Doduc
Văn hóa các dân tộc Việt Nam ngàn năm để lại bao nhiêu sự đúc kết qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ vừa là nhắc nhở dạy bảo, vừa là phê phán cảnh báo. Cái vốn quí ngàn năm ấy như cuốn sách giáo khoa để ở ngoài đời, luôn luôn mở ra cho mọi người cùng đọc.
1- Người Mường nói ”Không biết bơi chớ ngồi đầu mũi/ không biết lái chớ ngồi đuôi thuyền” đó là những vị trí quan trọng để vận hành con thuyền trên sông. Những người không biết việc ngồi nhầm vào đó là nguy hiểm cho con thuyền. Nghĩ rộng ra là còn nhắc nhở cả cho những con người chèo lái con thuyền quốc gia nữa đấy.
2- Người Giáy có câu thành ngữ khá dung dị “ cơm ở ruộng/ cá ở sông” Thoáng nghe như chẳng có gì, là lẽ thường thôi, ai chẳng biết! Nhưng không, cái lẽ thường nghĩa là phải ra ruộng xuống sông nếu muốn có miếng ăn. Thế mà ngày nay, thử nhìn xem, có nhiều người không biết điều giản dị ấy khi không biết xuống ruộng tìm cơm, không biết xuống sông bắt cá. Ruộng đất làm sân chơi gôn, sông làm cho ô nhiễm, liệu còn chỗ cho cơm cho cá hay không?
3- Người Tày có từ “ Eo cáy” để chỉ cái anh chàng đĩ mồm hay tán gái. Eo cáy có nghĩa đen là “đĩ gà”, giống như mấy con gà trống, cứ thấy mái là sấn sổ ve vãn, quây bằng được, nhưng đạp được mái thì lại ào cái xong ngay. Eo cáy là như vậy, là bọn vô tích sự cả, chỉ giỏi võ mồm!
Eo cáy ở Việt Nam chỉ coi là đùa, nhưng ở Âu – Mĩ, thì lại khác, dễ bị tòa án kết tội quấy rối tình dục nếu chẳng may bị kiện!
4- Người Thái có câu thành ngữ rất hay: ” Nhá heng kha/ va heng hi”. Câu này có nghĩa là : “đừng tưởng thấy đùi là đã thấy được… cái kia.. Có nghĩa là đừng có tưởng bở, dù hai cái đó gần nhau trong gang tấc, nhưng quyết không phải là một. Câu tục ngữ dạy cho con người ta cuộc sống cần thận trọng khi dấn thân!
5- Người Tày lại có câu: “ Ám khẩu pác ám rầu”, nghĩa là miếng nào vào mồm là miếng của ta. Chỉ có thể coi là của mình khi miếng đó nằm gọn trong miệng mình. Câu thành ngữ dạy cho người ta thận trọng khi đánh giá tình huống. Loại bỏ các thứ lạc quan tếu ra khỏi đời sống dân sự.
6- Người Tày Yên Bái lại có câu: “Mì ngần mì xèn, kha kháy kha/ Bấu mì ngần xèn kha kháy phà”
Có nghĩa là “có tiền có bạc chân gác chân / không tiền không bạc chân gác chăn”.
Thoáng nghe tưởng như câu tục ngữ nói về nghề… mãi dâm, có tiền có bạc mới vào ngủ đuợc với gái (chân gác chân) còn không tiền thì phèo (chân gác chăn).
Nhưng không phải. Câu tục ngữ này nói về tục cheo cưới ở vùng miền núi rất nặng nề tốn kém. Không có tiền bạc, đồng nghĩa với việc sẽ không lấy nổi vợ vì không có tiền bạc đưa cho nhà gái thì không thể cưới, đành chịu cảnh ế vợ, nằm khan một mình (chân gác chăn).
Nhưng câu ấy bây giờ dùng cho các nhà nghỉ thì hợp quá. Bà con người Tày xin biếu không người thành phố để dùng hàng ngày theo nghĩa đen của thời kinh tế thị trường. Nhiều vị có chức quyền rất thành công và cũng hay thất bại ở câu thành ngữ này .
7- người Tày Yên Bái lại có câu: “ Mạ bấu khuýu pền bẻ/ hi nắm ẻ pền non” dịch có nghĩa là : “Con ngựa mà không đem cưỡi thì nó thành con dê/ cái…kia mà không được dùng thì nó thành con sâu”.
Câu tục ngữ về chuyện tình dục đề cập đến công năng của các bộ phận cơ thể. Khi đã có là nó có ý nghĩa xử dụng, không dùng thì sẽ hỏng. Nghĩa đen là như vậy.
Nghĩ rộng ra, câu này có thể chỉ ra giữa thực tiễn và lí thuyết. Nếu lí thuyết suông, không bám vào việc, nghĩa là chỉ lí thuyết không thôi, thì ngựa cũng thành dê, cái …kia cung hóa sâu bọ. Những nhà lãnh đạo cũng có thể treo câu này lên tường, làm khẩu hiệu hàng ngày tâm niệm để phục vụ dân cũng hay. Có khi còn hơn các khẩu hiệu hô hào chung chung hết đoàn kết, đến quyết tâm quán triệt rồi lại nhiệt liệt, nghe quen tai quá!
1/8/2010
1 comment for “Về những câu thành ngữ”