Quán phở bên đường Lạc Long Quân.
Chiếc toyota màu chó mực đỗ xịch. Cánh cửa bật mở. Người mẹ vào ngoại tứ tuần núng nính trong bộ đồ trễ nải, xách ví đầm da cá sấu bước xuống. Theo sau là hai đồng nữ cũng núng nính như mẹ, đi trụ từng bước dứt khoát như mẹ. Mặc nhiên hai quả mông núng nính của người mẹ ngúc ngoắc đánh nhẹ vào mắt mấy chàng trai trẻ đang nhâm nhi cà phê ở quán bên cạnh. Một câu nói bâng quơ chứa vẻ ghen tị khích bác:” …èo mẹ! đúng là thời của kẻ ăn không hết người lần không ra”.
Đồng nữ lớn cũng cảm thấy được chú ý nên nét đi càng ngúng nguẩy, đầu lắc nhẹ làm cho hai lọn tóc hình dấu ngoặc đơn tổ bố buông trước trán ve vẩy như mành. Cái túm tóc sau ót gáy bị chặt cụt phất nhẹ như đuôi chích chòe. Chiếc quần ngố cẩu thả để lộ hai bắp vế thợ cày, mà lại cũng giống đôi chày giã giò chắc nịch. Cái áo pun có kẻ mặc trong áo bò không cài khuy, tụt thè lè hình lưỡi trâu che nửa phần mông núng nính. Đồng nữ nhỏ cũng mập ú nhưng chưa vào tuổi biết đứng xăm xoi trước gương nên không mấy ai để ý. Lúc này ông bố lùn tịt, dáng vẻ giống tay thợ đấu mới uể oải bước xuống. Trông họ đều mệt mỏi. Kêu bốn tái gầu ít bánh, ăn uống chiếu lệ như để đừng quên bữa sáng. Một ông bạn đi qua nhoẻn nụ cười kính nể, nói gì nghe không rõ, chỉ thấy súp phơ lùn phẩy tay ý nói: Muỗi! không thấy nhếch mép.
Hàng cà phê sáng kề bên cũng đông không kém hàng phở. Chiếc rèm lá buông treo hờ hững luôn ở trạng thái đu đưa như có gió thổi bởi khách ra vào liên tục. Một khách trung niên bước vào chọn góc khuất, xòe tờ báo, tay kia móc túi áo ngực thờ ơ ném bao ba số xuống mặt bàn, dắng nhẹ; “diêm”. Cô bé chạy bàn lướt nhanh như gió đến trước mặt thượng đế trẻ, đặt nhẹ hộp quẹt lên mặt bao thuốc dúm dó: “anh dùng gì ạ”.
Phía bàn bên ba ông vét đen giày đen sơ mi trắng phanh cổ, tóc đen nhức, chân tóc lóe sáng, đang rụi đầu chuyện trò vui vẻ về một dự án nào đó . Nhác thấy một ông trong nhóm nhắc tới tên một anh lớn làm ở Trung ương với vẻ kính trọng y như vừa ngồi ăn sáng với nhau, thì anh chàng câu cá trộm hồ Tây lướt vào, nhoẻn cái miệng vô duyên khích bác với cái giọng ăn mày dĩ vãng “À tay ấy ngày xưa học cùng mình, đốt đặc”. Ba người quen chợt dùng nhìn lên nhìn mặt anh chàng nói sỗ chạm vào ông anh đáng kính của họ, cùng nín lặng. Tay câu cá biết thế, nhưng không thèm để ý, kéo ghế ngồi vào góccộc lốc “đen đá. Không đường” và ra vẻ đã quên câu chuyện vừa xong.
Góc trong cùng, một đôi uyên ương già cũng đang mặn câu chuyện đi Yên Tử. Uyên ương cái than vãn về cái chân chết tiệt, chưa trở trời đã đau nhức thì được uyên ương đực động viên: “Đi có cáp treo, lo gì”. Thằng cu đánh giày nhọ nhem, nói tiếng Thanh còn vênh với giọng Hà thành, lợi dụng lúc con bé chạy bàn vào lấy cà phê cho khách, thò đầu ngó ngiêng xem ai có nhu cầu. Nhác thấy bóng con bé quay ra đã lén rút nhanh ra ngoài tránh kịp câu đuổi muỗi. Cùng làm thuê cả, nhưng biên chế quán và biên chế ngoài đường vị thế cũng rất khác nhau.
Quán buổi sáng giống một xã hội thu nhỏ.
Đỗ Đức, 20/3/2009
Xem thêm:
Chuyện Yết Kiêu (3): Nhất quỷ nhì ma, thầy và trò Yết Kiêu