Ăn nói gói mở
doduc
Thành ngữ xưa dạy rằng có bốn thứ phải học đầu tiên mở đầu cho đời một con người, đó là : “ Học ăn học nói- học gói học mở”,
Đơn giản, đó là những thứ xảy ra hàng ngày. Đơn giản nhưng đều phải học.
Học ăn là phải học đầu tiên. Nghĩa đen của từ ăn là ăn uống hàng ngày. Xưa nghèo đói, miếng cơm chẳng đủ ăn, người ta nhắc nhau: “Ăn trông nồi/ ngồi trông hướng”. Chả là khi ăn phải biết nhìn nồi cơm còn nhiều ít mà nhường nhịn nhau, thế mới là con người. Chứ ngồi mâm chỉ biết cắm cúi vào ăn thì còn ra cái giống gì. Còn như bọn vua quan nha lại hiện nay “ ăn” không từ một cái gì thì rõ không phải là người rồi.
Đó là cái văn hóa ăn cần học đầu tiên đấy.
Xưa, đánh giá một người thường qua “đường ăn nết ở”. Đó là chuyện ứng xử. không phải ở đâu cũng ăn, thấy gì cũng ăn. “Ăn tùy nơi, chơ tùy chốn” là như vậy.
Chắc giờ cũng thế.
Còn câu câu ca dao “Người khôn ăn nói dở chừng/ để cho người dại nửa mừng nửa lo” thì không rõ nhắn gửi gì đây mà lấp lửng về chuyện ăn nói lại được qui cho là người khôn!
Học nói là học giao tiếp. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, “Nói phải củ cải cũng nghe”. Nói phải nhẹ nhàng, không nên “ chém to kho mặn” , lại càng tránh “ dùi đục chấm mắm cáy” là lúc hết khôn rồi.
Học gói., nói chung là gói ghém mọi thứ. Gói bánh thì gói sao cho chặt tay, vuông vắn gọn gàng cũng đâu có dễ. Nghĩa bóng của “gói” còn là chỉ việc biết nắm bắt những điều cơ bản ở các câu chuyện mình được nghe. Cái đó cũng phải học đấy.
Học mở. Có gói thì có mở. Mở cũng cần học. Mở cũng phải theo một trình tự thì mới gọn gàng thuận lợi. Nghĩa bóng “học mở” cũng có nghĩa là học trình tự giao tiếp. Người nhà quê có “ Miếng giầu là đầu câu chuyện” cũng là một cách mở như, chén trà , chén rượu khi gặp nhau. Đó cũng là cách mở…
Thành ngữ “Học ăn học nói, học gói học mở” chia thành 2 cụm từ: ăn (nuốt vào), nói ( nhả ra)/ gói ( thu vào), mở ( bung ra) đối nhau nhưng không nghịch, mà gắn bó như âm và dương trong cuộc sống con người.
Đời một con người nằm gọn trong câu thành ngữ này từ khi lọt lòng đến khi nằm xuống. Nội hàm nó thuộc về chủ quan của mỗi cá thể (phải chủ động học hỏi), nhưng cũng là yêu cầu khách quan của khách thể ( để có cách tiếp cận). Nó là cái đơn giản nhất nhưng cũng là cái phức tạp nhất mà người đời thường mắc không kể giàu nghèo sang hèn và thứ bậc xã hội. Chỉ cần thiếu suy nghĩ chút thôi trong ứng xử là dễ mắc lỗi ở chuyện “ ăn , nói. gói, mở “ ngay lập tức.
Học ăn học nói, học gói học mở là học những giá trị văn hóa. Những giá trị này biến đổi theo thời gian. Có suốt đời học vẫn chưa bao giờ là đủ.- 18/9/2014
1 comment for “Ăn nói gói mở”