Doduc
Nếu đã từng ở rừng hẳn bạn sẽ biết một loài thú nhỏ có cái vòi dài, đầu vòi khá giống mõm lợn, vì thế mà nó có tên Lửng lợn. Lửng lợn là giống thú hoang chuyên sục tìm ăn tổ mối. Gặp được tổ mối là nó cắm đầu đào bới chẳng còn biết gì đến xung quanh, chỉ còn biết đánh chén say sưa. Mỗi khi cái lưỡi đỏ như son của nó khoen một vòng là trăm ngàn con mối được gạt xuống dạ dày to bất thường chẳng bao giờ biết đầy của nó.
Lửng lợn đi lại chậm rãi và ít để ý đến xung quanh. Cái đầu nhỏ ngúc ngoắc, có tiếng động cũng không thấy nó phản ứng cảnh giới, chẳng biết do không nghe thấy hay là do thói quen phớt đời. Có người bảo giống này bị điếc bẩm sinh. Câu ”điếc lửng” là nói về tật khiếm thính của Lửng.. Nó không có bạn ngoài đồng loại vì trên người Lửng lợn luôn toát ra thứ mùi hôi khó chịu khiến mọi loài sống xung quanh đều xa lánh. Vô tình mùi hôi của nó lại thành vũ khí tự vệ rất hữu hiệu. Thêm vào lại có tật thường xuyên vừa đi vừa lẹt pẹt xì hơi. Hơi xì ra còn ghê hơn mùi hôi cố hữu, khiến vũ khí tự thân của nó mạnh lên gấp hai lần. Những con thú ăn thịt, dù là hổ hay chó sói khi đói rã có gặp Lửng cũng không nghĩ đến chuyện bắt nó làm bữa vì chỉ ngửi thấy mùi hôi Lửng là cái đói đã tan biến, có miếng ngon cũng không nuốt trôi. Con người gặp nó cũng phải bịt mũi tránh xa. Mỡ lửng lợn còn hôi hơn cả mùi trên mình nó. Ngày trước thiếu dầu thắp sáng, thấy nó béo có người đã thử bắt giết để lấy mỡ thay dầu. Vậy mà cuối cùng cũng phải hắt cả nồi mỡ đi vì mùi hôi làm sây sẩm mặt mày. Đã từng có câu ví “hôi như lửng lợn”. Giá mà giống này đông đúc, nhiều người biết thì chắc chắn câu đó đã thành thành ngữ tôn vinh chúng. Nhưng không hiểu sao số lượng chúng cũng không nhiều.
Nếu ở góc rừng bất chợt có trận chiến xảy ra thì chỉ là ở trong loài lửng với nhau, mà cũng chỉ là chuyện tranh nhau con cái. Lũ chúng đều hôi như nhau nên không cảm thấy đồng loại hôi, nên chỉ chúng chơi được với nhau. Cũng có thể là mùi hôi gặp nhau thì bị triệt tiêu nên chúng chẳng thấy gì. Đây là loài thú độc đáo nhất của rừng xanh sống yếm thế mà vẫn tồn tại đàng hoàng.
Đúng là rừng xanh chẳng thiếu thứ gì,
26/5/2010