Chuyện của mình

Ba lần lên Hà Giang, chuyến xa nhất cách đây 27 năm, nhưng chưa lần nào tôi được cơ may gặp mặt anh hùng Sùng Dúng Lù. Chiến công năm xưa của ông, tay không vào hang núi gọi cha con trùm phỉ Vàng Vạn Li ra đầu thú gây ấn tượng rất lớn đối với tôi. Rồi bao nhiêu chuyện kể về ông trong đời thường đã phủ lên nhân vật này nhiều màu sắc huyền thoại. Tôi tự nhủ không gặp được ông âu cũng là một cái may, để trong tôi kỉ niệm về ông giữ mãi được vẻ đẹp diệu kì.

Năm 1995 nhà xuất bản Văn hóa dân tộc đã cùng với sở Văn hóa thông tin tỉnh Hà Giang xuất bản cuốn truyện tranh “ vào hang bắt cọp” kể về chiến công của Sùng Dúng Lù. Số tiền trên ba triệu đồng thu được từ cuốn sách đã được gom vào sổ tiết kiệm tình nghĩa đem lên tặng người anh hùng. Chuyến ấy tôi cũng không đi được.

Ước mong một lần được gặp ông chưa thành và cũng không bao giờ thực hiện được nữa, bởi năm 1998 ông đã qua đời vì tuổi già sức yếu. Bài viết này không chỉ là lời viếng muộn mằn với con người tôi hằng kính trọng, mà cũng muốn một lần được vẽ lại bức chân dung ông, một bức chân dung cũng nhuốm màu huyền thọai để tặng cho tất cả những ai đã một lần được biết đến ông hoặc từng nghe kể về ông.

 

Cây trúc Vần Chải sống chen với đá nhưng mọc lên thì thẳng tắp. Cây to bổ đôi đem lợp mái nhà bền hơn gỗ pơmu. Cây nhỏ làm cần câu bán cũng được tiền. Về Hà Nội mình đã thấy cây trúc như thế, nhưng là khóm nhỏ đem trồng trong chậu, trông cằn cỗi nhưng người Hà Nội lại trầm trồ khen gọi là trúc quân tử. Nếu họ trông thấy trúc Vần Chải của mình thì họ sẽ bảo sao nhỉ?
Có lần người Hà Nội lên Phó Bảng ra chợ gặp hai ông già người Mông mắng nhau: mắt mày xấu mày nhìn cái gì cũng xấu thì người Hà Nội reo lên : Giỏi quá, đó là triết học, cao siêu lắm, thâm thúy lắm. Mình chẳng thấy có gì lạ cả. Cái lí ấy người Mông mình vẫn nói với nhau hằng ngày đấy thôi.

Mình biết thổi khèn từ bé, tiếng khèn vi vút vui tai để đi đường đỡ thấy xa, chỉ thế thôi. Nhưng người Hà Nội lại bảo trong tiếng khèn mình có thác rơi gió thổi, có tiếng của chim họa mi, có lời thủ thỉ tâm tình của rừng đại ngàn. Sao mình thổi mãi mà không  thấy gì. Chẳng nhẽ người Hà Nội lại tài nghe hơn mình.

Cây chè ở miền núi ở đâu chẳng có. Vậy mà chỉ có người Hà Nội mới biết đâu là chè ngon. Họ phân biệt được đâu là chè Tân Cương đâu là chè Phú Thọ; chè La Bằng thì ngon ở chỗ nào, biết chè nào là quí nhất. Họ còn thóc mách biết đến cả hai ngàn gốc chè shan ở Lũng Phìn, bốn mùa sống trong sương mù, cho thứ chè thơm mát như đồ uống của thần tiên. Thế mà người Đồng Văn mình uống chè Lũng Phìn chỉ thấy như uống nước thường mà thôi.

Hồi còn trẻ làm dân quân tiễu phỉ, mình tay không chui vào hang núi gọi phỉ ra đầu thú, có gì khó lắm đâu, bởi thằng phỉ ấy cũng là người cùng bản. Mình đi bảo nó cái lí đúng để nó biết đường về. Thế mà mình được khen lắm, được bảo là dũng cảm, được khen là anh hùng, được cấp một cái bằng khen rõ to. Lần ấy người Hà Nội cũng bảo giỏi lắm, tốt lắm. Ờ, bảo thế thì mình cũng biết thế.

