Bài đã đăng trên Heritage (2011). Bản scan báo cùng tranh in (Anh-Viet) xin xem TẠI ĐÂY.
Intro: Đã mấy chục năm về Hà Nội, năm nào tôi cũng đón mùa thu bằng cách chờ trái trám đen. Với tôi trám đen không chỉ là món ăn ưa thích mà còn là hương vị thu của núi rừng.
Cách đây mấy hôm, buổi sáng ra chợ thấy có trám đen. Vài quả trám đầu mùa loi thoi trên góc sạp rau quả. Có trám đen nghĩa là mùa thu đã tới. Mấy hôm nay trời oi nồng bức bối. Thì ra năm nay, trám chín trước cả ngày lập thu.
Hoàng Cầm xưa viết :
“Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng..”
Nhưng đó là kỉ niệm của ông về nắng thu vàng. Còn với tôi thì mùa thu là trái trám đen, hương thu náu sau mùi trám ngầy ngậy và vương chút vị chát tình đời. Trái trám đen là kỷ niệm gợi nhớ mùa thu nhất. Bởi nó chính là món ăn của quê nghèo trung du khi xưa. Cứ đến tầm trời nắng dịu, đêm về se lạnh là trám lại đầy chợ quê. Mẹ tôi ỏm trám vào liễn to (ngâm trám vào nước muối nóng già cho trám chín), vài cân một lần để ăn dần cả tuần. Mỗi lần đến bữa cơm, ngồi bửa trám bỏ hạt, được đầy một bát yêu tàu là mắt đã tím ngắt một màu sim chín. Có lẽ chỉ vùng quê tôi trong ngày xá tội vọng nhân, bên cạnh các món khoai, cháo, bỏng còn có thêm cả trái trám đen.
Năm nay đón thu, tôi theo chân bà bán rong chọn hẳn một trăm trái trám thoi là loại dày cùi, hạt nhỏ, ỏm để đủ nửa ngày, khi bửa quả trám, màu tím than ngoài vỏ đã nhuộm son phần thịt, thế là đã vừa muối, và trám cho đủ vị ngon. Người không biết dễ chọn trám bầu, quả gần tròn nhưng thịt mỏng, hạt to, vị chua. Trám đen là món quà tặng sang trọng của rừng nhưng không phải ai cũng biết cách chế biến để thành món ngon. Không biết ỏm trám đúng cách thì quả trám cứng khô, cắn vào chát sít. Nhưng nếu biết làm thì trám cho vị béo thơm bùi ngậy. Sao nó giống tính con người, dù chỉ là loại quả rừng mọc hoang giữa các miền đồi trung du lẫn trong các loài cây khác, nhưng cũng khí khái lắm.
Dù bây giờ người trung du trở lại với cây trám thì rừng cũng đã nhỏ đi trên mảnh đất mới chia. Cây trám chẳng dễ buông cành tỏa bóng sang phần đất không thuộc chủ nó. Cây Trám vốn quen sống tự do xoài bóng theo triền đồi, nhưng không được tự do xòa tán lá thì khó có mùa trĩu quả. Một bạn bảo tôi, kể cũng văn học nhỉ, cây trám lại giống nhà thơ nhà văn, trám cũng nghệ sĩ gớm. Tôi bảo thực ra cây cũng chẳng thể ví với người. Nhưng thiết nghĩ con người cũng nên nhìn theo cây mà sống cũng tốt chứ sao?.
Cũng không hiểu sao, đã nhiều thu nay lá vàng không chịu rụng đúng như mùa thu trong thơ Thế Lữ, để cho “Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô”. Những cây phách cổ thụ cũng không còn nữa để đổ lá vàng, khi tiếng ve tàn tiệc như trong thơ Tố Hữu “Ve kêu rừng phách đổ vàng”. Phải chăng trái đất đổi mùa, hay bởi các thi hào lẫy lừng một thuở khuất núi thì cây cối chẳng còn biết sợ ai, trở nên ngang ngạnh tự lo lấy mùa cho mình.
Tôi bâng khuâng giữa khuôn chợ ồn ào. Với người Hà Nội, cảm nhận mùa thu có lẽ là hương cốm, với tôi hương vị mùa thu chỉ trở về đầy đủ khi trong mâm có bát trám đen. Giờ đây trên tay tôi đang đỡ mùa thu, đó là những trái trám đen đầu mùa, một mùa thu trông thấy được, sờ tay vào được.
Xem thêm:
Chuyện Yết Kiêu (1): Tháp ngà và chuồng gà