Chuyện vụn ban mai

Buổi sáng sớm

Tôi đạp xe quanh Hồ Tây để hưởng hơi mát mặt hồ và hương sen ban mai.

Trời bỗng đổ mưa nặng hạt,

Đành phải dừng xe, lui vào trú nhờ dưới ô của ông lão ngồi viết sớ.

Quanh tôi, một nhóm người đạp xe sớm cũng vội vã vào cùng tránh cơn mưa bất chợt.

Trú dưới ô, và câu chuyện bắt đầu. Một bác tự kể: tối qua bị lên cơn tăng xông, may mà kịp vã thuốc. Tuổi bảy nhăm không thể coi thường sức khỏe được.

Ông kể vừa qua khu căn hộ có một không hai trên đất Hà Thành, cái tên tây không dễ nhớ.

Này nhé, nhà không cần khóa thông thường nữa. Nếu có bảy người thì bảy vân tay làm thìa. Trộm cướp có mà giời dám. An toàn tuyệt đối (nhưng ông lại quên rằng nếu có tên cướp dí dao vào cổ, kéo tay ông áp vào mã khóa thì còn an toàn nũa không).

Ông kể nhiều đại gia Sài gòn cũng nhao ra mua, vì Sài gòn chưa có chung cư nào lẫm liệt như thế. Cả những ca sĩ thượng thặng tiền tỉ cũng tìm đến. Không phải giá rẻ thì bán nhanh, mà giờ người ta tìm giá đắt.

Bà trung niên cũng dưa góp : Con tôi tháng nữa về. Nó học ở Cu Ba món răng hàm mặt, kĩ thuật nhất thế giới. Vừa làm tiếp xong cái thạc sĩ. Đại học về chỗ đấy (là cái chỗ nhà mã khóa vân tay có đủ thứ dịch vụ tốt nhất) lương khởi điểm hai nhăm triệu một tháng ngon sớt, nữa là nó là thạc sĩ sẽ có mức cao hơn. Đây chả thèm phải xin xỏ chỗ nào. Bây giờ chỗ chó nào chả tiền. Bốn trăm triệu một suất vào đó để làm chó gì. Thi hả, ừ, nó giỏi thì thi đâu chả ngon. Bám vào cái nhà nước này chỉ có mà mất tiền hỏng người! Thế nó đi học bằng tiền nào mà dễ ra riêng thế. Tiền túi tôi chứ trông nhà nước thì có mà móm. Này nhé, nhà nước chỉ có thu vào!

Ông thứ ba bảo: nhà tôi chả cần khóa điện tử điện từ mã vạch mã véo gì ráo, cứ nhà cũ quen thuộc mà xài. Đầu tư vốn vào ba căn nhà đẹp cho thuê. Giờ tháng tháng véo dăm bảy chục triệu từ đó mà gặm. Nhai mẻ răng không hết. Thời gian còn thì tiêu dao du lịch cho khỏe người.

Cả ba bỗng im thóc khi cô thứ tư từ lâu đứng lặng chưa lên tiếng: Sức khỏe, sức khỏe các bác ợ. Em huyết áp từ năm ba mươi tuổi. Giờ năm xịch rồi vẫn oách . Phải biết tự chữa. Đây nhá, vuốt hai vành tai khi bị tăng xông, ấn hai huyệt chỗ ngón chân phải cách kẽ ngón đung một đốt tay. Huyết áp thấp thì bấm huyệt dũng tuyền. Miẹng nói, tay cô trút giày tháo tất, ngửa bàn chân cho các đại gia nhiều tiền ngắm chỗ huyệt sinh tử.

Thế hay là tập Yoga nhỉ. Có ba trăm một tháng mà đầy các trung tâm. Nhưng phải tìm các trung tâm xịn cơ. Có mấy chỗ vào toàn mùi xăng dầu cứt chuột gián chết kinh bỏ mẹ. Lại còn xung quanh ầm ĩ thì còn luyện lọt gì!

Thấy có ba tiếng thở dài.

Một giọng nữa bâng quơ: chả lo gì hơn lo sức khỏe ạ. Có xiền có nhà cao cửa rộng mà dặt dẹo thì cũng chán phẹt.  Lúc ấy tiền là cái đếch nhá. Lại còn chuyện này nữa, nhìn bầu Kiên kia kìa, biệt thự, vợ trẻ đẹp, tiền tấn, giờ gậm nhấm ba mươi năm tù là tan đời.

Ông lão viết sớ nãy giờ ngồi vuốt chùm râu bạc, cười tủm tỉm. Phe phẩy cái quạt giấy, ông nhẹ nhàng cất giọng: Rằm mồng một, các bác qua lấy sớ tấu thiên đình giải hạn cũng là đắc sách đấy. Mấy cặp mắt đổ sang ông vẻ kính cẩn, có nghiệm không hả cụ. Không nghiệm thì sao tôi ngồi đây. Chuyện tâm linh là cái nền móng bền vững đấy các ông bà. Không thể coi thường được.

Đến đây thì cơn mưa tạnh. Mọi người nhúc nhắc dắt xe lao ra đường, không quên cảm ơn cụ cho trú nhờ, lại còn mang ghế miễn phí ra mời. Riêng cái đoạn làm sớ ngày tuần tiết thì chưa kịp bàn đến. chuyện vụn buổi sáng mà vui quá.

 

Đỗ Đức, 11/7/2014

 

Cõi tình  Khau Vai

Đầu năm trò chuyện với nhà văn Tô Hoài (2008)

“Kin so bấu đo”