cũng đã từng có một Nàng Bân của mình chứ không phải Nàng Bân trong cổ tích. Nàng Bân cổ tích con gái của Ngọc hoàng may tấm áo chỉ chậm có mấy tháng, Trời thương cho rét lại để chồng nàng thử áo, cho nàng đỡ tủi thân. Nàng Bân của tôi đan áo không chậm như Nàng Bân của nhà Trời nhưng để cho chồng có tấm áo rét, nàng đã loay hoay mất trọn ba năm.
Nhớ lại những năm 70 thế kỉ trước, phương tiện chống rét hoặc là áo bông công nhân, hai là len gai. Lúc ấy hàng nội có len gai Mộc Châu là có giá, Bây giờ cũng chẳng nhớ loại len đó là do Mộc Châu làm ra hay người ta đặt tên thế. Chất lượng tốt hơn chút nữa thì có len Hải Phòng. Nhưng cả hai thứ ấy cũng đều khó mà mua nổi, vừa hiếm hàng lại vừa chẳng có tiền mua.
Mấy tháng trước đây họa sĩ Đinh Quang Tỉnh triển lãm tranh chân dung, ông chỉ cho tôi bức chân dung vẽ nhà văn Nguyễn Tuân rồi bảo; Anh thấy tôi vẽ cụ Nguyễn mặc chiếc áo len gai Mộc Châu đã đúng chưa? Thời đánh Mĩ, nhà văn lớn của đất nước cũng chỉ có được cái áo len Mộc Châu thôi đấy
Vụ ấy cánh công chức nghèo rớt như nông dân. Cứ chưa hết tháng đã hết tiền. Cũng may mà trời thương, cơm rau dưa suốt mà không bị ốm vặt. Thấy chồng suốt mùa rét lúc nào cũng bó trong cái áo bông vỏ xanh công nhân bạc màu, nàng Bân của tôi buồn. Có lần nàng vu vơ nhắc câu ca dao: “ Mẹ cha bú mớm nâng niu/ tội trời đành chịu không yêu bằng chồng”. Tôi giả vờ không nghe thấy gì, quay mặt đi để tránh giọt nước mắt cứ muốn rơi ra…
Trong một đợt lên Cao Bằng biểu diễn, số tiền nàng dành dụm đem mua được mấy cuộn len gai Trung Quốc màu xanh dương. Mấy cuộn len thôi mà nàng chắt chiu 3 năm mới có, lại may mắn đúng có dịp đi biên giới mới có. Trở về đã giáp tết. Nàng hì hụi đan sau những giờ tập, trong giờ họp, đan trong lúc chờ cơm sôi… Đi đâu cũng kè kè cái túi nhồi mấy cuộn len và mảnh len đan dở. Nàng chắt chiu từng mũi kim đan, vừa đan vừa hỏi các chị lớn tuổi cách chiết nách, khâu vai thế nào. Bởi đã bao giờ có len mà đan. Đan áo cho chồng cũng là những mũi kim đan đầu tiên. Trước đó chỉ là tập đan mảnh nhỏ. Qua tết rồi ra giêng, cuối cùng áo cũng kịp cho tôi mặc vào đúng đợt rét Nàng Bân. Thế đấy tấm áo len đầu tiên có được phải chờ mất ba năm sau ngày cưới. Chiếc áo Nàng Bân ấy tôi mặc đến khi rách, bung từng mảng thì cũng là lúc đất nước mở cửa ….
Nàng Bân là ai? Con gái tôi hỏi thế dù nó vẫn lơ mơ về câu chuyện cổ tích đọc đâu đó khi học phổ thông. Bây giờ chúng chẳng còn biết đến Nàng Bân cũng như chúng ta chẳng còn nhớ đã từng ăn cơm dài với dưa, với đĩa mắm tôm nướng. Cũng chẳng mong chúng lại phải làm Nàng Bân như mẹ chúng đã từng.
