Ô luận

Doduc
Đứa trẻ sơ sinh ra đời, mẹ may ngay cho nó chiếc mũ thóp. Cái mũ cái nón cũng chỉ là biến thái của cái ô thu nhỏ.
Lớn lên một chút, thì mũ vải, mùa đông mũ len dạ. Đi ra đường thì mũ lá hoặc nón lá che giữ mái đầu. Đi xe máy bây giờ lại thêm mũ bảo hiểm. Khi đi học thì mái trường và thày cô là cái ô. Muốn tốt thì phải biết giữ chắc cán ô.
Ở nhà thì Chồng là cái ô cho vợ. Vợ có khi lại là cái ô cho chồng. Vợ chống làm ô cho nhau. Cha mẹ là ô cho con cái. Ra quan trường muốn chắc chân phải có người bảo trợ. Người bảo trợ là những cái ô che chắn ngoài đời.
Những người che ô cho anh có khi cũng đang đứng dưới một cái ô của người khác, và rồi còn những cái ô cao trên nữa, tầng tầng lớp lớp ô, cả rừng ô.
Xét cho cùng cuộc đời chẳng ai thoát khỏi dùng ô. Dùng ô chỉ có tốt. Cho nên con gái đồng bằng Bắc Bộ đi lấy chồng trước khi bước ra khỏi cửa nhà bao giờ cũng được mẹ trao cho chiếc nón lá với ý rằng: Nón đội trên đầu không nắng thì mưa. Nhưng sâu xa hơn nó là kí thác lời nhắn gửi, con đi lấy chồng nhưng cha mẹ vẫn là cái ô che chắn ở xa.
Cái ô đi vào đời sống tự nhiên gắn vào đời sống mỗi con người là như vậy.
Đời một con người cần đến rất nhiều cái ô cho mỗi ngả đường mà người ta đeo đuổi.
Có cái ô, ra đường bớt sợ nắng gió. Có cái ô che chở thì tăng lên bao nhiêu sự an toàn cho sức khỏe và con đường công danh.
Thế mà đã từng có câu thơ của ai đó viết sáng cắp ô đi tối cắp về để chế giễu cuộc đời công chức an phận với bát cơm nghèo.
Tội nghiệp!

Cái ô là như vậy, nó cần cho ta suốt bốn mùa. Cần suốt cả đời nguời.
Cái ô theo nghĩa đen thì che mưa che nắng
Cái ô nghĩa bóng là để che cho con đường công danh sự nghiệp.
Cái nào cũng cần vì mỗi cái dùng vào mỗi việc khác nhau.
Nhưng cái ô tốt nhất vẫn là cái ô ta tự làm ra, tự che cho mình. Còn núp mãi dưới ô của người khác, khi bị cất ô đi rồi thì biết làm sao?
22/7/2010