Bài gốc đăng trên báo Thể Thao Văn Hoá, xin cám ơn phóng viên Phạm Mỹ.
Buổi khai mạc triển lãm Cao nguyên đá của họa sỹ Đỗ Đức ngày 1/11 tại tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, số 16 Ngô Quyền, Hà Nội thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng Thủ đô. Có nhiều bạn trẻ tới chiêm ngưỡng “thiên đường phượt”- cao nguyên đá Đồng Văn – dưới lăng kính hội họa.
Giữa thành phố ồn ào, gấp gáp, những người thèm khung cảnh rộng dài cùng nhịp sống đủng đỉnh sau những phiến đá tai mèo đã được thỏa cơn khát khi đến với triển lãm này .
“Phượt” núi đá giữa Thủ đô
Du lịch bụi, hay còn gọi là phượt là một trào lưu của giới trẻ hiện nay. Phượt để trải nghiệm, phượt để khám phá, phượt để giăng mắc ngược xuôi những tình cảm với quê hương, xứ sở. Nhưng giữa cuộc sống bộn bề lo toan, không phải lúc nào cũng có thể “phượt”.
Và dù không cố tình, song triển lãm của Đỗ Đức đã tạo đúng chất “phượt” đó. Ông họa sỹ gần thất thập cất công lặn lội, “bê” cả cao nguyên đá về bày giữa lòng Hà Nội để các bạn trẻ được ngắm, chìm đắm và chiêm nghiệm. Núi lặng câm, núi kể nhiều điều. Đá sắc lạnh cất lên men rượu gắt. Những bức tranh xám quạch đá tai mèo, thi thoảng điểm xuyết những gam màu sặc sỡ của váy áo đồng bào Mông ở Đồng Văn khiến những người đã một lần đến Hà Giang lại cảm thấy được “phiêu diêu trong thế giới ảo huyền”.
Những Mèo Vạc, Phó Cáo, Mã Pí Lèng…cứ dặt dìu hiện về trong tâm thức “dân phượt” khi nhìn những màu xám “bàng bạc khắp sơn khê” trong tranh Đỗ Đức. Những gương mặt của chủ nhà khi dân phượt “cắm bản” cũng hiện lên qua những tấm vải lanh đặc trưng của người Mông Trắng.
Họa sỹ Đỗ Đức kể, người Mông Trắng ở Hà Giang là “tiền đồn” chống xâm thực văn hóa. Ở một số vùng khác, vải lanh truyền thống của đồng bào đã được thay bằng vải dệt công nghiệp. Nhưng người phụ nữ Mông Trắng ở Hà Giang không phút nào ngơi tay dệt lanh. Và họ vẫn tự hào cất vang câu hát: “Đói đến chết cũng không ăn thóc giống/ Rách đến mấy khi chết người Mông cũng phải có áo lanh mặc”.
Một câu chuyện gợi cảm hứng cho họa sỹ Đỗ Đức: Khi giáo sư Trần Quốc Vượng lên Hà Giang, thấy hai anh chàng xách chim ra chợ, vừa đi trên đường vừa cãi nhau. Giáo sư hỏi người đi cùng là ông Hoàng Quốc Cứu, Phó trưởng Ty văn hóa Hà Giang lúc bấy giờ về nội dung cuộc cãi vã. Ông Cứu lược dịch: Cậu bên trái chê cậu bên phải: “chim mày xấu”. Cậu kia cự lại: “mắt mày xấu, nhìn gì cũng xấu”. Giáo sư Vượng mới thốt lên: “Triết lý hay quá!” và vội rút sổ ra ghi lại câu chuyện. Nghe câu chuyện, những người ở triển lãm đều cười phá song ai cũng hiểu, đây không chỉ là câu chuyện đùa.
Núi đá Hà Giang sắc lạnh, trùng điệp, băm vằm đường chân trời đã tạo cho người dân nơi đây một cách sống mạnh mẽ, một lối nghĩ thẳng tuột và giản đơn như đá núi. Những câu chuyện và những bức tranh về cao nguyên đá như làm trùng lắng lòng người trẻ thành phố.
Chuyến “phượt” gần 40 năm
Lên Hà Giang lần đầu năm 1973, “phải lòng” ngay với núi đá, họa sỹ Đỗ Đức đã ngược xuôi trên dưới hai chục lần để tìm hồn của đá. Triển lãm Cao nguyên đá của ông khiến công chúng và “dân phượt” say lòng bởi nó như thứ rượu được “cất” từ hơi men ủ gần 40 năm trong những hộc tai mèo.
“Có chuyến đi dài hơn đất trời, mà không thể đến nơi”. Nhưng chuyến đi gần 40 năm của Đỗ Đức có lẽ đã tới được cái đích Chân- Thiện- Mỹ. Triển lãm tranh rặt đá và ngô của ông đã tạo ra những xúc cảm đằm thắm vô ngần với đá núi và con người cao nguyên.
Ông tâm sự: “Bạn bè xem tranh bảo tôi điên. Thời buổi vẽ tranh toàn núi với đá thì ai mua? Tôi vẽ tranh đâu nghĩ tới chuyện thương mại. Triển lãm này tôi định tổ chức từ năm 2010, bày tại phố cổ Đồng Văn. Thời điểm ấy, người ta nô nức đổ về Hà Nội chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, tôi vác tranh lên cao nguyên đá cũng chào mừng Đại lễ để đồng bào coi tranh sơn dầu một lần cho vui. Hơn thế, núi rừng đại ngàn đã khơi nguồn và nuôi dưỡng cảm hứng cho tôi, đồng bào vùng cao đã “dạy” tôi vẽ. Nên tôi muốn mở triển lãm để tri ân đồng bào. Nhưng sau đó có nhiều trục trặc nên mãi tới giờ tôi mới mở được triển lãm ở Hà Nội. Nhưng mục đích của triển lãm vẫn là để cảm tạ những “mảnh đời đá!”
Những “mảnh đời đá” xuất hiện trong tranh Đỗ Đức thể hiện cái nhìn rất khác thông thường. Trong triển lãm Cao nguyên đá, con người và đá luôn song hành đồng hiện. Nhưng người và đá không ở thế đối địch, cạnh tranh nhau mà hài hòa, đồng điệu. Đá dìu bước chân người (bức Dưới chân Hoàng Liên Sơn), “đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian” như như nỗi đau diết da của lòng người (bức Nhớ Khau Vai), đá chở che con người (bức Phố núi)…
“Nhìn cảnh người Mông chắt chiu lượm nhặt từng hạt ngô trong hốc đá lưng trời, tôi cảm thấy khâm phục sức sống mãnh liệt của những con người nơi đây. Và dù núi đá có đẹp đến mấy, nếu không có con người, nó vẫn chỉ là cái đẹp hoang hoải lạnh căm. Nên tôi vẫn thấy, “Công viên địa chất toàn cầu” được thế giới công nhận ở Đồng Văn chưa chắc đã lớn hơn những giá trị văn hóa mà cộng đồng người Mông nơi đây đã xác lập trên những hộc đá này”- họa sỹ Đỗ Đức cho hay.
Phạm Mỹ
Xem thêm:
Tự bạch của hoạ sĩ Đỗ Đức về Cao Nguyên Đá
Vạn lý độc hành: ngựa trong tranh Đỗ Đức
Mang “Cao nguyên đá” về Hà Nội
Bầy tranh sơn dầu tại Cao Nguyên Đá
Sức sống của Cao Nguyên Đá trong tranh của Đỗ Đức
Xem toàn bộ tranh Cao Nguyên Đá Gallery