doduc
Đã có một thời, văn nghệ dân gian bị coi thường, dường như là thứ văn hóa ngoài lề, bị khi thị rằng : “Nôm na là cha mách qué!”
Đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, dần dần các Hội nghề được ra đời thì trong hội Liện hiệp văn học nghệ thuật Toàn quốc, Hội Văn nghệ dân gian vẫn không có chỗ, vì nó không được nhìn nhận là “hội sáng tạo nghệ thuật.” Tổng thư kí Hội lúc ấy là cố giáo sư Bùi Văn Nguyên lận đận suốt mấy chục năm …May mà rồi cũng được Giáo sư Hà Học Trạc nhận cho vào “Liên hiệp hội khoa học kĩ thuật” để khỏi đứng chơ vơ. Nhưng đại hội 1 cũng bị kéo dài đến mấy chục năm không đại hội được…
Mãi sau này, Đại hội lần thứ 2 thời giáo sư Tô Ngọc Thanh và Trần Quốc Vượng nắm Hội Văn Nghệ Dân gian mới được thừa nhận Hội được nằm trong Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật toàn quốc.
Nền văn hóa dân gian là văn hóa Mẹ của nền văn học nghệ thuật quốc gia mà bị ghẻ lạnh bao nhiêu năm, trong khi các đứa con của mẹ xúng xính tân thời…
Nhìn lại thấy Văn hóa dân gian hầu hết là sản phẩm vô danh trong ca dao dân ca tục ngữ sống trong dân gian. Nó bất thành văn tự mà sức bền hơn văn tự. Văn hóa dân gian không kiêng nể gì những hiện tượng xã hội chướng tai gai mắt, từng chế giễu cả giới tu hành:Ta hãy cùng nhau nhớ lại câu ca dao: “ Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư/ Sư về sư ốm tương tư/ Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu…”. Dân gian giải thích nguồn gốc sư trọc đầu là vậy!
Đến vua, ngôi vị đầu đất nước mà ra những chiếu chỉ không sát với đời sống cũng bị lên thớt. Dù không dám chỉ mặt vua, nhưng thay vào đó giễu thẳng mặt kẻ thừa hành: “Tháng Tám có chiếu vua ra/ Cấm quần không đáy người ta hãi hùng/ Không đi thì chợ không đông/ Đi thì phải mượn quần chồng sao đang/ Có quần ra quán bán hàng/ Không quẩn ra đứng đầu làng trông quan!”
Đến thời bao cấp tem phiếu tiêu chuẩn, cũng có những câu buốt óc về công bằng xã hội “ Con gì mắt híp bụng to/ Ăn hàng Tôn Đản, líu lo suốt ngày”. Hoặc có thời đám xiểm nịnh trong chính quyền gia tăng, có ngay câu “Bác ơi Bác có biết không/ Thạch Sanh thì ít , Lý Thông thì nhiều”. Đó là xã hội bật ra tiếng nói phản kháng trực diện và mạnh mẽ vô cùng.
Vì là văn thơ truyền khẩu, không tìm ra tác giả, câu thơ dù xấc mấy cũng không biết đâu mà bắt, mà bịt mồm trị tội kẻ làm ra nó.
Văn hóa dân gian được hình thành đều do đúc kết nên thơ văn thường ngắn gọn dễ nhớ và hàm chứa ý tứ sâu sắc từ kinh nghiệm sống, đến phê phán hiện thực cuộc sống một cách sâu cay, như những vỉ thuốc đắng để trị căn bệnh nan y trong đời sống xã hội.
Ngay thời chúng ta đang sống đây, các nhà văn nhà thơ có ra đủ loại hình nghệ thuật ca tụng hoặc phê phán xã hội thì cũng chẳng thể thay thế văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian cũng vẫn hồn nhiên tồn tại. Ví dụ câu ca dao hiện đại rất tếu mượn chuyện vận đông trồng tre luồng ở một tỉnh nọ; “Trồng luồng mà bỏ u, g/ Bí thư chủ tịch cũng mê trồng luồng”. Câu lục bát truyền miệng chẳng rõ tác giả, đâu có nói chuyện trồng luồng, mà chỉ dựa vào chuyện đó để phê phán hiện tượng hư đốn của hệ thống chức sắc. Đây hoàn toàn là một chuyện khác, sâu sắc đến buốt lạnh tâm can kẻ vướng thói hư tật xấu này..
Văn hóa dân gian nằm trong ca dao tục ngữ thành ngữ đồng dao cổ tích huyền thoại. Xét cho cùng đó chính là những trang sử văn hóa trong dân của dân tộc. Nối những câu ca dao đồng dao tục ngữ và thành ngữ lại có thể nhìn thấy ngay trang sử dân luôn bám chặt tiến trình xã hội.
Văn hóa dân gian không có chuyện “tốt khoe ra, xấu xa đậy lại”, mà là nói toạc. Văn hóa dân gian là người MẸ tử tế. Văn hóa dân gian chính là sách trắng.2/9/2014
1 comment for “Sách trắng”