Bài giới thiệu Cao Nguyên Đá trên tạp chí Heritage
Intro: Triển lãm “Cao nguyên đá” của họa sĩ Đỗ Đức, đánh dấu một giai đoạn sáng tác với chất liệu sơn dầu, về mảng đề tài xuyên suốt mà ông theo đuổi cả cuộc đời: miền núi và dân tộc
“Cao nguyên đá” là câu chuyện bằng đường nét và màu sắc về Đá và những Con người sống trên đá
Cách đây chừng 30 năm, người ta biết đến họa sĩ Đỗ Đức ở thể loại tranh khắc gỗ, với những tác phẩm có mặt trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như “Chợ Đồng Văn”, “Bạn già”. Những năm 1990’s- 2000’s, ông lại thành danh với chất liệu giấy dó, với loạt tác phẩm về sắc phục dân tộc và cuộc sống miền núi, vẽ theo phương pháp đồng hiện. Và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 này, ông lại trình làng một triển lãm tranh sơn dầu với những tác phẩm được sáng tác trong khoảng 4- 5 năm gần đây.
Say sưa với nhiều chất liệu, duy chỉ có một thứ giữ nguyên trong sáng tác của họa sĩ Đỗ Đức, đó là đề tài miền núi và dân tộc. Ông gắn bó với miền đất và con người vùng biên giới phía Bắc suốt từ khi bắt đầu đi học vẽ, qua hơn 40 năm công tác, cho đến tận bây giờ. Ở đây ông tìm ra được sự tri kỷ, tri âm.
Miền núi phía Bắc thì chỉ có đá và đá, nhấp nhô muôn hình thù kỳ thú một màu đen tím và hùng vĩ. Trong cái không gian trùng trùng đá, trùng trùng sự câm lặng ấy, con người trở nên nhỏ bé và mong manh biết bao. Ý tưởng vẽ về “Cao nguyên đá” nảy ra trên chục năm nay, sau nhiều lần qua lại vùng cao nguyên của họa sĩ. Những bức tranh sơn dầu của ông không chỉ vẽ về cao nguyên đá Đồng Văn. “Tôi nghĩ về một cao nguyên đá dài rộng hơn, suốt một dọc từ Lai Châu sang tới Hà Giang và Cao Bằng. Đó là một dải không gian bao la, nơi những người sống trên đá, chen chân với đá. Tôi vẽ về đá và những người sống trên đá”. Đỗ Đức chia sẻ được điều này trong tác phẩm của mình, vì ông đã sống cùng nhịp đập với đời sống của vùng đất này gần như suốt cả cuộc đời.
Trong lời “Tự bạch” của triển lãm, họa sĩ Đố Đức viết: “… Lên đây mới có dịp ngồi với đá, chuyện trò với đá, lắng nghe hơi thở của đá để hiểu về một vùng núi non hùng vĩ, mà mùa đông luôn được phủ trong tấm chăn sương mù khổng lồ, mùa hạ thì nắng cháy khét đến từng thớ đá. Rồi bất thần những cơn mưa xối xả và đột ngột dừng, làm cho đá bị nứt nẻ, bị xé toạc, và bị đẽo mòn theo năm tháng. Lên đây để xem người Mông, người Lô Lô, người Cờ Lao, người Pu Péo… đã khéo sắp xếp cuộc sống của mình như thế nào trên đá, để tồn tại cùng đá. Họ là những con người tài ba trong việc níu giữ từng hạt đất nhỏ nhoi giắt trong kẽ đá, bằng cách xếp đá làm bờ nương. Họ biết bảo vệ ngôi nhà của mình bằng tường rào đá xếp vững chắc và duyên dáng. Họ biết tìm nước và giữ nước giữa những trùng trùng đá xác khô khan, và biết chắt ra từng giọt rượu thơm từ những hạt ngô cuối cùng trong nhà để chờ bạn. Và cũng chỉ có đến với dân vùng biên cương này ta mới biết được lòng yêu quý bạn bè như thế nào, và hiểu niềm tự hào “được say” khi có nhiều bạn mời rượu…”
Quả thật, sống được trên đá là biết chắt lọc từ đá để tìm ra miếng ăn mà tồn tại. Bởi thế trong tranh của Đỗ Đức, con người và thiên nhiên cứ hòa quyện vào nhau, tồn tại trong nhau. Con người trong tranh ông nhiều khi được diễn tả như tạc từ đá ra, và ngược lại, kể cả ở những bức phong cảnh tĩnh lặng không một bóng người, nhưng hơi thở và nhịp sống của người vùng rẻo cao vẫn được cảm nhận một cách sống động. Không gian bao la của đại ngàn đã gắn bó, ăn sâu trong tiềm thức của họa sĩ, để đến khi ông diễn tả nó trên mặt toan vẽ, thì cả một khoảng không gian cứ xôn xao làm người ta cảm thấy như có gió ngàn, mù buông, và đá quẩn dưới chân. Kể cả sự biến đổi của thiên nhiên, như khi trời chuyển sang Đông, một bầu không khí mất dần hơi nước, trời đất hanh hao chuyển sang giá lạnh… không gian ấy được biểu đạt trong tranh thật đến mức như có thể cảm nhận được bằng da thịt.
