Doduc
Tôi biết đến thơ Trần Đăng Khoa vào năm 1966 qua sự giới thiệu của thày dạy vẽ.
Bài thơ đầu tiên của Khoa mà ông đọc cho tôi nghe là “Đám ma bác giun”. Lúc ấy tôi còn trẻ, cũng là mọt sách, nên nghe hào hứng lắm. Nghe thày đọc biết là hay nhưng chỉ thấy ngộ nghĩnh vì chưa thấy ai tả về con sâu cái kiến kiếm ăn như người thế bao giờ. Nhưng hôm nay, sau hơn bốn chục năm đọc lại bài thơ ấy thì không thấy ngộ nghĩnh nữa mà tôi gặp một cảm xúc hoàn toàn khác.
Cảm xúc khác ấy không phải sợ đám ma. Bài thơ đọc nghe tưng tửng nhưng hôm nay thấy giống một lời cảnh báo, và hơn thế, lời tố cáo .
Hôm qua bác giun chết ở góc vườn, đàn kiến khiêng đi chia nhau thân xác bác … Lời thơ ngộ nghĩnh qua đôi mắt trẻ thơ
Xin phép anh Khoa (hôm nay Khoa đã là nhà thơ có tầm có tuổi) cho tôi trích lại cả bài thơ:
“Bác giun đào đất suốt ngày
Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà
Họ hàng nhà kiến kéo ra
Kiến con đi trước, kiến già theo sau
Cầm hương kiến đất bạc đầu
Khóc than kiến cánh khóac màu áo tang
Kiến lửa đốt đuốc đỏ làng
Kiến kim chống gậy, kiến càng nặng vai
Đám ma đưa đến là dài
Qua những vườn chuối, vườn khoai, vườn cà
Kiến đen uống rượu la đà
Bao nhiêu kiến gió bay ra chia phần…”
…
Thưở bé tôi là tay câu cá giỏi và ngày nào cũng cuốc đất nhặt giun làm mồi đi câu, nên cũng từng thấy kiến khiêng những mẩu giun còn sống tôi làm rơi ra ngoài, Nó bất lực giãy giụa trước những con kiến nhỏ xíu nhưng hăm hở tấn công. Khổ, con giun khi rời khỏi lòng đất thì nó yếu đuối vô cùng, vì chẳng còn chỗ tì dựa nào nữa
Lần đầu đọc “Đám ma bác giun” tôi mỉm cười thán phục tài quan sát và cách mô tả của Khoa.
Bốn mươi sáu năm sau đọc lại bài thơ nhận ra những gì Khoa đã viết, thấy giống như một lời tiên tri. Những bác giun đây đó giống như những nông dân trong những dự án bị lấy đất đầy khuất tất. Việc giải tỏa nào có khác gì đám ma bác giun đâu!
Lần này đọc lại thơ anh, tôi lặng người. 31/7/2012
( bài đã in trên TTVH)