doduc
Cả đời công tác đi đủ nơi mà chưa một lần đến được Trùng Khánh vì nó quá khuất nẻo. Muốn lên tới đó, phải từ thi xã vượt đèo Mã Phục vào Quảng Uyên rồi dông qua đèo Khau Liêu mới tới. Từ đó lmuốn thăm Bản Giốc còn hai mươi cây số nữa. Cách đây mười năm tôi mới tới được Quảng Uyên vào ngày vằn đắp(**) xem hội Lồng tồng và lễ hạ điền (mà người dân ở đây còn gọi là hội cướp đầu pháo) rồi quay về, lái xe kêu đường xấu, ngại!
Tôi kì vọng đến được Trùng Khánh lấy một lần để xem cái kiến trúc phố cổ giàu có chất Tàu đó như thế nào. Liệu nó có giống như đám nhà ống tường đá ở vùng Hà Cối, Quảng Ninh không. Chính là do bức tranh Phố Thầu Cao Bằng của ông Phái nó ám ảnh. Cả cái Phố Thầu ở thị xã ấy mình cũng chưa một lần được dòm tận nơi, vì lần đầu tiên lên Cao Bằng là vào năm bảy chín thì các phố cũ đã bị Trung Quốc phá đến nát vụn, phố Thầu cũng nát vụn. Phố nguyên vẹn chỉ còn lại trong tranh ông Phái.
Vậy mà Phố Trùng Khánh tôi đến vào tháng Bảy năm nay cũng là muộn nốt. Tính đến nay, chúng ta làm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã vài mươi năm. Món kinh tế thị trường nó có hàm răng chắc khỏe như răng sói, nhai ngoạm đất cát và phố xá mê mải vừa nhanh vừa nhiều. Thế là Phố Trùng Khánh dù Tàu nó không phá thì kinh tế thị trường nó cũng thôn tính mất một phần.
Cái phố vùng biên xinh xắn trong trí tưởng tượng của tôi hầu như đã biến mất như nó chưa từng có trên đời. Bây giờ đứng đây lại có cảm giác đứng giữa một phố huyện mới được lập. Duy nhất một con lộ đơn độc chạy dọc, to bành bành ngoài mức cần thiết với một thị trấn vài trăm hộ dân. Nó cũng đang được làm dang dở, trông ngơ ngác tồi tội. May mà chỉ có bốn bên rừng xanh thấy điều đó. Nếu không chính nó cũng phải tự ngượng vì sự xồ xề quá cỡ của cái phố tận biên chẳng mấy người qua lại, trừ mấy bà buôn chuyến hàng bánh kẹo hoa quả mang vào từ thị xã Cao Bằng vào.
Tôi sà xuống một cửa hàng tạp hóa mua bao thuốc và làm cuộc phỏng vấn chớp nhoáng. Phố xá quyềnh quàng thế mà tiếng thở dài nhiều hơn niềm vui : bác trông thế thôi chứ toàn cảnh nghèo cả, giàu có cũng chỉ vài mống xây nhà thôi, mà tiền họ đem ở đâu về ý, chứ buôn bán gì ở đây.
Tôi hỏi thăm Kiều, cô gái đã một thời cùng ở chung một khu tập thể dưới Thái Nguyên từ cuối thập kỉ bẩy mươi thế kỉ trước. Cô là một diễn viên múa rất xinh đẹp của đoàn văn công Việt Bắc, đã bỏ đoàn về quê vì vụ nạn kiều năm bảy tám. Kiều về quê Trùng Khánh mới được ít hôm thì thằng Quang tompét cũng biến khỏi đoàn. Quang yêu con Kiều hơn cả cây kèn và vị trí nhạc công cùng cái biên chế có sổ gạo và tem phiếu bảo đảm cuộc sống của nó. Dính vào người Hoa lúc ấy có khác gì đưa thân vào tầm ngắm làm cái bia sống. Vậy mà nó ngó lơ không sợ. Nó tận tình làm cái cỏ may bám theo gấu váy Kiều về Trùng Khánh đi buôn vặt ở chợ để đêm đêm ôm ấp người đẹp. Thế mà lại hóa hay. Ai cũng bảo nó ngu, kể cả chú nó. Nhưng câu chuyện này thì giống như Tây Thi cuốn theo Phạm Lãi cuốn xéo khỏi nước Ngô để vào đất Đào sống với tình yêu. Thằng Quang quá say con Kiều thì bỏ theo thôi chứ nó đâu biết chuyện Tây Thi- Phạm Lãi. Tình yêu đã biến nó thành anh hùng gặp mỹ nhân. Cũng đáng cho mặt một thằng con giai thuở ấy. Ở đời mấy ai đã có duyên sóng sánh cùng người đẹp cả đời như nó bao giờ!
Nhưng rồi lại cũng không gặp chúng nó. Một thông tin ngắn tũn cho biết chúng đang ở Đà Lạt. Cuộc đời tưởng phiêu dạt, nhưng lúc nào chúng cũng tuột vào chĩnh gạo. Mừng cho chúng nó mê man đi theo tình yêu mà có hậu, chứ nếu còn theo biên chế gạo sổ cơm tem thì chắc đâu đã được thế.
Lên Trùng Khánh lần này mọi chuyện chẳng được như ý. Vào Thác Bản Giốc thì đã bị mất một nửa! nhưng cũng chẳng sao. Cuộc sống nó sắp xếp con người chứ con người sao sắp xếp được cuộc sống. Mà cũng có đi như thế mới hết thắc mắc về một thị trấn cổ nhà ống xây bằng đá tảng huyền thoại. Bây giờ kinh tế thị trường nó có lối đi riêng của nó. Ví dụ khi luật pháp không nghiêm thì học tập chỉnh huấn giời cũng chẳng bao giờ dẹp được tham nhũng. Còn kinh tế thị trường thì nó lại tự biết làm cho phố xá đâu ra đấy cả rồi. Ở đây không phải bản sắc văn hóa mà bản sắc đồng tiền nó định hướng cái món này nhanh lắm. 21/9/2008
(*) Thuộc tỉnh Cao Bằng
(**) Vằn đắp: ngày đầu tháng Hai âm lịch, người Tày ăn tết lại.
( bài đã in báo Thể thao Văn Hóa 2008)
1 comment for “Lên Trùng Khánh, nhớ Kiều”