Đỗ Đức
Chẳng được như Hội An bề thế, kề bên biển cả và Quốc lộ Bắc Nam. Đồng Văn, huyện địa đầu Tổ quốc cũng có một chút gì để khoe với cả nước. Đó là dãy phố cổ có chiều dài chừng một kilômét nằm áp dưới chân núi Pù Lở. ở đây vẫn tường trình mái ngói âm dương qua năm tháng dãi dầu đã lên màu đen mun. Nó có đến hôm nay bởi người dân còn nghèo, chưa đủ tiền đập đi xây nhà mới. Tháng 4/2006 đã có một hội thảo về việc bảo vệ cái di sản nghèo nhưng giàu giá trị văn hóa này và được biết tỉnh Hà Giang đã làm việc với Bộ Văn hóa để lên kế hoạch đầu tư tôn tạo lại dãy phố, hy vọng nó trở thành một điểm sáng du lịch của vùng cao bởi có khá nhiều tiềm năng thu hút khách.
Phố cổ Đồng Văn xưa là một xóm nhỏ dựa lưng vào núi, có tên là làng Nghiến. Bởi phía cuối phố, có cả một rừng nghiến đại thụ đến cả ngàn cây trồi lên từ sườn núi đá. ở đấy có cả một nguồn nước tự nhiên tuôn chảy ra từ lòng núi đá, xối xả bốn mùa. Và có lẽ đấy là thứ quí nhất với người rẻo cao, quí hơn cả muối Bởi muối có thể đi xa còn mua được, nhưng nước không có thì cả con người, con vật cũng không thể tồn tại. Có phải đấy là lý do chính để hình thành cái làng vài chục nóc nhà mang tên loài cây gỗ quí nằm trong tứ thiết mộc đã che sương che nắng cho cuộc sống của họ từ xa xưa. Đến hôm nay nó được mang tên mới phố cổ Đồng Văn.
Đồng Văn (Hà Giang) là huyện địa đầu Tổ quốc, cách tỉnh lỵ Hà Giang 139 kilômét. Từ Hà Giang vượt đèo Pác Sum, qua Cổng Trời xuống Quản Bạ dài 48 kilômét. Từ Quản Bạ xuống dốc Tráng Kìm, vượt đèo Na Khê đến Yên Minh, huyện có nhiệt độ cao nhất Hà Giang khoảng cách là 32 kilômét. Đi tiếp sẽ lên Vần Chải (bản mây phủ) nơi cư ngụ của anh hùng tiễu phỉ Sùng Dúng Lù. Từ Vần Chải độ cao hạ dần xuống Lũng Cẩm thơ mộng, rồi qua Phố Cáo một bản thuần Mông, tiếp leo lên dốc Thẩm Mã, Lán Xì nơi lạnh nhất Hà Giang là bắt đầu cho cuộc trèo ngoạn mục “dốc 9 khoanh” toàn là những cua tay áo gấp khuất và những mẩu đường ngắn tũn với độ ngóc ngược, hướng thẳng lên đỉnh núi như muốn vọt thẳng lên trời. Qua hết khoanh thứ 9 thì thăng bằng được trở lại. Ta có thể lướt trên lưng chừng núi nhìn về phía tay phải để ngắm ngôi nhà Pháo đài của vua Mèo Vương Chí Sình năm mà nay đã là di sản văn hóa – lịch sử, được Nhà nước công nhận. Cảnh đẹp đến thẫn thờ và hoang vắng và cheo leo hiểm trở cũng lên đến độ tuyệt đỉnh để thử thách thần kinh của tất cả mọi người. Những đấng nam nhi có thần kinh thép khi vượt quãng đường này vẫn phải tự thú là “Có thấy ghê ghê”. Qua Nhà Vương đi thêm 15 cây số nữa là chúng ta đã có 59 cây số an toàn của chặng Yên Minh- Hà Giang.
Hôm nay từ Hà Giang lên phố cổ Đồng Văn chặng đường 139 km ta có thể đi trong một ngày. Con đường ấy được đặt tên là đường Hạnh Phúc, nó được Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ phát lệnh khai phá vào ngày 4-9-1959 và hoàn thành 3 năm sau đó. Rồi lại còn bao nhiêu lần sang sửa, hạ dốc để có cung đường hoành tráng, an toàn như hôm nay, có thể đưa tất cả loại xe qua an toàn tuyệt đối!
