Tôi có một chuyện nhỏ về vay mượn.
Đó là những năm bao cấp, khi cô con gái đầu lòng mới 3 tuổi. Một hôm cháu kêu đau rát ở chân. Bất chợt nhìn xuống chỗ nó chỉ, một vùng tím ngắt như quả bồ quân to gần bằng miệng chén mắt trâu. Hốt hoảng, tôi đưa cháu vào viện. Bác sĩ khám cho đơn, dặn mua thuốc này cho con uống, kéo dẫn đến họai thư thì khốn.
Về nhà tôi tức tốc lo chuyện tìm mua thuốc. Khốn nỗi tiền trong nhà không còn,dành sang hàng xóm. Ông hàng xóm tốt bụng vẫn tối ngồi uống trà nghe đài, khi được hỏi chuyện vay, ngần ngừ một lát, ông bảo “ không có”. Tôi biết là ông có tiền, nhưng không dám cho vay vì e tôi không trả được, dù số tiền có hai đồng rưỡi, bằng giá một cân gà lúc ấy.
Cũng không biết khắc phục thế nào, đành đưa cháu đi bà lang lấy thuốc cao dán rẻ tiền hơn. Rồi chuyện ấy cũng qua, chân cháu cũng khỏi. Nhưng tôi được một bài học là đừng có bao giờ trông chờ vào ai khác, ngoài chính bản thân mình. Vay mượn là chuyện chẳng đặng đừng. Và từ đấy tôi chuyển hẳn cách sống. Thay vì hết giờ làm việc, nán lại chơi vài séc bóng bàn thì tôi về nhà làm những chuyện vặt khác đỡ vợ con hoặc việc gì đó để đỡ việc chi tiêu vào ngân sách gia đình. Cũng từ đấy tình vợ chồng ấm cúng hơn, mình cũng hoạt bát ra và thạo nhiều việc hơn. Cái khó được đẩy lùi dần ra khỏi gia đình tôi.
Từ việc nhà ra việc nước có lẽ cũng không xa nhau là bao. Khi vay mượn khó khăn cũng là động lực để cho mình vận động tốt hơn. Vẫn biết không có tiền thì không làm được gì, nhưng không phải cứ có tiền là việc gì cũng làm được. Ví dụ tính tự trọng sẽ rất dễ bị hao vơi đi, quyền tự chủ dễ bị sứt mẻ và sự chủ động sẽ đi xa mình dần khi lâm vào cảnh nợ nần tứ chiếng.
Đối chiếu với hoàn cảnh nước nhà, để phát triển thì cần vay vốn. Có ODA, tiện quá. Người ta sẵn sang mở hầu bao cho vay trong thòi đại toàn cầu gần nhau như làng xã. Liệu có ai nghĩ hộ rằng chuyện ăn vay là cận kề đứng dưới thong lọng nếu vốn vay đó không thực sự phát huy tác dụng. Những Vinashin, vinalina gì đó và bao nhiêu sự hoang phí khác công lại do sự được vay dễ dàng và người được giao quyền vung phí dễ dàng, đang đem gánh vợ còng lưng cho đất nước, trĩu nặng trên vai người dân. Tại diễn đàn Quốc hội đã có tiếng kêu nợ công đã bên bờ vực nguy hiểm. Cái đó cho thấy sự ăn vay để đầu tư của ta đã quá nhiều năm không hiệu quả vì thói quen đốt nhà táng..
Thi thoảng lại đọc tin trên báo chí chuyện “ được vay” nơi này nơi nọ mấy tỉ đô để phát triển “dự án” này kia. Ảnh kí kết, hai bên cười tươi. Nhưng tôi nhìn thấy sau nụ cười của bên được vay lại đang tiếp thêm gánh nặng lên vai đất nước khi mà chuyện chống tham nhũng, chống con quái vật lợi ích nhóm, chống việc mua quan bán tước chưa ra đâu vào đâu. Kẻ ăn hại tham nhũng vẫn nghênh ngang như ở chốn không người.
Nói thật, sau bao nhiều kì vọng vào các dự án, các kế hoạch vĩ mô, tầm nhìn hai nhăm năm, thậm chí năm chục năm thì bây giờ nghe tới nó cũng như tiếng reo khi“ được vay”, thì người dân như tôi bây giờ đều sợ vãi hồn.
Cólẽ cái cần hơn tiền để phát triển lúc này không phải là vay được bao nhiêu tiền, mà là xem lại cái cơ chế nào để giết sạch được bọn tham nhũng, lợi ích nhóm và việc lãng phí vào các lễ hội, sự kiện và những kế hoạch vô bổ đang ngốn tiền như quỉ dữ. Nếu không có sự xoay chuyển thì càng vay được thì càng nuôi béo con thú biến dạng của kinh tế thị trường mà thôi.
Sự thật là như thế!
20/7/2014
Xem thêm:
Chuyện Yết Kiêu (3): Nhất quỷ nhì ma, thầy và trò Yết Kiêu