Họa sĩ cho biết: “Khá nhiều người thắc mắc với tôi, tại sao bức “Thiên lý độc hành” này lại vẽ ngựa mà không có đường. Có lẽ phải nghĩ sâu một chút, con ngựa trên lưng thồ rất nặng, nhưng dưới chân không có đường bởi nó cũng là cuộc đời của mỗi chúng ta. Có những điều tự mình phải mang vác lấy trong suốt hành trình làm người, không một ai san sẻ được. Có người xem bức “Bình minh lên” lại hỏi tôi, sao lại vẽ người đàn bà người Mông bế con trông xộc xệch thế, bàn chân, bàn tay thô kệch thế. Tôi trả lời bởi vì người phụ nữ Mông làm gì có tuổi thanh xuân, 16 tuổi họ đã lấy chồng, sinh con đẻ cái, đến khi ngoài 30 tuổi họ đã bước vào tuổi già rồi. Tôi vẽ người đàn bà đứng bế con, chút nắng sớm chắt chiu lóe trên 1 nửa khuôn mặt của người mẹ và đứa con nhỏ, phần còn lại vẫn chìm khuất trong bóng tối, như tương lai của họ, vô định và khó lường”.
Miền núi phía Bắc là vùng đất thơ mộng nhưng cũng đầy khốc liệt, vùng đất này trở đi trở lại trong tranh của họa sĩ Đỗ Đức, nhiều nhưng không nhàm chán, trùng lặp bởi tranh ông đem đến cho người xem cảm giác về những câu chuyện đằng sau bức tranh với rất nhiều hướng mở. Salon của họa sĩ còn có một phòng riêng trưng bày theo lối sắp đặt các bức tranh mini trên chất liệu dó tạo những hiệu ứng rất thích thú về mặt thị giác. Bút pháp tinh xảo, kỹ càng, tinh tế, các bức tranh giấy dó mini của họa sĩ Đỗ Đức thực sự là những tác phẩm giá trị cả về nghệ thuật và kỹ thuật vẽ. Thật kinh ngạc khi trên diện tích khổ tranh chỉ bằng bao thuốc lá, thậm chí bao diêm, nhưng họa sĩ chuyển tải được cả một thế giới cảnh quan thiên nhiên và con người trong một bố cục hài hòa về màu sắc, đường nét.
Salon Art của họa sĩ Đỗ Đức sẽ thay đổi chủ đề 3 tháng/ lần, họa sĩ hứa hẹn: “Tôi sẽ gắng hết sức để biến chỗ này thành một điểm hẹn cho những người yêu nghệ thuật hội họa”.
Xem thêm:
Mang “Cao nguyên đá” về Hà Nội
Tự bạch của hoạ sĩ Đỗ Đức về Cao Nguyên Đá
Vạn lý độc hành: ngựa trong tranh Đỗ Đức
Sức sống của Cao Nguyên Đá trong tranh của Đỗ Đức
Xem toàn bộ tranh Cao Nguyên Đá Gallery