Chuyện núi chuyện rừng

Bao nhiêu năm nay ta đưa khẩu hiệu: đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. Vậy đã đưa bằng cách nào và đã làm được gì từ khẩu hiệu đó?

 

Đưa dân đi khai hoang phá rừng lập nên những làng miền xuôi trên núi. Rừng bị bóp chết dần bằng khai thác dã man. Còn văn hóa người miền rừng thì phôi pha vì sự xáo trộn đó. Hôm nay một số làng khai hoang lại trở về bãi đất  hoang, người khai hoang lại lần lượt về quê cũ

Hôm qua ngồi nó chuyện với một chị người Thái đen, Chị bảo: anh ơi, người miền núi chúng em không ai đi ăn xin, không trộm cắp  bao giờ. Đó là việc xấu hổ. Dân chúng em thiếu đói hơn miền xuôi, nhưng đói thì lên rừng tìm cái ăn. Người Thái chúng em nhìn rừng là nhà mình, là cái kho thực phẩm, là cây thuốc quí, là nguyên vật liệu cho đời sống hàng ngày, thiếu gì thì lên đấy…Còn người xuôi nhìn rừng chỉ thấy gỗ bán được giá nên rừng bị phá nhanh thế. Nhưng nghe đâu đó nói cứ như người miền núi phá rừng, người miền núi không biết giữ rừng, thấy rất chán.

Vậy đó, vì đất rừng không phải là của  người xuôi, lên rừng như đi kiếm ăn, ở nhờ,  nên chỉ nghĩ đến khai thác, không thể giữ rừng như người núi. Người núi thì rừng là gốc là  nơi sinh ra, rừng là nhà của người ta nên họ mới quí, mới giữ.

Em lấy chồng người Kinh. Đám cưới  em mặc đồ Thái đen. Ảnh cưới chụp hai vợ chồng đẹp lắm. Vậy mà khi về xuôi bố mẹ chồng em cất ảnh đó đi, chỉ vì con dâu mặc áo váy Thái. Ông bà là nhà giáo cả đấy, từ Thái Bình lên khai hoang, cả đời dạy học trên đó, chồng em cũng sinh trên đó. Bây giờ nghỉ hưu thì ông bà  lại kéo nhau về xuôi ở. Ông bà ngại mọi người biết cô dâu là người dân tộc. Vậy thì nền giáo dục được hưởng gì từ những người lên làm giáo dục mà tâm lý vẫn là nhìn dân tộc theo lối áp đặt của kẻ bề trên, rằng miền núi là lạc hậu. Có phải đó là thái độ coi thường của dân tộc lớn không? gần bốn mươi năm thống nhất, nhận thức về văn hóa  vẫn lối nhìn khai hóa đó sao?

Anh xem dân tộc em lạc hậu lắm không? có dân tộc nào mà khách đến nhà thì có chăn đệm và chỗ nghỉ riêng cho khách không?

Năm vừa rồi vợ chồng ông chú em ở Pháp về trên quê Hát Lót  Sơn La hỏi thêm mấy thứ về nếp sống của nguồn gốc tổ tiên để bổ sung vào những cái còn thiếu, có dịp dự mấy đám cưới và những việc lễ nghĩa của họ mình, chú ấy lắc đầu: giờ ở quê nhiều cái sơ sài quá, không bằng nhóm ngưới Thái ở bên Pháp. Chú ấy vẫn nói tiếng Kinh tiếng Thái như nhau, chú bảo về nhà vợ chồng con cái đều nói tiếng Thái cả. Chỉ ra ngoài mới dùng tiếng Pháp.

Nghe chị ấy nói tôi bỗng chạnh lòng nhớ lại năm trước đến Bordeaux thăm một nhà thuần Việt, bố mẹ người Hà Nội, phố cổ, vậy  mà 5 dứa con không đứa nào biết tiếng Việt. Tôi hỏi chuyện các cháu phải qua bố mẹ chúng thông ngôn.

Tôi cũng lại nhớ vợ chồng bác Đinh Chanh- Lò thị Vạt, người Thái ở thị xã Sơn La , mấy năm trước đi miền nam cả tháng. Hỏi ra , thì bác cho biết có nhóm người Thái mời ông bà vào trong đó dạy xòe, dạy những lời hát dân ca. Giữ gìn văn hóa người dân tự làm, vì họ ý thức đến  cội nguồn, chắc không phải vì lời kêu gọi giữ gìn bản sắc chung chung.

Đến đây thì chúng ta hiểu rằng miền núi đã được gì sau câu khẩu hiệu “ Đưa miền núi tiến kịp miền xuôi ” khá tận tình kia theo cách nhìn khai hóa. Đừng mang một cái thước đo của riêng ai nhằm khai hóa văn hóa một dân tộc khác, mà  hòng thành công! Hãy biết tôn trọng văn hóa của mỗi tộc người.  Nếu không thế thì sẽ không bao giờ  nói đến chuyện thành công trong phát tiển giữ gìn văn hóa. Nếu có thì chỉ là những lời nói dối trên báo cáo mà thôi.

 

Hoạ sĩ Đỗ Đức 8/2014

 

Xem thêm:

Cảnh đời (một khi họa sĩ viết thì sẽ có tranh minh họa thế này đây…)

Luận về nước (chan chứa và sâu sắc!)

Món thất tinh (một bài viết rất duyên!)

Bún cua 

Chuyện của mình. 

Họa sĩ Mộng Bích: cây đại thụ lặng lẽ vẽ tranh Lụa

  1 comment for “Chuyện núi chuyện rừng

Comments are closed.