Bài đã đăng trên Heritage 112. Bản scan báo cùng tranh in (Anh-Viet) xin xem TẠI ĐÂY.
Intro: Những kỷ niệm khó quên của họa sĩ Phan Kế An về thời gian sáng tác trực tiếp tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đã có tất cả 7 họa sĩ và nhà điêu khắc vẽ và nặn tượng Cụ Hồ. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, và nữ điêu khắc Nguyễn Thị Kim đã vẽ Cụ ở Bắc bộ phủ. Khi chính phủ rút lên Việt Bắc làm cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm, thì người đầu tiên vẽ Cụ vào năm 1948 là họa sĩ Phan Kế An, năm 1951 là nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, năm 1953 là họa sĩ Dương Bích Liên. Còn họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ Cụ sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc…
Những người đã vẽ Cụ, bây giờ còn lại họa sĩ Phan Kế An, ông đã bước vào tuổi 90. Với chất giọng hiền hậu, họa sĩ Phan Kế An đã lần lại kí ức về thời gian 3 tuần sống bên Chủ tịch Hồ chí Minh và vẽ Người trong năm 1948. Ông kể, một hôm được Tổng bí thư Trường Chinh gọi sang bảo: Bố trí công việc rồi sang chỗ ông Cụ vẽ chân dung, thời gian thì cho tự sắp xếp vẽ bao lâu thì tùy, vẽ màu hay đen trắng thì tùy, nhưng phải có chân dung Cụ cho số báo tới.
Ngay hôm sau ông Hà Xuân Trường bố trí cho một con ngựa. Thế là ba lô khăn gói một mình một ngựa lên đường lên đường sang chỗ Cụ. Đường ở chiến khu thì đã thuộc, ông lên ngựa đến trạm gác khu ATK (An toàn khu) trình giấy giới thiệu là được vào ngay.
Căn lán đơn sơ của Cụ ở cách hội trường trung tâm vài trăm mét. Khi đến chắc được báo trước nên Cụ Hồ đã đi bộ ra đón. Họa sĩ Phan Kế An bảo: “Ông Cụ bước nhanh đến tôi chìa tay ra bắt bảo: An đấy à… sang đây với mình, rồi ôm vai dẫn về lán Cụ ở. Đó là căn lán sơ sài, có sàn cao hơn mặt đất chừng một mét, bước lên sàn có ba bậc thang. Căn lán hẹp, chỉ đủ rải hai chiếc chiếu đôi. Một góc kê tấm ván làm bàn đặt máy chữ, mấy tập giấy trên giá đơn sơ.…
Họa sĩ Phan kế An nhớ lại, thời ấy mọi người gọi Chủ tịch Hồ chí Minh là Cụ, không ai gọi bác. Tôi gọi Cụ, xưng tôi, còn Cụ thì gọi thẳng tên tôi là An và xưng mình. Mặc dù đã biết hết gia đình tôi nhưng Cụ vẫn hỏi cặn kẽ mọi chuyện nhà chuyện cửa. Chắc Cụ muốn làm cho tôi thêm cảm giác gần gũi gia đình cho dễ làm việc.
Tôi hăm hở vào việc ngay, kí họa Cụ ngồi làm việc. Thường là Cụ cứ làm việc của mình bên máy chữ, có khi ngồi co một chân lên ghế, còn tôi thì tự chọn góc vẽ theo ý mình. Cụ bảo lúc nào thích tắm thì ra suối. Là khách nhưng tôi như người trong nhà. Cũng có nhiều lúc bỏ đi chơi lang thang trong rừng với cây súng cao su.
Bữa cơm tôi ăn cùng Cụ. Có chai rượu thuốc, mỗi bữa Cụ dùng một chén hạt mít. Lần đầu Cụ rót cho, tôi chỉ làm một hớp là hết, cứ thấy tôi hết rượu là Cụ lại rót tiếp. Lúc ấy 25 tuổi, đang sức ăn sức uống, nào có biết gì. Bữa đầu tiên mình xơi hết bốn năm chén, nhưng chỉ thấy Cụ nhâm nhi có một chén thôi. Một lần tôi nhanh tay cầm chai rượu rót tiếp cho Cụ thì Người rất nhanh xòe tay ra úp lên miệng chén rồi bảo: Rượu rất tốt nhưng uống nhiều thì có hại. Tôi biết ý Cụ, từ đấy bữa sau cũng chỉ dùng có một chén.
