Doduc
1 – Vâng, cứ đến tiết se lạnh này là bọn trẻ ít ra khỏi nhà.
Nhưng là trẻ con, không thể không chơi. Chơi là công việc của trẻ con. Cấm chúng chơi là cấm chúng làm việc.
Chơi ở đâu? Chơi ở sân nhà.
2 – Sân đất nện, sáng nào cũng phải quét, cho dù chiều hôm trước đã quét tinh tươm.
Măt sân sớm hôm sau đã đầy mùn như rắc cát. Kẻ bôi bẩn đó chính là một loài sâu đất, có tên là cồng cộng. Có nơi gọi là con cồng cồng thì cũng thế.
Sau khi là nhẵn bằng những nhát chổi xể thì thấy mặt sân rất nhiều lỗ nhỏ. Bọn trẻ con chúng tôi tinh mắt lắm.
Đó là những hang cồng cộng.
3 – Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu sao trời lại sinh ra cái giống sâu bọ lạ kì như thế.Nó có mấy thứ khiêm tốn mà người đời không ai theo nổi, đó là nhà chật nhất, vừa gói gọn thân nó. Ăn ít nhất, di chuyển xa nhất cũng chỉ là nhảy lên đớp những con bọ mạt bé tí hin ngơ ngáo lượn qua trước mặt nó mà không nhao ra khỏi nhà gây tắc nghẽn. Suốt đời cồng cộng chỉ nằm một chỗ, đầu ngọ nguậy quan sát con mồi, lo ăn đến bạc mái đầu. Bầy đàn nó cày rỗ mặt sân mà không ai biết chúng giao tình lúc nào, sinh nở lúc nào. Trông thế giới của chúng thì thấy như hàng trăm căn hộ tập thể không theo hàng lối. Cửa hang nhỏ như đầu cuốn chiếu. Cộng đồng này thân xác bằng nhau, chả thấy ai thăm nom ai, nhà nào biết việc nhà nấy. Cuộc sống chúng thật bình yên, không tiếng động, không giàu nghèo, không tranh chấp và cũng chẳng ai bao cấp . Vì thế khi ví bọn tham nhũng giống như sâu bọ bẩn thỉu thì vô tình đã xúc phạm loài cồng cộng này! Theo tôi biết, đó là loài sâu hiền lành nhất kỉ cương nhất trong các loài sâu. Sâu đất!
4 – Trong cái se lạnh hanh hao của ngày đông, bọn trẻ chơi trò câu cạn. Chúng ra bụi tre rút lấy cái búp măng rồi cong người bò nhoài trên mặt dân đất, căng mắt tìm lỗ sâu. Sâu đất im re trong hang, ngửa mặt lên trời bỗng nhiên thấy có cái gì xoe xoe trên đầu, giáp mặt chúng…Thế là nó lấy đà co người như lò xo phóng lên đớp. Chỉ đợi có thế, đứa trẻ giật phắt, chú sâu bị lôi tuột khỏi hang. Nó vội nhả nhanh cái tưởng là miếng ăn vừa đớp được thì đã nằm tênh hênh trên mặt sân giãy giụa bất lực. Khi đó đám trẻ lại dò tìm lỗ khác, miệng lại lẩm bẩm câu lừa phỉnh: “Cồng cộng lên ăn mạ, không quạ ăn hết” và lôi tiếp con sâu dại khờ khác khỏi hang .
Tôi là một trong những đứa trẻ đó. Nghịch ngợm vô lối mà không hề thấy mình đã xử quá ác với loài sâu hiền lành này.
5 – Nhưng từ ngày người ta đầm sân bằng vữa bata (vôi cát) rồi tiến tới sân lát gạch và cả sân xi măng thì cồng cộng biến hẳn như có phép thần.
Không còn mặt đất ẩm làm hang thì cồng cộng còn biết sống ở đâu?
Bị đoạt mất môi trường sống thì con gì cũng chết, kể cả con người chứ đâu riêng chỉ loài sâu đất?
Giờ thì trẻ con chẳng thể biêt trên đời có con cồng cộng.
Chỉ khi hanh heo se se rét tôi lại nhớ mảnh sân đất sét thuở nhỏ với trò chơi câu cồng cộng. Mảnh sân tuổi thơ ấy trên quê giờ cũng không còn nữa!
Con gười đi lên với nhiều cái hay, nhưng cũng bỏ phí mất bao điều tốt đẹp. Đó là môi trường, phần chính của cuộc sống.28/11/2012