ấy là chuyện hôm nay, chứ người Pháp đặt chân lên Đồng Văn đã từ 1890, đóng đồn ở chân Pù Lở. Người kể chuyện này ông Phạm Văn Dục đã có ba đời ở đất Đồng Văn. Ông nhắc đến tên Viên quan Ba Lôrie, quan Đại lý đầu tiên và đồn trưởng Grulơmun cùng đội quân binh rút khỏi Đồng Văn vào 9/3/1945 như thế nào. 8 người Pháp có mặt ở Đồng Văn ông còn nhớ kỹ cả tên họ và chức vụ. Ông kể rằng cách đây vài năm có 2 lần, con của những sĩ quan Pháp đã từng đóng đồn ở đây đã trở lại thăm, trong đó có một người nói tiếng Việt thông thạo.
Bi thư huyện ủy Sùng Đại Hùng, người Mông tâm sự: “Đồng Văn có con phố cổ đẹp, có cái chợ xây bằng cột đá đẽo, theo hình chữ Môn vào năm 1926 đến giờ vẫn vững chãi. Khu đồn cao trên đỉnh núi người Pháp xây cất vào năm 1940 để canh chừng vùng biên, gần như còn nguyên vẹn. Chúng tôi sẽ giữ cái gì còn lại và tạo cảnh quan gần với không gian xưa, phù hợp với việc khai thác du lịch.”.Tôi hiểu những tính toán của ông, bởi nếu tách Đồng Văn riêng ra thì không có gì thật đặc biệt. Nhưng để lên Đồng Văn thì trên 100 cây số sẽ được qua các đèo dốc tráng lệ đẹp như mơ. Đó là chưa kể các địa danh trên đường đều có những phiên chợ được chọn ngày họp để không trùng nhau ví dụ như Sà Phìn họp vào ngày Tỵ-Hợi, Phó Bảng họp vào các ngày Tý-Ngọ, Phó Cáo ngày Thìn-Tuất, Lũng Phìn ngày Dần-Thân. Còn phiên chủ nhật thường xuyên chợ huyện Đồng Văn họp ngay trên phố cổ, hoặc chợ Ma Lé bên cạnh luôn vào thứ 7. Từ Hà Giang lên còn qua các chợ phiên Quản Bạ vào chủ nhật, chợ sép Tráng Kìm, chợ Yên Minh. Đó là những điểm luôn gây sự chú ý cho khách du lịch. Nên việc tôn tạo phố cổ Đồng Văn thành một điểm trung tâm cho một chặng du lịch là có lý. Để từ đây vượt Si Cúa (cổng trời) Đồng Văn đến chân cột cờ Lũng Cú, mảnh đất xa nhất trên mũi nhọn đỉnh đầu bản đồ Tổ quốc để thăm Lô Lô Chải, một bản Lô Lô đen duy nhất, có mấy chục nóc nhà và vài trăm người .Đây được coi như mảnh đất gốc gác của người Lô Lô ở Việt Nam. Hoặc chỉ với 60 ngàn thuê xe ôm rời khỏi Đồng Văn hơn chục cây số là đã đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng danh tiếng để ngắm nhìn sông Nho Quế hun hút dưới thung sâu. Đồng Văn là điểm dừng quá lý tưởng cho một vùng du lịch núi có nhiều cảnh quan hấp dẫn. Chúng tôi đùa rằng Đồng Văn đã đủ “tả phù – hữu bật”, chỉ còn đợi sự năng động của chính quyền nữa là xong.
Năm nay, dù chưa được tôn tạo nhưng chính quyền huyện Đồng Văn đã khai trương “đêm hội phố cổ” từ 13 đến 15 tháng tám Âm lịch với đặc trưng ẩm thực xứ rừng và duy trì nó thành hội lễ hằng năm. Người Hội An có nhã ý kết bạn đã tặng cho Đồng Văn cả loạt đèn lồng để đêm Hội phố cổ đầu tiên, Đồng Văn có màu đỏ rực may mắn. Còn nhỏ nhoi lắm nhưng cũng đủ để cho khách du lịch xuyên núi tìm được muôn vàn cái kỳ thú mà không nơi nào có, bởi Đồng Văn chẳng giống nơi nào!
Phố cổ Đồng Văn là một địa chỉ mà mỗi người Việt Nam nên một lần biết đến, bởi chỉ lên đó mới hiểu con người chinh phục đá như thế nào, chứ không chỉ riêng sự ngoạn mục của thiên nhiên.
Tháng mười 2006