Nhớ lần được về Hà Nội làm khách, được ở trong cái nhà to. Nhưng đến tối, đèn sáng quá làm giấc ngủ không yên, phải dậy tắt đèn đi mới ngủ được. Còn cái giường nằm êm đến mức không muốn dậy. Mình bảo là cái giường lười. Nhưng người Hà Nội lại bảo thế mới tốt. Tốt gì chứ, tốt cho cái lười thì có.

Còn khổ nhất là khi đi vào buồng iẻ, đèn sáng quá, xấu hổ. Ngồi xuống thấy lạnh ngắt, không…đi được. Lúc ấy lại nhớ quá cái nương đá cạnh nhà ở Vần chải, có gió đi lại nhiều mát lắm. Nói chuyện thì người Hà Nội lại bảo là tại chưa quen. Người Hà Nội không biết rằng đi ỉẻ mà không iẻ được thì khổ thế nào rồi!

Nhớ cái lần nhà mình với lão phỉ đầu thú trở thành thông gia, có rất nhiều lời bàn tán. Có người còn cho là mình mất lập trường. Mất lập trường gì chứ, mình đã coi nó là bạn từ ngày nó vác súng về hàng chính quyền thì còn cần lập trường gì. Người Hà Nội biết chuyện lại bảo cứ như tiểu thuyết ấy nhỉ. Mình cũng chẳng biết đó là lời khen hay là chê..
Ngày họa sĩ ở Hà Nội lên, gọi cả bản mình ra nương đá, đứng dưới nắng để họa sĩ vẽ. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày, đứng không mà mỏi hơn đi làm. Mình bảo họa sĩ : Cả bản bỏ việc thế này là không tốt đâu, thì họa sĩ Hà Nội túm cổ áo mình bắt lí: Sao lại không tốt? Vẽ Anh hùng để tuyên truyền cho cả nước biết, đấy là việc tốt. Mình đành bảo bà con trong bản đứng thêm một ngày nữa, trong bụng không thông. Nhưng lại nghĩ chẳng nhẽ họa sĩ Hà Nội lại sai?

Người Hà Nội với mình là thế. Cái nó bảo tốt thì mình thấy bình thường, cái mình không thích nó lại bảo là hay. Có phải mình ở núi cao nên hay nghĩ thấp xuống, còn người Hà Nội ở đất thấp nên hay nghĩ cao lên. Không biết có đúng thế không.

Hôm mới đây nhất có đoàn khách từ tỉnh lên, có người Hà Nội đi cùng. Họ gặp gỡ thăm hỏi cứ như quen đã lâu, nói gì nhiều lắm. Rồi họ đưa cho cái sổ tiết kiệm, bảo  là quà tình nghĩa. Xem sổ thấy có ba triệu đồng. Nhiều quá, mình chưa có nhiều tiền thế này bao giờ. Lúc này mình lại đang cần sáu mươi nghìn để mua đôi lợn mà không biết tìm đâu ra. Thế này thì tốt quá.  Nhưng bảo tình nghĩa thì không hiểu. Không quen biết thì tình nghĩa cái gì nhỉ? Mình thiếu  nhưng có kêu ca với ai bao giờ đâu, mà sao họ lại biết …

Ôi, với người Hà Nội thì lại phải tìm hiểu thôi. Cái lí thì gần nhau, nhưng khi nói với nhau bao giờ cũng tưởng là chuyện ngược chiều.

 

Đỗ Đức. 2000

 

Xem thêm:

Chuyện Yết Kiêu (3): Nhất quỷ nhì ma, thầy và trò Yết Kiêu 

Tự sự: Cái duyên với giấy dó 

Đầu năm trò chuyện với nhà văn Tô Hoài 

Tinh thần Root Arts (Pháp, 2011)

 

  1 comment for “Chuyện của mình

Comments are closed.