Cái đói cái rét nay không còn đọng lại ở thành phố nhưng vẫn chưa biến hẳn trong đời sống. Nó đang quay về đồn trú ở nông thôn. Nàng Bân hôm nay vẫn thập thò ở những xóm, những làng, những bản. Cơn rét Nàng Bân đầu tháng này vào đúng tết Hàn thực, đúng tiết đúng tuần khiến tôi lại chợt nhớ những bản làng ở Lao Cai, Lai Châu, Hà Giang…Những nơi tôi từng đi qua nhiều năm trước đây. Hình ảnh các em bé bà mẹ môi tái nhợt, tay thu gọn trong vạt áo cố níu giữ lại chút hơi ấm trong người vẫn hiện lên trước mặt. Ngày chợ phiên nào mà cái rét chẳng bám theo.
Những người mẹ người chị người em ở các bản làng xa xôi vẫn còn đấy nhắc bảo ta đừng quên rằng đã từng có chuyện cổ tích về một cái rét mang tên Nàng Bân. 17/4/2010
Môi đỏ (multiply)
em hay than nghèo kể khổ với chồng mỗi khi thiếu thốn này nọ, giờ đọc cái này thấy xấu hổ quá 🙁
Vuonghung (multiply)
Khổ anh nhỉ ! Ngày ấy chúng em đang tuổi ăn tuổi lớn …Lúc nào cũng thấy đói…Ăn cái gì cũng thấy ngon…
Chuyện cổ tích rét nàng Bân nghe thì hay, nhưng em không ưa …Ngọc Hoàng, chỉ vì chiều con gái mà bắt bàn dân thiên hạ đang đói lại chịu thêm rét mướt !…Buồn ! Cũng như ngày nay gọi là…lợi ích nhóm đó ạ ! Hi hi…hu hu…!!
Bong Hoa (facebook)
Ở tập thể nhà cháu còn có 1 tổ đan len. Các cô các bác đan siêu đẳng luôn. Mắt không thèm nhìn mà tay cứ tanh tách. Tổ này chuyên đan thuê cho cửa hàng mậu dịch. các bà còn có mẹo lúc trả áo thì phun nước vào len cho ẩm để dôi len về đan áo cho con. Bọn cháu đứa nào cũng có cái áo len tiết kiệm được nối đủ các loại các màu, vết nối thì sần sùi ra nhưng cực ấm. Mẹ nào khéo pha len thì áo đẹp thôi rồi.
Yen Dieu (facebook)
Cháu hỏi chú mấy câu: (1) “ Mẹ cha bú mớm nâng niu/ tội trời đành chịu không yêu bằng chồng” >> nghĩa là gì (cháu mới nghe lần đâu:”>) (2) ăn cơm dài với dưa, với đĩa mắm tôm nướng >> cơm dài là cơm gì (hay là ăn bữa ăn dài ngoằng vì ngao ngán??), mắm tôm nướng là ntn??
Dongngan Doduc
@ YENDIEU: 1- đó là câu ca dao trong dân gian,nói về tình cảm người vợ đối với chồng, Ăn cơm dài với dưa, là ăn thường xuyên liên tục món đó. Chủ yếu chỉ có dưa (dưa muối, dưa kho, dưa xào, dưa nấu canh với lạc giã nhỏ…). Mắm tôm nướng, người ta khều mắm tôm đặc ra cái đĩa, chừng một thìa canh, sau đó nhặt than hồng xếp xung quanh quạt cho mắm tôm khô rồi xém vàng ra, sau đó cho một chút mỡ lợn giầm cùng, chấm mút ăn với cơm. Món ăn đó chỉ có ở nông thôn, mất dấu vết hơn bốn mươi năm nay rồi. Nông thôn xưa người dân rất khổ, lấy hạt cơm làm đầu, thức ăn là rau dưa thôi. Viên chức giai đoạn trước đây cũng thế .