doduc
Trên đời này chẳng có nghề gì là dễ cả. Ví như thiến gà hoạn lợn là nghề rất phổ thông ở làng quê mà không phải cứ muốn theo mà được. Theo được nghề phải có cơ duyên.
Lúc bé tôi có thằng bạn chơi tên là Phát. Nó là con ông Cả Phân, nhà ở cuối xóm. Tôi là đứa nhút nhát, nhưng lại ham chơi nên hay adua atòng với nó trong nhiều trò tinh quái. Một trong những chuyện gây cho nó hưng phấn nhất là đi xem thiến gà hoạn lợn. Đã rất nhiều lần nó rủ rê tôi đi xem ông Bái người ở xóm ngoài đến thiến gà cho nhà nó. Có lần mải mê quá quên chảo cám lợn bố giao cho trông ở nhà, để cháy sém mất một góc suýt no đòn.
Nhưng cũng vì thói tò mò ấy mà tôi biết thêm nhiều chuyện. Ví dụ, thiến văng là cách thiến gà dò, mổ ở hai bên sườn. Còn thiến moi, mổ ổ bụng dưới là để dành cho mấy con trống đã biết tí tởn le gái. Chiến lợi phẩm của ông Bái là đùm dái gà túm trong lá mon tươi, đem về chần nước sôi, ăn ngọt lỡm.. Ngoài ra còn bữa cơm có rượu thịt khề khà nửa ngày cộng thêm lời cảm ơn của chủ nhà. Có lần cập quạng ông Bái bảo sao con gà lại có ba hột dái. Cuối cùng hóa ra ông moi nhầm quả tim. Gà chết, thế là bữa ấy có món gà luộc. Chủ nhà thấy miếng thịt đắng, nhưng ông Bái thì vô tư. Cái rủi của chủ nhà lại là cái may của ông, thì ông cứ vui!. Có lần thấy con gà không vượt qua ca mổ khó khăn, ộc ra nhiều máu quá, giẫy đành đạch. Tôi sợ quá định lủi thì thằng Phát kéo lại, nhăn nhở cười, bảo xem cho đến lúc nó chết hẳn mới đã .
Sau vài lần xem thiến, thằng Phát mò đi bắt trộm gà con trong xóm để thiến thử. Nó khoe đã làm đúng như ông Bái, nhưng thiến mười lần, chết cả mười. Nó đem gà vặt lông, luộc rồi giấu ngoài bụi mua, lúc đi chăn trâu mới đem ra xé chấm muối ớt. Nó khoe đã phanh hết ruột gan con gà mà chẳng thấy hòn dái đâu. Nó chọt sờ dái nó, rồi bảo: Tao cũng bé nhưng hai hột dái vẫn có rõ ràng, có lẽ gà lúc bé lưỡng tính mày ạ. Nhiều hôm người trong xóm lao xao bảo hình như ven rừng có cầy móc cua về bắt gà con vì nhiều nhà mất quá. Nghe vậy, nó bĩu môi “có mà…cầy hai chân”! Nhiều lần trò chuyện lớn lên làm nghề gì, tôi thấy nó nói ngay “ nghề thợ thiến là tốt nhất, vì làm nghề ấy mưa nắng chẳng tới đầu nhưng bữa cơm nào cũng có thịt có rượu”
Đấy là những năm tuổi trẻ.
Sau đó là thời kì đất nước đi vào chiến tranh. Tôi trở thành người lính ở chiến trường Tây Nguyên. Xuất quân, ở lại đó luôn. Lần này về là do có việc với con cháu ở quê.
Xuống xe thị trấn, tôi ghé vào một hàng nước. Bất ngờ lại gặp Bần, cô bạn cùng lớp năm xưa bán quán. Năm tháng dãi dầu đã nhuộm mái tóc bạn tôi sang màu muối tiêu. Hỏi han mới biết thằng Phát lêu bêu ấy bây giờ đã giữ chức Chủ tich huyện, giờ giàu có lắm. Trong kí ức tôi, một thằng Phát đen nhẻm hay nghịch ác lại hiện lên, nhất là cái ước mơ về nghề thợ thiến của nó đóng đinh trong đầu tôi. Tôi ôn lại câu chuyện đó với cô ban, thì bất chợt thấy bạn tôi cười ré lên: “ Úi giời ơi, thằng Phát vẫn làm đúng nghề nó mơ ước đấy chứ cậu! Bi giờ nó thiến cả huyện để làm giàu chứ bõ bèn gì thiến mấy con gà!
Tôi sững cả người, chả lẽ lại là thế thật?.
( bài này đã in báo Lao Động , không nhớ năm in, nhưng lâu rồi)
1 comment for “Nghề thợ thiến”