Một nội dung mang ý nghĩa sâu sắc mà tranh Đỗ Đức hay đề cập đến, là cái chủ thể kiên cường của người dân vùng biên cương. Nội dung này hiển hiện ở mỗi nhân vật trong tranh ông, từ người mẹ phải lăn lộn với cuộc mưu sinh để có được hạnh phúc là bế đứa con trên tay, đến hình ảnh người đàn ông lầm lũi một người một ngựa trong không gian vần vũ của núi đá. Bên cạnh cái tự tại của con người, cái hùng vĩ mà nên thơ của người mẹ thiên nhiên trong tranh Đỗ Đức cũng luôn mang lại cảm xúc dạt dào cho người xem. Thiên nhiên miền sơn cước khốc liệt, nhưng vẫn luôn che chắn cho cuộc sống mỗi người dân nơi đây.
Xem tranh Đỗ Đức, thấy ông tuy vẫn sử dụng bút phát theo lối diễn tả hiện thực, nhưng trong nội hàm tác phẩm lại lấp lánh sự duy lí và tư duy triết học, bởi sự quan sát kỹ lưỡng và từng trải về cuộc sống. Tranh sơn dầu của họa sĩ Đỗ Đức có khá nhiều bức ẩn hiện lối nhìn của tranh giấy dó, mềm mại, trữ tình và giản dị, khiến người xem cảm giác gần gũi như thấy mình đã cùng ông đi qua những vùng núi trong tranh.
“Cao nguyên đá” là triển lãm cá nhân lần thứ 4 tại Hà Nội của họa sĩ Đỗ Đức. Một lần nữa, người xem lại được hòa cùng nhịp đập cuộc sống của dải đất biên cương lũy thép, nơi địa đầu Tổ Quốc, với hơn 40 tác phẩm trong triển lãm.
- Thông tin triển lãm:
Triển lãm “Cao nguyên đá” diễn ra từ ngày 1-15/11/2012, tại Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật VN, số 16 Ngô Quyền, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Thông tin nghệ sĩ
Họa sĩ Đỗ Đức (sinh 1945), nguyên Ủy viên chuyên ngành Đồ họa Hội Mỹ thuật VN, nguyên Ủy viên BCH. Hội Mỹ thuật Hà Nội (khóa 4), nguyên Trưởng Ban Mỹ thuật NXB. Văn hóa Dân tộc. Hiện ông là họa sĩ sáng tác tự do.
Xem thêm:
Tự bạch của hoạ sĩ Đỗ Đức về Cao Nguyên Đá
Vạn lý độc hành: ngựa trong tranh Đỗ Đức
Mang “Cao nguyên đá” về Hà Nội
Bầy tranh sơn dầu tại Cao Nguyên Đá
Sức sống của Cao Nguyên Đá trong tranh của Đỗ Đức
Xem toàn bộ tranh Cao Nguyên Đá Gallery