dongngan
Chim khách có bộ lông màu than. Nó hay lần mò vào vườn cây nhặt sâu bọ. Hiếm có giống chim nào thân thiện với con người hơn nó. Chim khách sống gắn bó với dân làng, được coi như người đưa tin đầu tiên khi chưa có ngành bưu điện ra đời. Ai cũng mến con chim có bộ cánh giản dị và giọng hót lào khào đó.
Thuộc loại mảnh dẻ nhỏ con, tính tình hiền hậu, chim khách thường hay lặng lẽ một mình. Chưa bao giờ thấy chim khách đi đôi.
Tha thẩn nghiêng ngó tìm sâu, thỉnh thoảng chim khách lại cất tiếng khẹt khẹt nhịp với bước nhảy di chuyển. Mỗi lần nghe tiếng khẹt khẹt thuốc lào, mẹ lại ngóng ra cổng lẩm bẩm: Nhà lại sắp có khách đây.
Không biết độ tin cẩn trong truyền thông của chim khách được bao nhiêu, nhưng ai cũng lắng nghe tiếng him khách với sự mong ngóng đợi chờ.
Cũng bởi ngày xưa, người dân ở đồng bằng chật hẹp, anh em nhiều nhà thường xé lẻ lên trung du làm ăn rồi xây cơ dựng nghiệp luôn trên đó. Đường đất thì xa, phương tiện giao thông chẳng có, anh em họ hàng thăm nhau chỉ trông vào đôi chân trần dận bộ, nên hằng năm mới có thể thăm nhau một lần. Mỗi lần như thế phải bỏ ra cả tháng trời. Việc mong ngóng khách của mỗi nhà mỗi người là dễ hiểu, nhất là người xa quê. Mẹ thường bảo; chim khách chẳng mấy khi báo tin sai, chỉ có điều nhanh hay chậm mà thôi. Bà vẫn bảo: một tiếng thì xa, ba tiếng thì gần con ạ!
Lúc ấy tôi còn quá bé để biết kiểm chứng thông tin. Lớn lên biết biết một chút thì vườn cây trước nhà cũng biến mất khi anh em ra ở riêng chia vườn lấy đất làm nhà.
Thông tin về lọai chim khách rất ít người biết. Nó hiếm hoi như số lượng của loại chim này. Cả xã có một nhân viên bưu chính thì cả xóm có khi họa hoằn mới có một con chim khách tìm vào vườn nhà. Nhưng chim khách vào vườn cất tiếng kêu là nhà ấy sắp có niềm vui, cũng có khi chẳng thấy nó cất tiếng. Thời ấy cuộc sống buồn tẻ lắm, ai cũng mong có khách đến nhà. Trẻ con còn mong hơn, vì có khách là bữa ăn có thêm thịt cá.
Bao nhiêu năm trôi qua rồi mà mỗi sáng thức dậy, đứng trước cái vườn nhỏ có vài bụi cây trước nhà, mong thấy bóng hình con chim khách tha thẩn mà không bao giờ thấy. Phải chăng sứ mệnh “báo tin” của nó đã có ngành truyền thông thực hiện tốt hơn nên chim khách đã vĩnh viễn ra đi …
8/11/2011