Hôm nay mồng Ba ..còn 2 ngày nữa là đến phiên chợ Khau Vai-6/5 dương lịch
Không được làm ruộng thì đi làm nương
Không được làm vợ thì làm người tình…(câu hát ở chợ KhauVai)
Chợ Khau Vai, xa xưa có tên là chợ Phong lưu.
Chợ ở xã khau Vai, huyện Mèo Vạc,tỉnh Hà Giang. Chợ nằm trên miếng đất hình yên ngựa. Xưa kia cái tên Khau Vai là gọi theo đặc điểm của khoảng núi có nhiều dây mây song mọc. Từ Mèo Vạc rẽ đường Lũng Pù chừng mười lăm ki lô mét thì chia hai ngả:rẽ trái vào Khau Vai, đi thẳng thì vào Lũng Pù. Khau Vai cách thị trấn Mèo Vạc chừng 20 cây số, đường leo dốc khá hiểm trở. Vùng này cũng là nơi có nhiều bãi đá hình thù đa dạng thuộc vào mấy bãi đá đẹp nhất của Cao nguyên đá.
Phiên chợ một năm chỉ họp một lần này, người đến là những người có mối tình bất thành nên mới có cái tên “ Phong lưu” đặt cho chợ!. Họ đến đây tìm gặp lại người bạn tình sâu nặng nhất thời trai trẻ mà chỉ vì lí do nào đó không nên duyên chồng.Đến chợ đôi bạn già gặp nhau ra bờ rừng mé núi ngồi tâm tình. Họ mời nhau miếng bánh, bát canh, chén rượu và cho nhau gói quà tấm bánh. Người đàn bà thì hoặc trao cho người yêu cũ đôi giày cỏ mới bện xong hoặc đôi giầy vải bền bỉ khâu cả năm.Món quà không lớn nhưng tình người thì nặng như núi, dài như sông để trải lòng cho những nhớ nhung đầu ngành cuối ngọn.
Phiên ấy, có khi đôi vợ chồng cùng ra chợ. Người chồng đi tìm gặp người yêu cũ, người vợ thì đến với người bạn giai không thành đôi lứa, khi cả hai đã ở tuổi xế chiều. Cuộc gặp không bao giờ cần hẹn trước, vì là ngày 27 tháng 3 âm lịch hàng năm, một nămchỉ có một phiên. Chợ Phong Lưu thì cứ ngày ấy mà về. Đó là ngày giỗ của những mối tình bất thành.
Hỏi nơi nào trên trái đất này có một phiên chợ không bán không mua, chỉ có lời tự tình chia sẻ đắng cay và ngọt bùi kéo dài năm này qua năm khác, cho đến lúc họ không bước chân được đến chợ hoặc khi buộc phải giã từ cuộc sống trần gian…
Truyền thuyết về phiên chợ này bắt nguồn từ mối tình của đôi trai gái: chàng Ba (người Nùng) một trai nghèo ở Khau Vai và cô Út (người Giáy) là con một tộc trưởng giàu có ở nơi khác. Cô Út đi theo tình yêu trốn nhà lên Khau Vai với chàng. Bố mẹ cô Út không đồng ý. Thế là họ hàng gia đình cô gái kéo đến đòi người. Hai họ tìm cách tấn công nhau. Từ trên núi, đôi trai gái muốn tránh cho cuộc tỉ thí sẽ đổ máu nên họ đành chia tay nhau. Đó là ngày 27 tháng Ba. Họ thề nguyền chờ nhau kiếp sau sẽ thành vợ thành chồng. Từ đấy cứ mỗi năm đến 27 tháng Ba họ lại tìm về chợ hát cho nhau nghe. Vào phiên chợ cuối cùng của cuộc đời họ ôm nhau cùng chết bên gốc cây cạnh hòn đá thề năm xưa như nguyện ước.
Nơi ấy bây giờ vẫn còn hai ngôi miếu thờ: Miếu Ông, và miếu Bà do dân làng lập nên minh chững cho câu chuyện tình đôi lứa là có thật.
Có chuyện một đôi bạn tình như thế trong câu chuyện của Cao Duy Sơn (nhà văn người dân tộc Tày). Người đàn ông mỗi lần đến chợ lại đem đôi giày so vào chân và cố tỏ ra mình còn trai tráng. Người đàn bà quay mặt đi, nhỏ nước mắt bảo ông ơi, đừng làm thế, người già thì chân nhỏ đi, tôi biết mà…
Trải mấy năm… về chợ Phiên 27tháng Ba ông chờ bà mà không gặp. Đến năm thứ ba thì ông nhận được tin bà mất.Lần ấy đến chợ người đàn ông vào quán mua hai bát canh, sắm hai bát nhỏ, hai đôi đũa và bày hai chén rượu. Ông ăn một miếng, lại mời bà một câu và tay nâng bầu rót rượu rót mời. Suốt bữa ăn ông kể lể cho bà chuyện nhà chuyện cửa trong mấy năm qua, âu yếm trò chuyện như bà vãn đang ngồi đối diện. Rôi mắt ông nhòa lệ khóc người bạn tình đã khuất, ông đem đôi dép cỏ và vài ba món quà khác mà bà tặng năm xưa ra ngắm nghía lần cuối rồi châm lửa “hóa” nó theo cuộc tình. Cõi tình Khau Vai là như vậy.
Hoạ sĩ Đỗ Đức, 12/2/2013