Sau bữa cơm, Cụ Hồ thường uống bát chè xanh và hút một điếu thuốc. Đó là thuốc lá Canavena, hộp 50 điếu. Người mời thuốc tôi, cầm hộp, rút điếu thuốc lên lưng chừng rồi chìa cho tôi rút lấy. Lần đầu thì tôi hút hết. Nhưng sau thấy chỗ văn phòng mọi người không có thuốc, tôi cất vào túi áo. Hóa ra Cụ để ý việc đó. Một hôm bất ngờ Cụ hỏi: sao An không hút?. Tôi ngập ngừng thì Cụ nói tiếp: thế An đã tích trữ được bao nhiêu điếu rồi. Tôi đành thưa lại Cụ rằng văn phòng anh em không có thuốc hút, tôi trữ để về chia sẻ cho mọi người. Cuối bữa, nghe tôi trình lại là đã trữ được mười ba điếu, Cụ liền rút thêm cho tôi 17 điếu nữa, bảo: Đây, An cầm thêm mang về chia cho anh em. Văn phòng chính phủ lúc ấy có khoảng ba chục người…
Có lần trong lúc nghỉ ngơi, Cụ kể cho tôi nghe về một họa sĩ Pháp vẽ truyện tranh. Hai nhân vật trong truyện đi khắp nơi, thấy hết vẻ đẹp non song đất nước, và kèm theo là những câu chuyện cuộc đời. Rồi Cụ khen những truyện như thế rất hay, dễ hiểu, có tính giáo dục. Rằng người Pháp rất quan tâm đến báo chí. Có lần Cụ lại ngồi giảng Kiều, đọc “Chinh phụ ngâm” cho tôi nghe. Cụ giảng Kiều rất cặn kẽ, rất hấp dẫn.
Họa sĩ Phan Kế An nói với tôi: “Chúng mình cùng nghề, chẳng cần phải mô tả kĩ việc vẽ làm gì. Tuy thời gian vẽ được cho tự định đoạt nhưng rồi cũng chỉ dám lưu bên Cụ có ba tuần vì công việc làm báo ở nhà cũng bận bịu. Chuyến đi ấy tôi vẽ Cụ trên 20 kí họa, cái thì thâm diễn (vẽ nghiên cứu kỹ), cái thì chỉ chăm chú đến nét, cái dùng bút sắt, cái vẽ chì. Cái nhỏ thì bằng cỡ giấy A4 bây giờ, cái thì to gấp ba. Khi tôi nói với Cụ việc vẽ đã xong thì nghe Cụ bảo: An bày tất cả ra để mọi người cùng xem. Tôi làm kẹp nứa treo tất cả lên vách hội trường. Cụ để mọi người xem xong và cùng nhau nhận xét, rồi chỉ vào một bức, bảo: “Dùng bức này, đây không phải bức vẽ đẹp nhất nhưng là bức vẽ giản dị, dễ in”.
Khi ra về, Cụ lại tiễn ra cổng chừng trăm mét rồi mới trở lại chỗ làm việc
Họa sĩ Phan Kế An cứ tiếc mãi: sau này di chuyển nơi ở, tranh gửi lại phần bị thất lạc, phần nữa bị mối xông, mất cả những bức to vẽ kĩ, vài bức nhỏ cầm theo người thì còn… Sau ngày Chủ tịch Hồ chí Minh qua đời, họa sĩ Phan Kế An mới chọn một ký họa để phác thảo bức chân dung bằng tranh khắc gỗ. Cụ. Bức chân dung vẽ nghiêng, rất có thần. Có lẽ đấy là bức khắc tuyệt tác của Phan Kế An về Hồ Chủ tịch trong nhiều tranh khắc của ông về đề tài này. Tôi đã xem tranh của Nguyễn Đỗ Cung, sơn dầu vủa Tô ngọc Vân vẽ Cụ làm việc ở Bắc Bộ phủ, tượng chân dung của Nguyễn Thị Kim, bức vẽ chân dung Hồ Chủ tịch bằng máu trích từ tay mình ra của Diệp Minh Châu và tranh sơn dầu của Trần Văn Cẩn , nhưng về tinh thần lãnh tụ thì theo cảm nhận của riêng tôi, bức tranh khắc nghiêng chân dung Cụ của Phan Kế An vẫn là số một.
Họa sĩ Phan Kế An lại kể tiếp, những người khác vẽ thì ông không biết nhưng họa sĩ Dương Bích Liên vẽ Cụ thì lại “nghệ” quá, nhiều chất phóng túng, kí họa chỗ mờ chỗ tỏ nên nhiều người không thích, sau không dùng được. Bác sĩ Hào Hải, người bạn thân thiết với Dương Bích Liên cũng từng viết trên tờ Văn Nghệ rằng Dương Bích Liên có nung nấu một tác phẩm về Cụ Hồ. Ông ấy cho rằng Cụ là một nhà cách mạng bất đắc dĩ chứ tâm hồn của Cụ là tâm hồn của một nghệ sĩ, nên hoạ sĩ muốn vẽ Cụ ngồi bên suối, vai khoác chiếc áo va-rơi cũ, đang vun lá nhóm một đống lửa trong chiều chạng vạng để bộc lộ hết cái cô đơn về tâm trạng con người nghệ sĩ trong ông Cụ. Nhưng tiếc thay loay hoay mãi cho đến khi qua đời, hoạ sĩ vẫn không thực hiện được dự định.
Năm tháng đã trôi qua, suy ngẫm về việc Chủ tịch Hồ chí Minh từng cho phép 7 họa sĩ trực tiếp vẽ chân dung mình, cho thấy Người là người khá am tường và yêu nghệ thuật, và luôn nhìn nhận nghệ thuật tạo hình với một thái độ rất trân trọng.
(2012)
Xem thêm:
Chuyện Yết Kiêu (1): Tháp ngà và chuồng gà