Có một Tặng cô giáo Tạ Thu Huyền
Lên Sapa lần đầu mắt tôi đùa chạy với sương mai, những chùm mây nhỏ lùa vào từng chùm lá sa mu loăn xoăn vui như bàn tay trẻ thơ nghịch ngợm đang lùa vào mái tóc xanh của người mẹ. Tôi gặp cô giáo trong lần ngẫu du ấy, và khi trò chuyện mới biết cô giáo vùng cao cũng lại yêu thơ và còn làm thơ nữa. Cô bảo tôi “Em sẽ in tập thơ có tên Mùa lau chín, mà em chỉ viết về những gì xung quanh thôi. Em thích cỏ cây hoa lá”. Rồi cô cười nhẹ nhàng “cuộc sống vùng cao chúng em chỉ có thế thôi mà”
Cô chưa kịp đưa cho tôi xem tập bản thảo trong lần gặp gỡ ấy thì đã chia tay. Trên đường về Hà Nội tôi cứ bị vướng bấn trong đầu mãi với tựa đề tập thơ. Sao lại là Mùa lau chín. Mùa lau chín chính là khoảnh khắc bung ra vẻ đẹp rạng rỡ tinh khiết nhất của loài hoa lau nhưng cũng là lúc báo hiệu sự lụi tàn. Tôi nhớ lại lần lên Tây Bắc năm xưa khi qua đất Hòa Bình vào độ cuối thu đã gặp cả một miền lau trắng như mơ. Đẹp lạ kỳ, nhưng chỉ là vẻ đẹp phơi trước thiên nhiên, không ai lại đem hoa lau cắm ở trong nhà cả. Tôi đã ghi vội cảm xúc bằng mấy câu thơ “…những bông lau/ quét lên trời xanh/ vương vào làn mây trắng…” tưởng là đắc ý nhưng sau nghĩ lại mới thấy cũng chẳng ra làm sao.
Tôi đã tự cho rằng mình hiểu lắm những cây lau và thân phận của lau. Lau là loại cây được trời phú cho sức sống mạnh mẽ nhất, thách thức sự đày đọa của mọi loại thời tiết, không sợ khô hạn hay úng lụt và khao khát sống ngay trên những mảnh đất khô cằn nhất. Sức chịu đựng của lau là vô biên. Là thế, nhưng lau lại cô đơn nhất trên đời bởi lau chẳng dùng được vào việc gì nên có nó hay không chẳng mấy ai cần biết.
Giống như muôn loài trên cõi đời này, lau cũng muốn mình hữu dụng, được yêu. Nhưng đời không ai nhìn đến, lau thành cô đơn kể cả khi ở tuổi xuân thì, lúc đơm đòng trổ hoa. Cô đơn làm hoa lau không sắc hương. Nhưng khát vọng yêu vẫn da diết, vẫn đau đáu nỗi niềm để đến khi hoa bạc trắng mà vẫn không được báo đáp. Nhưng chính lúc ấy là lúc hoa lau đẹp nhất: Hoa lau chín! Tôi cứ bâng khuâng phải chăng cô giáo làm thơ đã đọc điều đó từ những bông lau. Tôi cứ định hỏi cô giáo nhưng chưa có dịp. Nhưng nếu là thế thôi thì lau cũng được chia xẻ phần nào trước khi về cõi hư vô, cũng được an ủi đôi phần vì ít ra ở đời lau cũng có một người làm thơ là bạn tri âm. Tôi nặng nghĩ về sự mòn mỏi của lau trong cô đơn có lẽ là trên tất cả mọi nỗi khổ đau.
Sa Pa trong tôi mờ đi sau ám ảnh của mùa lau chín.
…Không lâu sau, tôi đã trở lại Sa Pa trong kế hoạch đem sách cho rẻo cao và cũng đem theo lên nỗi băn khoăn lần trước.
Tôi đưa bài viết này cho cô giáo nhà thơ. Cô đọc chậm rãi trong suy tư rồi nhẹ nhàng “Phụ nữ Tày- Thái chúng em nghĩ về lau không hẳn nặng nề như anh đâu. Năm nào, bọn em cũng chờ cuối thu, vào mùa lau chín là rủ nhau đi cắt những bông lau về để làm đệm gối chuẩn bị cho mùa cưới, chờ ngày cất chân về nhà chồng. Ai chưa đến lượt thì giúp nhau. Cũng bồi hồi lắm”. Nói đến đây vẻ mặt cô trở nên trầm lắng bùi ngùi: “Tuy đời lau cô đơn đến bạc trắng mái đầu nhưng khi thành đệm ấm, gối êm lau cũng giúp cho nhiều lứa đôi thêm hạnh phúc. Thế cũng được anh ạ. Xem ra lau cũng gần với thân phận phụ nữ chúng em thôi mà, có đúng thế không?” Nói đến đây cô đột ngột dừng, chớp chớp đôi mắt đen thăm thẳm, nhìn lên mỏm Phanxipăng, nơi ấy sương chiều đã thẫm tím hòa dần theo màu núi.
Một mùa thu mới đã đến.
01. 2005